Việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh là rất cần thiết
EmailPrintAa
07:57 27/04/2018

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, chiều ngày 26/4, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh chủ trì làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác chuẩn bị nội dung Nghị quyết quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Nghị quyết quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc
 

Hà Tĩnh hiện có 218.259ha diện tích rừng tự nhiên, 95.175ha diện tích rừng trồng; có 01 vườn quốc gia Vũ Quang, 01 Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Hà Tĩnh có vùng sinh thái quan trọng là vùng đồi núi cao nằm phía đông dãy Trường Sơn, vùng đất ngập nước ven biển, cùng với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều tạo nên tính đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài động thực vật, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Theo thống kế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 5.339 loài sinh vật, trong đó có 2.993 loài thực vật bậc cao, 213 loài thực vật bậc thấp, 1.095 loài động vật có xương sống, 101 loài động vật nổi, 87 loài động vật đáy và 850 loài côn trùng. Đặc biệt, đã ghi nhận 345 loài động, thực vật quý hiếm ở các thứ hạng nguy cấp của Danh lục Đỏ thế giới (IUCN, 2016), Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN, 2007); Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Nghị định 160/2013/NĐ-CP.

Đồng chí Nguyễn Thị Nhuần, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu

 

Tuy nhiên, dưới sự tác động tiêu cực của phát triển kinh tế, xã hội đối với đa dạng sinh học; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi rừng làm thu hẹp nơi cư trú của các loài; khai thác và đánh bắt quá mức; tình trạng buôn bán trái phép động thực vật quý hiếm… Ngoài ra, một số tác động chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng làm suy giảm đa dạng sinh học tại Hà Tĩnh. Bên cạnh đó công tác quản lý bảo tồn vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Vì vậy, đòi hỏi tỉnh Hà Tĩnh phải đề ra những giải pháp hiệu quả, mang tính lâu dài để quản lý, bảo vệ hiệu quả đa dạng sinh học. Với lý do đó, việc triển khai thực hiện “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” là hết sức cần thiết, nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm; duy trì và phát triển dịch vụ chi trả môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng. 

Đồng chí Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
 

Đối với Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, để thực hiện tốt quy định của Luật tài nguyên nước; đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch chuyên ngành có khai thác sử dụng nước; khắc phục những tồn tại trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước hiện nay; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội bền vững, an ninh, quốc phòng và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII đã đề ra thì việc điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là hết sức cần thiết.

Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
 

Theo đó, việc điều chỉnh Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đã nghiên cứu xem xét đánh giá, tính toán dự báo nhu cầu sử dụng nước; tính toán tiềm năng nguồn nước mặt, nước dưới đất; tính toán lượng nước có thể sử dụng; tính toán lượng nước có thể phân bổ; đưa ra phương án phân bổ nguồn nước cho các ngành, từng địa phương trong điều kiện bình thường và trong điều kiện hạn hán, thiếu nước. Theo danh mục các đề án, dự án đề xuất bao gồm: 12 dự án trong đó có 10 dự án ở nhóm giải pháp phi công trình, 02 dự án ở nhóm giải pháp công trình. Tổng mức đầu tư các dự án là 111,5 tỷ đồng với 02 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn từ 2018 đến 2025: 65,0 tỷ đồng; Giai đoạn từ 2020 đến 2035: 46,5 tỷ đồng.

Đồng chí Đoàn Đình Anh, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
 

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đánh giá cao công tác chuẩn bị, cơ bản đồng tình, nhất trí với tính cấp thiết của các Đề án. Đồng thời, tập trung thảo luận, trao đổi một số vấn đề như: về mục tiêu quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cần có các giai đoạn cụ thể; cần bổ sung các dự án để thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là dự án bảo tồn nguồn gen quý hiếm; bổ sung số liệu về ao, hồ, đập trên địa bàn tỉnh; cần có đề án để phục hồi nguồn gen tại núi Hồng Lