Một số giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
EmailPrintAa
09:19 06/08/2014

Ngày 6/8/2014, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 7 nhiệm kỳ 2011- 2016. Tại hội nghị, đồng chí Trần Viết Hậu - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã trình bày tham luận “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh”. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

Đồng chí Trần Viết Hậu - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trình bày tham luận tại hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 7

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh. Tuy không phải là một chủ thể được luật quy định thực hiện chức năng giám sát, quyết định nhưng trên thực tế chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND không chỉ phụ thuộc vào bản thân các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà còn có sự đóng góp quan trọng của bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH và HĐND. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND thì các giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu và phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND là hết sức cần thiết. Trong khuôn khổ nội dung hội nghị lần này, chúng tôi xin được trao đổi một số ý kiến với chủ đề: “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh”.

Thực hiện nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh (Sau đây được gọi là Văn phòng) được thành lập tháng 4/2008, trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh. Sau khi thành lập, tổ chức, bộ máy Văn phòng ngày càng được củng cố, kiện toàn, tham mưu và phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh.

Tuy vậy, hoạt động của Văn phòng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, xuất hiện một số điểm bất cập và hạn chế như: Đối tượng phục vụ của Văn phòng nhiều, bao gồm Đoàn ĐBQH tỉnh, các đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh trong khi đội ngũ chuyên viên, viên chức thì mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều phần công việc; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng, các phòng chưa rõ, còn chồng chéo nên việc triển khai thực hiện các mặt công tác vẫn còn gặp một số khó khăn. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định dẫn đến một số hoạt động tham mưu, phục vụ, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, chuyên viên còn bị động.

Theo quy định của Luật, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND tỉnh; chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh có bộ máy tham mưu, giúp việc là các phòng và các chuyên viên của Văn phòng; tuy vậy từ khi thành lập Văn phòng đến nay, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh chỉ mới có 1 phòng (Phòng Công tác HĐND) tham mưu về lĩnh vực hoạt động chuyên môn, đội ngũ chuyên viên mỏng. Tương tự như vậy, Đoàn ĐBQH cũng chỉ có 1 phòng tham mưu (Phòng công tác ĐBQH). Do vậy một số hoạt động của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định.

Nhận thấy những khó khăn, bất cập nêu trên, để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năm 2012 Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, Lãnh đạo đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Văn phòng xây dựng Đề án “Đổi mới, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh”. Sau khi thực hiện Đề án, cơ cấu tổ chức của Văn phòng gồm có 4 Lãnh đạo Văn phòng, 5 phòng chuyên môn (Tổng hợp-Dân nguyện, Kinh tế Ngân sách, Văn hóa Xã hội, Pháp chế, Công tác ĐBQH), 1 phòng Hành chính-Tổ chức-Quản trị và 1 Trung tâm thông tin là đơn vị sự nghiệp, với biên chế 38 người. Sinh hoạt tại Văn phòng còn có các đồng chí là Phó Chủ tịch HĐND, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực HĐND và 3 đồng chí Trưởng các ban HĐND tỉnh. Trong tổng số 44 cán bộ biên chế sinh hoạt tại Văn phòng có 10 đồng chí thuộc diện Ban TVTU quản lý, 14 đồng chí  có trình độ cử nhân và cao cấp chính trị, 35 đồng chí có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 9 đồng chí có trình độ thạc sĩ, có 02 đồng chí đang làm luận án tiến sĩ.

Văn phòng đã ban hành quy chế hoạt động trong đó quy định cụ thể về cơ chế hoạt động, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác, nhằm tạo sự chủ động tích cực cho cán bộ, chuyên viên, sự gắn bó chặt chẽ và thường xuyên giữa các phòng và các chuyên viên…. Các phòng chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng các ban HĐND tỉnh; chịu sự quản lý về tổ chức, hành chính của Chánh Văn phòng và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ trước Chánh Văn phòng và các Phó Chánh Văn phòng phụ trách lĩnh vực. Lãnh đạo các ban HĐND chỉ đạo, điều hành trực tiếp về chuyên môn đối với các phòng chuyên môn được phân công giúp việc cho các Ban HĐND.

Nhìn chung, bộ máy Văn phòng được cải tiến hợp lý hơn, đi vào hoạt động chuyên sâu tham mưu, phục vụ cho Đoàn ĐBQH, Thường trực, các ban, các đại biểu HĐND theo lĩnh vực; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đã góp phần quan trọng trong việc tham mưu, phục vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Nổi bật ở các hoạt động sau:

Tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh trong các hoạt động của Kỳ họp Quốc hội và HĐND tỉnh như: Tham dự các kỳ họp Quốc hội, tham mưu Đoàn ĐBQH làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh; thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng trình tại các kỳ họp; tổng hợp câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và các ban HĐND tỉnh gửi đến Kỳ họp; tổ chức tiếp xúc cử trước và sau các kỳ họp; tham mưu chỉnh lý, hoàn thiện và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết Kỳ họp HĐND tỉnh. Tham mưu Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực: công tác chuẩn bị kỳ họp; tiếp xúc cử tri; thẩm tra; giám sát tại kỳ họp; ban hành nghị quyết; công tác đảm bảo.v.v...

