|
Đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì cuộc làm việc |
Năm 2016, thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự nổ lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế xã hội của tỉnh ta đạt được những kết quả nhất định. Kinh tế xã hội cơ bản ổn định, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh cơ bản đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM được đẩy mạnh, ứng dụng CNTT trong CCHC và xây dựng chính quyền điện tử được triển khai hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy vậy, do nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó có sự sụt giảm của tổng mức đầu tư toàn xã hội và diễn biến bất lợi của thời tiết, ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố môi trường biển nên tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà thấp hơn so với kế hoạch, năm 2016 ước thực hiện được 8/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 11/19 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 17,06% so với năm 2015, trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 4,89%, công nghiệp - xây dựng giảm 29,87%, dịch vụ giảm 14,16%; thu nội địa đạt khoảng 5.450 tỷ đồng, bằng 72,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 42.556 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2015 và đạt 63,4% kế hoạch...
|
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê phát biểu |
Năm 2017, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững ổn định chính trị - xã hội... Phấn đấu tổng sản phẩm (GRDP) tăng 10,6% so với năm 2016; sản lượng lương thực trên 51 vạn tấn; kim ngạch XK hàng hóa của các DN trong tỉnh đạt 285 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.700 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 35.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh, tính đến tháng 11/2016, Kho bạc nhà nước đã nhận được kế hoạch đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh là 7.140.260 triệu đồng. Tổng số vốn giải ngân đến ngày 20/11/2016 đạt 4.823.392 triệu đồng, bằng 68% kế hoạch. Tính từ đầu năm đến nay, KBNN đã kiểm soát thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh, với doanh số kiểm soát chi thường xuyên qua KBNN của 4 cấp ngân sách 7.740 tỷ đồng.
|
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên BTV, Bí Thư Thành ủy thành phố phát biểu |
Tại buổi làm việc, thành viên Ban và các đại biểu tham dự cơ bản đồng tình với những kết quả đạt được về tình tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kiểm soát chi ngân sách năm 2016; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: kết quả thu ngân sách năm 2016 đạt thấp so với kế hoạch HĐND tỉnh giao, hụt thu nhiều so với dự toán, ảnh hưởng lớn đến dự toán chi từ nguồn tăng thu; việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, việc thu hút doanh nghiệp, nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; phong trào xây dựng NTM đạt kết quả thấp, nhiều xã đạt chuẩn sụt giảm tiêu chí, khối lượng nợ xây dựng cơ bản NTM lớn; tỷ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng cao; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai nhiều dự án lớn còn chậm; chất lượng giáo dục còn hạn chế, việc triển khai mô hình trường học mới VNEN còn nhiều bất cập... Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản; nguyên nhân việc giải ngân chậm; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; khả năng thực hiện các chỉ tiêu về KT-XH năm 2016; quan tâm đầu tư các dự án trọng điểm để phát triển thành phố đạt đô thị loại II; quan tâm đến đầu tư giống và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tình hình nợ đầu tư công; xem xét đưa vào danh mục nguồn hỗ trợ cho các ngành, địa phương...
|
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc |
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị: cần soát xét lại nợ đầu tư xây dựng cơ bản trên toàn tỉnh, tăng cường các giải pháp để giải ngân nguồn vốn đầu tư, xem xét việc bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2017 phù hợp với Luật Đầu tư công và tình hình cân đối nguồn vốn của tỉnh; đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, hoàn chỉnh báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND quyết định tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVII.
Tin mới cập nhật
- Hoàn thiện các nội dung lĩnh vực kinh tế - ngân sách trình HĐND tỉnh ( 06/12)
- Hà Tĩnh kịp thời xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 ( 04/12)
- Hà Tĩnh nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ( 29/11)
- Rà soát kỹ, sớm hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh Hà Tĩnh tại Kỳ họp thứ 23 ( 22/11)
- Ban Kinh tế - Ngân sách cho ý kiến về các nội dung do Sở Xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tham mưu trình tại kỳ họp thứ 23 HĐND khóa XVIII ( 21/11)
- Chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XVIII ( 30/10)