Cùng dự có các đồng chí: Dương Tất Thắng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Tĩnh; Đặng Ngọc Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; thành viên ban Kinh tế - Ngân sách và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.
|
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự hưởng ứng, nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất, việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Nguyễn Hữu Dực trình bày báo cáo về “Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 -2020 trên địa bàn tỉnh”.
|
Năm 2019, đã có 72 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (có 69 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao); trong đó, 59 sản phẩm ngành Thực phẩm; 6 sản phẩm ngành Đồ uống; 6 sản phẩm ngành Thủ công mỹ nghệ trang trí; 1 sản phẩm ngành Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Năm 2020, dự kiến có hơn 90 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên trên 162 sản phẩm. Với những cách làm sáng tạo và kết quả bước đầu sau 2 năm thực hiện, Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh tổ chức thực hiện tốt Chương trình.
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Thành Biển: Trong quá trình một số cửa hàng OCOP tại các huyện chưa phát huy được vai trò, các sản phẩm thị trường đầu ra kém ổn định, chưa chú trọng đến việc xúc tiến thương mại
|
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: Ngành Nông nghiệp đã đồng hành cùng người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa các giống cây, con mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
|
Với việc tham gia Chương trình OCOP, các tổ chức kinh tế đã từng bước được củng cố và phát triển; đến nay, đã có 102 tổ chức kinh tế (20 Doanh nghiệp, 54 Hợp tác xã, 28 Tổ hợp tác) và 69 hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Các sản phẩm OCOP hiện nay đã được bày bán tại 13 cửa hàng trên địa bàn các huyện, thành phố; nhiều sản phẩm bước đầu được khách hàng đánh giá cao và lựa chọn tin dùng. Giai đoạn 2018-2020, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP là 668.372 triệu đồng
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuý Nga: Nhiều hợp tác xã còn vướng về đất đai, thiếu điều kiện để sản xuất, đề nghị các sở, ngành liên quan cần xem xét cụ thể trong thời gian tới để các cơ sở mở rộng được quy mô.
|
Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá và cho rằng: Trước khi thực hiện Chương trình, Hà Tĩnh có rất nhiều sản phẩm có thế mạnh, tuy nhiên chất lượng sản phẩm không đồng đều, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất chưa được quản lý chặt chẽ; các sản phẩm đang được đóng gói rất thô sơ; logo, bộ nhận diện thương hiệu chưa đồng bộ, nhãn mác sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn; ghi nhãn sai quy định chưa đảm bảo... Sau khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm đã được xây dựng quy trình sản xuất niêm yết tại cơ sở, đã xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng, định kỳ kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định; xây dựng hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác đảm bảo hợp quy và có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu sản phẩm OCOP tăng cao, thị trường tiêu thị sản phẩm đã được mở rộng.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu
|
Các đại biểu đề nghị: Tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm mới và củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP lên thứ hạng sao cao hơn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; chỉ đạo, kết nối đối tác, đơn vị tư vấn thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ về phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và năng lực cho các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình trên địa bàn...Cần đánh giá rõ hơn kết quả, tác động và những bất cập khi thực hiện chính sách của HĐND tỉnh đối với Chương trình; nguyên nhân của việc thực hiện chu trình năm 2020 quá chậm so với yêu cầu; một số dự án thành phần chưa triển khai được. Sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Tuy đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu nhưng quy mô các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCO. Ngoài ra, một số địa phương công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP còn hạn chế; việc chỉ đạo thực hiện Chương trình còn chậm, thiếu quyết liệt, chưa thật sự đi vào chiều sâu...
|
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBND tỉnh và Đoàn giám sát về kết quả thực hiên chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều hạn chế, đề nghị các địa phương, sở, ngành đánh giá cụ thể kết quả giai đoạn 2018 - 2020 để rút kinh nghiệm, nhìn ra các vấn đề bất cập nhằm đề xuất các chính sách phù hợp, sát với thực tiễn, tiếp tục thực hiện chương trình tốt hơn trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.
|
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị: thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn Chương trình OCOP để nâng cao nhận thức, định hướng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu. Tiếp đó, cần xác định ra các điểm nghẽn để từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển như: thủ tục về đất đai, cách thức tiếp cận các chính sách của tỉnh trong hỗ trợ phát triển chương trình OCOP, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong tư vấn, hướng dẫn... Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục có chỉ đạo, đôn đốc, chủ động sớm xây dựng Đề án và chính sách thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai trong nhiệm kỳ mới.
Đối với Đoàn giám sát về “Kết quả thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020” tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
Tin mới cập nhật
- Hoàn thiện các nội dung lĩnh vực kinh tế - ngân sách trình HĐND tỉnh ( 06/12)
- Hà Tĩnh kịp thời xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 ( 04/12)
- Hà Tĩnh nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ( 29/11)
- Rà soát kỹ, sớm hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh Hà Tĩnh tại Kỳ họp thứ 23 ( 22/11)
- Ban Kinh tế - Ngân sách cho ý kiến về các nội dung do Sở Xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tham mưu trình tại kỳ họp thứ 23 HĐND khóa XVIII ( 21/11)
- Chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XVIII ( 30/10)