Tham mưu Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh thực hiện tốt các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên theo chương trình, kế hoạch và các cuộc khảo sát, làm việc với các địa phương, cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh. Trung bình hàng năm tham mưu tổ chức 4-5 cuộc giám sát chuyên đề; hiện nay đang tham mưu Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Đề tài khoa học “Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh”.

Tham mưu Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh xử lý những vấn đề quan trọng của tỉnh phát sinh giữa hai kỳ họp do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đảm bảo chính xác, kịp thời, hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thực hiện tốt chế độ tổng hợp thông tin phục vụ Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh.   Giúp Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo và tổ chức các hoạt động theo chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh. Tham mưu xuất bản Tờ thông tin, trang Website Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh, chuyên mục Đài truyền hình "Đại biểu dân cử với cử tri"; Tham mưu Thường trực HĐND tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp.

Thực hiện tốt đảm bảo các điều kiện hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND; công tác cải cách hành chính, thi đua, khen thưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; công tác tổ chức, cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được trẻ hoá, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác ngày càng được nâng cao; không ngừng đổi mới phong cách làm việc, phục vụ tích cực, kịp thời và có chất lượng cho Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh.

Tuy vậy, trong quá trình hoạt động của Văn phòng vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định, nguyên nhân chủ quan là do số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chưa đủ so với yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng chuyên môn không đồng đều; cơ cấu tổ chức, bộ máy mặc dù đã được kiện toàn, đổi mới song chưa thực sự hoàn thiện, cần phải tiếp tục điều chỉnh hợp lý hơn....Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, chúng tôi nhận thấy còn một số nguyên nhân khách quan dẫn đến có những bất cập, vướng mắc trong thời gian dài đến nay vẫn chưa được tháo gỡ như: Quy định về thể chế, vị trí của Văn phòng trong cơ quan nhà nước chưa rõ ràng; chức năng nhiệm vụ nhiều trùng lắp; tổ chức bộ máy thiếu thống nhất trong toàn quốc; nhận thức về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Văn phòng cũng chưa đúng, chưa đầy đủ và còn nhiều cách đánh giá khác nhau..v.v...      

Từ thực tiễn hoạt động thời gian qua, chúng tôi xin nêu lên một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tham mưu và phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh như:

Thứ nhất, đề nghị Trung ương sớm sửa đổi Nghị quyết số 545/2007/ UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, xác định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của Văn phòng; các mối quan hệ của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh; giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh với các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là mối quan hệ với các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh. 

Thứ hai, Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của Văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh trong tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Những chuyên viên giúp việc cho các cơ quan của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phải có chuyên môn sâu, đặc biệt cần nhạy bén về chính trị, kịp thời phát hiện những vấn đề trong quản lý nhà nước, kinh tế-xã hội, đề xuất tham mưu những cơ chế, chính sách, giải pháp cho HĐND để thực hiện các chức năng theo luật định. Để đáp ứng được yêu cầu trên, phải có chính sách, chế độ phù hợp thu hút các chuyên gia giỏi của các lĩnh vực về giúp việc cho HĐND; Bố trí đủ chuyên viên cho các phòng theo hướng chuyên sâu phục vụ cho Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các ban HĐND; thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ Văn phòng tham gia các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và trình độ chuyên môn. Cần quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ; việc đề bạt, bổ nhiệm nếu làm tốt sẽ là động lực rất lớn để động viên, kích thích cán bộ, công chức phấn đấu, rèn luyện.

Thứ ba, quy chế hóa các mặt hoạt động của Văn phòng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan. Thực tiễn cho thấy nếu điều hành khoa học, phân công hợp lý; đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo về trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của HĐND gắn liền với ứng dụng thành tựu của công nghệ tin học và công nghệ truyền thông; không ngừng cải tiến nghiệp vụ hành chính Văn phòng phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính thì mọi công việc được chủ động hơn, thuận lợi hơn, hoạt động có hiệu quả hơn.

 Thứ tư,, Cán bộ, chuyên viên Văn phòng phải thường xuyên tự học hỏi, nghiên cứu, nắm bắt, cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động của cơ quan dân cử, tình hình kinh tế - xã hội địa phương, các chủ trương của Đảng, nhà nước...Đó là căn cứ giúp cho hoạt động tham mưu, phục vụ ngày càng hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, nhất là với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND, Văn phòng Ủy ban MTTQ tỉnh để việc tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đảm bảo kịp thời, chính xác và hiệu quả.


    Ý kiến bạn đọc