Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối sản phẩm OCOP
EmailPrintAa
10:39 29/08/2020

Chiều 28/8, Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức đi khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Cẩm Xuyên về “Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh”. Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất nước mắm Thu Hùng

… Rượu sim Thanh Bảo…

Và Gạo Cẩm Thành

Qua đi khảo sát thực tế và nghe báo cáo của UBND huyện cho thấy, các cơ sở trước khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm đều ở quy mô nhỏ, chưa có bộ nhận diện thương hiệu, một số sản phẩm chưa có bao bì, tem nhãn; việc tổ chức sản xuất mang tính chất hộ gia đình và theo kinh nghiệm, chưa có quy trình thống nhất trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Chương trình OCOP, các cơ sở đều có sự đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất; năng suất, chất lượng sản phẩm có sự cải thiện khá rõ rệt, một số cơ sở đã tích cực trong công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Hà báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên

Đến nay, huyện Cẩm Xuyên đã có 21 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (05 sản phẩm năm 2019, 16 sản phẩm năm 2020), trong đó: có 17 sản phẩm nông sản tươi sống và nông sản chế biến; 02 sản phẩm đồ uống có cồn, đồ uống không cồn; 02 sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu. Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP là 1.277.296.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thu Hùng đề nghị thành lập tổ tư vấn của tỉnh giúp các cơ sở xây dựng thương hiệu OCOP. Quan tâm tổ chức cho các cơ sở đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình điển hình. Tiếp tục có các chính sách để hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương

Tại cuộc làm việc, UBND huyện cũng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức về Chương trình OCOP của một số cán bộ cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; một số cơ sở tham gia Chương trình OCOP vẫn còn thiếu chủ động, đang trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; thực trạng hoạt động của các HTX, THT chưa đảm bảo; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất vẫn còn hạn chế…

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Đỗ Khoa Văn đề nghị: chính quyền địa phương đồng hành, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở trên địa bàn

Đồng thời kiến nghị tỉnh tiếp tục tăng cường tập huấn chuyên sâu về Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ các cấp, đồng thời tiếp tục quan tâm, sớm tổ chức các lớp tập huấn về khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh cho các cơ sở; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về việc thực hiện Chương trình; soát xét và có định hướng chung toàn tỉnh về phát triển các sản phẩm theo nhóm sản phẩm có tầm thương hiệu chung của tỉnh, huyện; tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu phát biểu tại cuộc làm việc

Ghi nhận những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện và các cơ sở sản xuất trên địa bàn, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu và các đại biểu tham dự đề nghị: tiếp tục triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền dưới dạng hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN để phát triển các sản phẩm; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối sản phẩm.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc