Sáng ngày 12/6/2013, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc để thông qua báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “ Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới”. Đồng chí Nguyễn Trí Lạc – Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, Trưởng đoàn giám sát đã chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc |
Sau khi có quyết định của Thường trực HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát “ Công tác đầu tư xay dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới”, Đoàn đã tiến hành xây dựng đề cương, làm việc với các đơn vị có liên quan, yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, giám sát các xã tổng hợp báo cáo gửi về Đoàn; trực tiếp giám sát ở 16 xã và làm việc với lãnh đạo UBND 5 huyện (Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Can Lộc, Lộc Hà). Qua giám sát, Đoàn ghi nhận những kết quả đạt được: nhìn chung công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới trong 2 năm 2011, 2012 đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tạo được đồng thuận của nhân dân, do vậy bước đầu đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc.
Về đầu tư hệ thống đường giao thông, trong 2 năm xây dựng được 1623,12 km đường giao thông nông thôn, với tổng vốn đầu tư 3.755.818 triệu đồng (trong đó nguồn lực huy động từ nhân dân 531.862 triệu đồng). Về hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng được nâng cấp, xây mới 227,42 km, với kinh phí 925.783 triệu đồng (nguồn nhân dân đóng góp 52.069 triệu đồng). Về hệ thống điện, đã có 68 trạm biến áp, 889,11 km đường dây hạ thế được làm mới, nâng cấp với tổng kinh phí 325.197 triệu đồng. Về trường học có 144 trường được xây mới, nâng cấp với tổng vốn đầu tư 586.163 triệu đồng. Về cơ sở vật chất văn hóa đã có 219 nhà văn hóa thôn, khu thể thao, 34 nhà văn hóa xã, 30 khu thể thao xã được xây mới và nâng cấp sửa chữa, với tổng kinh phí 196.152 triệu đồng…. Sau 2 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã huy động được 7.968.227 triệu đồng, trong đó: vốn NSNN 3.887.983 triệu, vốn lồng ghép 1.426.286 triệu, vốn doanh nghiệp 112.587 triệu, vốn khác 1.119.252 triệu, huy động từ các tổ chức, cá nhân 1.422.116 triệu đồng (chiếm 17,8%) …
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát Đoàn đã thấy được những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục: Một số văn bản văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương còn thiếu tính hệ thống, ban hành chưa kịp thời, còn chồng chéo gây khó khăn trong quá trình thực hiện; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể còn chung chung, dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm trong quản lý, gây lãng phí và hiệu quả đầu tư không cao; cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới chưa đồng bộ, ngoài 7 nội dung được hỗ trợ 100% theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ, phần còn lại mức hỗ trợ cho các đối tượng chưa rõ; cơ cấu nguồn vốn thực hiện chương trình chưa phù hợp, khó thực hiện, thủ tục giải ngân nguồn vốn hỗ trợ còn phức tạp …Đối với tỉnh và các địa phương, một số văn bản của Trung ương chưa được thực hiện nghiêm túc, như công tác giám sát cộng đồng; chưa có hướng dẫn cụ thể, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; cơ chế quản lý và lồng ghép các chương trình, dự án có cùng tính chất hoạt động, cùng đối tượng còn ít, chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp nhất là khâu lập kế hoạch, thanh quyết toán vốn lồng ghép; tiêu chí phân bổ nguồn lực và công tác giám sát đầu tư công, các nguồn vốn lồng ghép, cũng như các nguồn đóng góp của nhân dân cho chương trình nông thôn mới chưa được quy định đấy đủ, cụ thể gây lúng túng trong triển khai thực hiện; việc ban hành các mẫu thiết kế định hình còn phức tạp, chưa phù hợp với trình độ của người dân vầ điều kiện cụ thể của một số địa phương. Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn vẫn còn một số bất cập: hạ tầng kết nối giữa các khu vực còn còn yếu; nhiều công trình được đầu tư trước đây nay đã xuống cấp, không đáp ứng với tiêu chuẩn mới tỷ lệ giao thông nông thôn được cứng hóa còn thấp; mạng lưới điện nông thôn chưa bảo đảm an toàn; mạng lưới chợ nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ…
Trong những năm qua, mặc dù các địa phương đã nỗ lực huy động nguồn vốn từ nhiều phía cho xây dựng nông thôn mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển; kinh phí đối ứng của các địa phương gặp nhiều khó khăn, không cân đối được nguồn lực khi lập quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư; việc phân bổ vốn dàn trải dẫn đến một số công trình kéo dài thời gian thi công gây lãng phí; đối với các công trình do trên làm chủ đầu tư chưa công khai vốn đầu tư, sự phối hợp giữa địa phương với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu chưa tốt; đối với các công trình do xã làm chủ đầu tư, quy trình lập, phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện chưa báo đảm quy định, chưa lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư …
Đ/c Thiều Đình Duy - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thiều Đình Duy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả giám sát của Đoàn trong thời gian qua và chuẩn bị nội dung báo cáo làm việc của Đoàn, đồng thời lưu ý Đoàn giám sát cần tiếp thu đầy đủ nhưng ý kiến góp ý của các đại biểu, để hoàn chỉnh báo cáo; về hình thức cần xây dựng lại bố cục của báo cáo hợp lý, ngắn gon hơn; về nội dung cần đánh giá đúng quá trình tổ chức thực hiện các quy định, văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cụ thể; đánh giá việc huy động, quản lý các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; làm rõ những hạn chế, bất cập trong công tác phối hợp, lồng ghép các dự án; đánh giá chất lượng, hiệu quả của các công trình, dự án; làm rõ công tác giám sát cộng đồng nhân dân đối với các công trình, dự án đã và đang triển khai trên địa bàn; nguồn lực huy động của nhân dân, của doanh nghiệp; tình trạng nợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện nay và đưa ra những kiến nghị đề xuất cụ thể với Trung ương, với tỉnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các thành viên ban Kinh tế - Ngân sách, thành viên Đoàn giám sát tiếp tục đầu tư thời gian, trí tuệ xây dựng báo cáo có chất lượng tốt nhất để trình kỳ họp trong thời gian tới.
Tin mới cập nhật
- Hoàn thiện các nội dung lĩnh vực kinh tế - ngân sách trình HĐND tỉnh ( 06/12)
- Hà Tĩnh kịp thời xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 ( 04/12)
- Hà Tĩnh nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ( 29/11)
- Rà soát kỹ, sớm hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh Hà Tĩnh tại Kỳ họp thứ 23 ( 22/11)
- Ban Kinh tế - Ngân sách cho ý kiến về các nội dung do Sở Xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tham mưu trình tại kỳ họp thứ 23 HĐND khóa XVIII ( 21/11)
- Chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XVIII ( 30/10)