Cần quan tâm đến chính sách hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm lâm nghiệp
EmailPrintAa
18:31 27/03/2018

Sáng 27/3, Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở NN- PTNT để nghe báo cáo về tình hình thực hiện chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2018 – 2021.

Trong giai đoạn 2011 – 2017 từ các chính sách của Trung ương, tỉnh , huyện được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh để khuyến khích phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc hấp thụ chính sách lâm nghiệp của tỉnh đạt rất thấp, không đáng kể, chỉ đạt 4.602/528.174 triệu đồng chính sách nông nghiệp nông thôn ( gần 1% chính sách của toàn ngành nông nghiệp)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt báo cáo

 

Ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN- PTNT đánh giá: Thực hiện chính sách về phát triển lâm nghiệp trên địa bản tỉnh trong thời gian qua còn hạn chế, chưa tạo các đột phá để phát triển sản xuất lâm nghiệp. Qua đó, Sở NN – PTNT đã xây dựng chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2018 – 2021. Trong đó, có 6 nhóm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bao gồm: Hỗ trợ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung thâm canh; hình thành vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp theo hướng bền vững để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; hỗ trợ liên kết trong phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; hỗ trợ bảo vệ và phát triển diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao về cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và diện tích hiện đang do UBND xã quản lý và hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng trồng rừng sản xuất.

Phó giám đốc Sở Tài chính Trần Đình Sỹ phát biểu

Để chính sách đi vào cuộc sống, tại buổi làm việc một số lãnh đạo các sở ban ngành cho rằng Sở NN- PTNT cần phải quan tâm đến chính sách về sản xuất theo chuỗi, đặc biệt chú trọng đến chính sách tiêu thụ sản phẩm cho lâm nghiệp sau khi thu hoạch. Theo ông Trần Đình Sĩ – Phó giám đốc Sở Tài chính, nên có chính sách phát triển trồng rừng mới, trên đất mới chưa có rừng hoặc chuyển đổi các diện tích khác sang trồng rừng, hai là trồng rừng đã có những phải chú trọng phát triển nguyên liệu để chế biến sâu gắn với sản xuất theo chuỗi, đặc biệt có chính sách về đầu ra để phát triển bền vững. Đây là những chính sách hỗ trợ thiết thực mà báo cáo đề xuất chưa được đưa vào.  

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đỗ Khoa Văn phát biểu

 

Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc sở Khoa học Công nghệ cho rằng: Để ban hành được Nghị quyết về chính sách phát triển lâm nghiệp thì cần phải đánh giá lại tiềm năng, lợi thế để xây dựng chiến lược chung cả tỉnh, phát triển từng vùng một phù hợp với tình hình gắn với thế mạnh của các địa phương. Mặt khác , đánh giá về chính sách giao đất, giao rừng để có chính sách hỗ trợ nhưng phải đảm bảo về năng lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp doanh nghiệp tỉnh Trần Văn Kỳ
Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga

 

Ngoài ra, đại diện một số Sở, ngành liên quan đề nghị Sở NN- PTNT nghiên cứu, tham mưu sửa đổi một số chính sách phù hợp hơn, cụ thể như chính sách hỗ trợ phát triển cho các loại cây trồng lâu năm không chỉ riêng cây gió trầm; chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; chính sách phát triển lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái...

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu kết luận cuộc làm việc

 

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đánh giá cao các ý kiến góp ý về đề xuất chính sách phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2018 – 2021 của các sở ngành liên quan. Theo đó Sở NN- PTNT cần phải xem xét nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh  phù hợp trên tinh thần Nghị quyết 04 – NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh. Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở NN- PTNT cần nghiên cứu xây dựng thêm một số chính sách phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; chính sách cho quản lý, bảo vệ  và phòng cháy chữa cháy rừng; đặc biệt chính sách phát triển thương mại, xúc tiến đầu tư, đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm rừng để phát triển lâm nghiệp hiệu quả và bền vững.


    Ý kiến bạn đọc