Xuân mới nghĩ về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
08:04 31/01/2024

Đón năm mới 2024, thật vui mừng nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua. Khi tái lập tỉnh, Hà Tĩnh có tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất cả nước (trên 58%), cơ sở hạ tầng yếu kém, thu ngân sách toàn tỉnh chỉ đạt 38 tỷ đồng…thì nay đã vươn mình thay da, đổi thịt, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Để đạt được những thành tựu đó, ngành Công nghiệp đã có những đóng góp to lớn, quan trọng.

Chính sách đồng bộ đã tạo đòn bẩy để KKT phát triển đúng định hướng với trụ cột là luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo, trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển, TM-DV (Ảnh: BHT)


Đường lối, chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Công nghiệp của Việt Nam được hình thành từ những năm đầu thập kỷ 60 và liên tục được đổi mới qua các kỳ đại hội của Đảng (1) ; tại Hà Tĩnh chủ trương phát triển công nghiệp đã được xác định ngay trong những đầu tái lập tỉnh; theo đó tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022, đến năm 2030 có 07 khu công nghiệp và 45 cụm công nghiệp. Đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 16-18%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng bình quân khoảng 6-8%/năm. Giá trị tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 10-12%/năm.

Đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt khoảng 54,37%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 35,8%. Phát triển khoảng 03 - 05 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...

Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt khoảng 60,3%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 32,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh; thu hút thêm khoảng 05-07 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế...

Tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN đạt trên 70%. Các KCN, CCN đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Lao động trong lĩnh vực CN-TTCN tăng trên 10%/năm.

Sau năm 2030, phát triển CN-TTCN với trọng điểm là công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, công nghiệp hỗ trợ và sản xuất điện. Đến 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Vũng Áng (TX. Kỳ Anh). Ảnh: BHT

Những đóng góp to lớn của ngành công nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh

Hà Tĩnh hiện có 04 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Vũng Áng I, Khu công nghiệp Gia Lách, Khu công nghiệp Hạ Vàng và Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà) và 21 cụm công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp được thành lập đi vào hoạt động phát huy hiệu quả cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2023 đạt 27,81%/năm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 5,65% năm 2010 lên 32% vào năm 2023.

Đóng góp của công nghiệp đối với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh là rất lớn; bình quân các giai đoạn trước năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân (GRDP) khoảng 9,5%/năm; đến giai đoạn 2011-2015 một số dự án công nghiệp lớn đầu tư xây dựng GRDP tăng trưởng rất cao bình quân đạt 16,5%/năm. Năm 2016, sự cố môi trường biển dẫn đến các dự án công nghiệp đình trệ, dừng hoạt động, GRDP đã giảm mạnh tăng trưởng âm (- 14,58%); Năm 2017 các dự án công nghiệp hoạt động trở lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,9%. Năm 2018 đạt 20,85% và năm 2019 đạt 9,44%. Đến năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 việc xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị công nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh chỉ đạt 0,53%;

Hay những năm gần đây năm 2021 công nghiệp nhiệt điện gặp sự cố phải ngừng hoạt động, kéo theo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước giảm 16% so với năm 2021; 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,54% (do công nghiệp giảm 8,66%). Năm 2023, công nghiệp nhiệt điện hoạt động trở lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 8,05% (công nghiệp tăng 10,5%);

Qua đó cho thấy tầm ảnh hưởng của ngành công nghiệp rất lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà; những đóng góp của công nghiệp thời gian qua là rất lớn tăng khoảng 28,15%/năm là ngành có tốc độ tăng trưởng cao và có triển vọng phát triển nhanh trong thời gian tới.

Ngoài ra ngành công nghiệp góp phần giải quyết việc làm, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp đạt 67.501 lao động. Thu ngân sách từ sản xuất công nghiệp chiếm trên 40% tổng thu nội địa toàn tỉnh.

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 18/5/2018 của về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; HĐND đã ban hành nhiều chính sách, như: Một số chính sách phát triển CN-TTCN; chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị; chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh…, UBND kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, để tổ chức thực hiện .

Tuy vậy, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn một số khó khăn, tồn tại. Công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch hiệu quả chưa cao; bố trí nguồn lực thực hiện một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng còn thiếu đồng bộ; việc thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên; tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất cho thuê còn chậm, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Tình hình an ninh trật tự tại một số khu, cụm công nghiệp còn tiềm ẩn phức tạp…

Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Thứ nhất là, tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XIX, Nghị quyết số 08 của BCH Đảng bộ tỉnh, Các Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh 05 năm và hàng năm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Thường xuyên rà soát đánh các chính sách phát triển CN-TTCN trong thời gian qua; kịp thời sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết để đảm đảm phù hợp với thực tiễn của tỉnh, trong đó chú trọng việc thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ và các dự án công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, xây dựng chương trình cụ thể phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh làm cơ sở xây dựng chính sách, thu hút đầu tư và triển khai phát triển công nghiệp hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả. Triển khai có hiệu quả phương án thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong quy hoạch tỉnh; Phối hợp với Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê) và các bộ, ngành trung ương sớm bổ sung nghiên cứu, đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững đối với Dự án mỏ sắt Thạch Khê để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước năm 2025.

Thứ ba, tiếp tục hình thành các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư trước mắt và lâu dài; Tăng cường công tác thu hút đầu tư; tạo tối đa mọi điều kiện để các dự án đã đăng ký đầu tư, chuẩn bị đầu tư sớm đi vào hoạt động, hạn chế tối đa việc bỏ lỡ cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp, góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Thứ tư là, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi số trong phát triển CN-TTCN; xúc tiến đầu tư, thương mại đối với các KKT, KCN, CCN; ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất kinh doanh./.


(1) Tại Đại hội VI, VII, lý luận về công nghiệp được bổ sung, làm sáng tỏ. Tại Đại hội VIII yêu cầu “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”.  Tại Đại hội IX,  X xác định công nghiệp là nhiệm vụ trung tâm. Tại Đại hội XI, XII phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðại hội XIII xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Lê Ngọc Hà - Phó Phòng CTHĐND

    Ý kiến bạn đọc