Những chuyến tàu vươn khơi
EmailPrintAa
07:36 18/07/2013

Quyết định số 26/2012/ QĐ-UBND ngày 11/6/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh  đã góp phần hỗ trợ ngư dân đầu tư phương tiện, ngư cụ, nâng cao trình độ, kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, chế biến... theo hướng bền vững để làm chủ biển khơi đã đi vào cuộc sống

Trở về bến sau chuyến đi dài ngày, ông Trần Văn Dũng (thôn Hội Long, xã Xuân Hội - Nghi Xuân) phấn khởi cho biết: vụ cá Bắc năm nay, ngư dân vừa được mùa vừa được giá nên bà con rất vui. Chỉ sau 2-3 ngày bám biển, 2 tàu của ông có công suất 450 CV /chiếc thu được trên 10 tấn cá các loại. Được giá, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi vài chục triệu đồng.

Không đạt lợi nhuận cao như ông Dũng nhưng các loại tàu nhỏ hơn (công suất 60-90 CV) của Xuân Hội cũng như các địa phương khác đang ăn nên làm ra sau những ngày miệt mài bám biển. Đây chính là những tín hiệu vui đối với lĩnh vực khai thác xa bờ hiện được Đảng và Nhà nước đang hết sức quan tâm và đầu tư khuyến khích ngư dân làm chủ biển khơi bằng những chính sách kịp thời, thiết thực. Trong đó, QĐ 24, 26 của UBND tỉnh và một số chính sách của các địa phương đã trực tiếp động viên, khích lệ bà con yên tâm đầu tư thực hiện hướng đi của mình.

 

Ông Nguyễn Huy Hoàng (thôn Lâm Hoãn, xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên), một ngư dân “gạo cội” trong nghề khai thác biển bao nhiêu năm qua vẫn phải quẩn quanh khai thác vùng bờ và vùng lộng do không đủ vốn để sắm tàu lớn đủ sức vươn khơi. Khi có chính sách của tỉnh và huyện hỗ trợ, ông đã có điều kiện đóng mới một đôi tàu 60 CV để thỏa chí làm giàu trên biển. Cũng như ông Hoàng, anh Trương Quang An (thôn Xuân Phượng - Thạch Kim - Lộc Hà) vừa tranh thủ được nguồn hỗ trợ từ QĐ 24 của tỉnh và QĐ 660 của huyện, đóng mới chiếc tàu 150 CV. Chỉ sau hơn 2 năm kể từ khi các chính sách được ban hành, với từ 32 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, toàn tỉnh đã tăng lên trên 92 chiếc; trong đó, các địa phương có số tàu đánh bắt xa bờ lớn như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh.

Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, tổng sản lượng khai thác năm 2012 toàn tỉnh đạt 29.000 tấn; 3 tháng đầu năm 2013 đạt trên 6.000 tấn, trị giá gần 175 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 70% sản lượng thuộc về đánh bắt xa bờ.

Cần tiếp thêm nguồn lực

Đó là trăn trở của ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh. Theo ông Hoàng, mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng xét về quy mô và năng lực khai thác hiện tại, chúng ta còn thấp thua quá nhiều so với các tỉnh bạn. Hiện nay, nhu cầu khai thác hải sản của tỉnh đang tăng nhanh, trong khi ngư trường khai thác chưa được mở rộng, nguyên nhân là sự phát triển tự phát của lượng tàu thuyền công suất nhỏ, chủ yếu khai thác ven bờ, làm cạn kiệt tài nguyên. Tổng số tàu thuyền hiện nay của Hà Tĩnh là 3.863 chiếc, nhưng tàu đánh bắt xa bờ công suất 90 CV trở lên chỉ có 90 chiếc. Trong khi đó, lượng thuyền công suất dưới 20 CV có đến 3.000 chiếc, chiếm 78%.

Tại cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà), hàng ngày có rất nhiều tàu cá công suất lớn của các tỉnh như: Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa… đến “xả hàng” cho HTX Chế biến hải sản Thiên Phú, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện một thuyền viên trên tàu NA 746 có công suất trên 400 CV của Nghệ An, được biết, ở tỉnh bạn, đối với loại tàu có mức công suất này là hết sức bình thường. Thậm chí đã từ lâu, ngư dân của họ sử dụng nhiều tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên dưới 1.000 CV.

Trở lại với bà con ngư dân tỉnh ta, thời gian qua, không phải vì tàu nhỏ mà ngư dân không tham gia đánh bắt xa bờ. Ngược lại, rất nhiều tàu có công suất trên dưới 60 CV, thậm chí chỉ 40 CV cũng có mặt cách xa bờ hàng ngàn hải lý. Giải thích cho “hiện tượng” này, có người cho rằng, biết là phương tiện nhỏ, yếu ớt, lênh đênh giữa trùng khơi cũng rất sợ nhưng vì điều kiện khó khăn, không đầu tư được tàu lớn trong khi lại có “máu” vươn khơi nên nhắm mắt làm liều. Cũng có người lý luận, ngày nay, có nhiều phương tiện thông tin, cứu trợ hiện đại nên cũng vững dạ hơn mà bám biển để nâng cao thu nhập khi ngư trường bờ ngày càng cạn kiệt…

Cũng phải nhìn nhận rằng, quy mô về đánh bắt xa bờ của tỉnh ta còn nhỏ bé, trước tiên là bởi các chính sách vẫn chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ về nhu cầu vươn khơi của một số ngư dân. Ông Lê Hồng Ngọ (thôn Hội Thủy - Xuân Hội - Nghi Xuân) là chủ của một đôi tàu đánh bắt xa bờ trên 150 CV/chiếc. Do tàu được đóng trước mốc các chính sách của tỉnh được ban hành nên không được hỗ trợ. Khi tàu được duy tu sửa chữa với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, ông vẫn chưa nhận được sự điều chỉnh nào để giảm bớt gánh nặng về kinh phí sửa chữa phương tiện đánh bắt. Bên cạnh đó, hạn chế về dịch vụ hậu cần nghề cá; luồng lạch bị bồi lấp… là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển đánh bắt xa bờ. Tiếp xúc với những ngư dân có nhu cầu đánh bắt xa bờ, hầu hết bà con đều có chung nguyện vọng, dù ít hay nhiều, được tiếp cận kịp thời sự hỗ trợ của Nhà nước để có điều kiện vươn khơi, GQVL, ổn định cuộc sống; góp phần bảo vệ lãnh hải của đất nước.


    Ý kiến bạn đọc