Cần thiết ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
EmailPrintAa
18:10 12/11/2020

Chiều 12/11/2020, Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NNPTNT) và một số sở, ngành, đơn vị liên quan về dự thảo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và đô thị giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng dự có Lãnh đạo các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; các Sở, ngành, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Văn phòng Nông thôn mới tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các phòng, ban chuyên môn liên quan.

Tại cuộc làm việc, Sở NNPTNT cho biết, dự thảo nghị quyết lần này hầu hết giữ nguyên những chính sách đã ban hành tại Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh. Đồng thời, dự kiến bổ sung thêm một số chính sách mới, như: Đối với chính sách phát triển trồng trọt bổ sung nội dung hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Chính sách phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh đề xuất hỗ trợ thêm việc đào tạo dẫn tinh viên 6 triệu đồng/người, kinh phí mua bình đựng bảo quản tinh; hỗ trợ cán bộ hợp đồng trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.

Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Văn Việt: Cần thiết ban hành chính sách mới để kéo dài các chính sách của Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Chính sách phát triển thủy sản: hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/cơ sở nuôi tôm thâm canh mới hoặc nâng cấp ao hồ từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thâm canh với diện tích từ 1 ha trở lên. Chính sách phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phòng hộ là rừng trồng, rừng tự nhiên ven biển với mức tối đa 450.000 đồng/ha cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư, UBND xã. Đối với chính sách hỗ trợ mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng quy trình sản xuất, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc; kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh và quảng bá tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đối với cơ chế hỗ trợ, trong xây dựng nông thôn mới, dự kiến hỗ trợ huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 15 tỷ đồng, chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 20 tỷ đồng. Hỗ trợ việc làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng và tăng cường đảm bảo an toàn giao thông…

Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt: Cần xem xét kỹ tránh trùng lắp với Đề án tỉnh nông thôn mới

Thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Việt Hà: Nên hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng Vietgap, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng đàn bò, cơ sở nuôi trồng thủy sản nước ngọt chất lượng cao.

Bên cạnh đó, một số chính sách cũ, qua thực tiễn triển khai không phù hợp, cơ quan soạn thảo đề nghị nên bãi bỏ, trong đó chính sách phát triển trồng trọt bỏ 3 nội dung; chính sách phát triển chăn nuôi bỏ 2 nội dung; chính sách phát triển thủy sản bỏ 2 nội dung; chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ sinh học, hỗ trợ lãi suất bỏ 1 nội dung.

Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Đề nghị đánh giá kỹ tác động của từng chính sách để xác định hiệu quả từ đó làm cơ sở đề xuất chính sách mới. Cần bám sát quy định của Luật ngân sách nhà nước, luật đầu tư công và khả năng cân đối ngân sách.

Thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hổ: Cần đánh giá kỹ, tổng kết hiệu quả những chính sách đã ban hành tại nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí thực hiện nghị quyết là hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó chính sách hỗ trợ khoảng  921 tỷ đồng, cơ chế hỗ trợ trên 1.316 tỷ đồng; bình quân mỗi năm tỉnh hỗ trợ 447 tỷ đồng cho việc thực hiện nghị quyết.

Thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ: Chính sách xi măng thời gian qua triển khai hiệu quả, qua thực tiễn triển khai cần tổng hợp những điểm chưa phù hợp để bổ sung

Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Chính sách cần bám Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 3 vùng miền sinh thái và bộ sản phẩm chủ lực vì vậy cần đưa sản phẩm rau vào trong danh mục hỗ trợ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu ghi nhận những kết quả đạt được của các chính sách trong giai đoạn vừa qua; đánh giá cao sự cần thiết của những cơ chế, chính sách nêu trong dự thảo nghị quyết. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung, sửa đổi thêm một số nội dung như: Cần đánh giá kỹ, tổng kết hiệu quả những chính sách đã ban hành tại Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND; tính toán kỹ việc giải ngân một số chính sách trên lĩnh vực nông nghiệp; xem xét tăng mức thưởng các sản phẩm OCOP nâng hạng sao; đánh giá sát đúng để tìm điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, tích tụ ruộng đất vì kết quả chính sách này chưa cao...

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu kết luận cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu thống nhất việc ban hành nghị quyết mới để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và đô thị. Đồng thời, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đề nghị rà soát lại nội dung các cơ chế, chính sách để tránh trùng lắp với các chính sách khác; theo hướng ưu tiên hỗ trợ đầu ra của sản phẩm; bám sát với chính sách trong Đề án tỉnh nông thôn mới; đảm bảo nguyên tắc cân đối ngân sách. Sớm hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND theo quy định.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc