Ban Kinh tế - Ngân sách làm việc với sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
EmailPrintAa
16:22 06/05/2015

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh, chiều ngày 05/5/2015, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghe báo cáo về tình hình rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có đồng chí Phan Cao Thanh - UVBTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Hoàng Thị Cẩm Tú - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; Lãnh đạo các ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh...

Kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng ( rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) theo Chỉ thị 38/CT -TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3209, ngày 29/12/2006. Sau hơn 8 năm thực hiện, Quy hoạch này đã làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về rừng, về công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, Quy hoạch này đã trải qua nhiều lần điều chỉnh: điều chỉnh lần 1(năm 2008) chuyển 5.033,2 ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ và chuyển 5.988,2 ha từ rừng phòng hộ sang sản xuất; điều chỉnh lần 2(năm 2012) chuyển 10.166,8 ha từ phòng hộ sang sản xuất và chuyển 6.810,3 ha từ rừng sản xuất sang phòng hộ, bổ sung vào đất lâm nghiệp 137,9 ha. Đến năm 2013 tiến hành rà soát điều chỉnh, đóng mốc ranh giới 10 xã ven biển huyện Nghi Xuân và 23 xã ven biển thuộc các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Đến nay đang tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vùng đồi … Tuy nhiên qua các lần điều chỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiết sót cần phải kịp thời khắc phục như: quy trình, thủ tục điều chỉnh; hồ sơ quản lý với thực tế có sự khác biệt; giữa các quy hoạch còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất; ranh giới ngoài thực địa chưa được xác định, đóng mốc … dẫn đến những khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, khai thác sử dụng rừng, đất rừng. Để khắc phục những hạn chế trên, nhằm bảo đảm cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong xu thế chuyển dịch  cơ cấu sản xuất lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chú trọng sản phẩm hàng hóa chủ lực … mà quy hoạch cũ chưa tính đến thì việc rà soát, điều chỉnh, xác định ranh giới và cắm mốc 3 loại rừng lần này là hết sức cần thiết.


....đồng chí Phan Cao Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy...

Định hướng điều chỉnh quy hoạch lần này là trên cơ sở giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng, soát xét diện tích rừng phòng hộ với yêu cầu phòng hộ không cao, có tiềm năng phát triển sản xuất để chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất; soát xét điều chỉnh từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ tại một số rừng đầu nguồn các hồ chứa nước cung cấp nước cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp … trên cơ sở phải đáp ứng hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phòng hộ, quốc phòng an ninh …. Tổng diện tích điều chỉnh từ phòng hộ sang sản xuất là 6.648,4 ha ở địa bàn các huyện Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh, Vũ Quang, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên; điều chỉnh từ rừng sản xuất sang phòng hộ 8.435,5 ha thuộc địa bàn 5 huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; điều chỉnh 309,3 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất thuộc địa bàn xã Hòa Hải, huyện Hương Khê … Đối với đai rừng phòng hộ ven biển, trong quá trình quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu phòng hộ bền vững, bố trí đai rừng sản xuất tạo sinh thái nông nghiệp bền vững bằng các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả …

...và đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng, các đại biểu đề nghị làm rõ thêm về căn cứ pháp lý để tiến hành điều chỉnh; làm rõ về nguyên tắc, thẩm quyền điều chỉnh; phương án xử lý giao đất, giao rừng sau khi chuyển đổi; làm rõ kết quả cụ thể qua các lần điều chỉnh; công tác quản lý sau khi rừng phòng hộ được chuyển sang rừng sản xuất; phương án hỗ trợ kinh phí từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ; công tác phối hợp giữa sở với chính quyền các địa phương, các chủ rừng trong quá trình xây dựng quy hoạch … Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung làm việc của sở, đồng thời đề nghị Lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của các đại biểu đã góp ý. Thời gian diễn ra kỳ họp không còn nhiều, do vậy sở cần tập trung hoàn chỉnh báo cáo để trình ra kỳ họp, báo cáo cần làm rõ về quy trình, tiêu chuẩn chuyển đổi, lý do điều chỉnh các loại rừng phải bảo đảm đúng cơ sở pháp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, phải có số liệu cụ thể về kết quả của các lần điều chỉnh. Đối với những hạn chế về quy trình, thủ tục của các lần điều chỉnh trước đây, đồng chí Trưởng ban đề nghị Lãnh đạo sở phải tiếp thu nghiêm túc, tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm phải báo cáo kết quả thực hiện cho HĐND tỉnh. Đối với việc điều chỉnh quy hoạch, cắm mốc các loại rừng phải được công khai minh bạch ở các địa phương để nhân dân theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện; trong thời gian tới phải tập trung làm tốt công tác giao đất, giao rừng, xác định giá trị các loại rừng theo quy định để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.


    Ý kiến bạn đọc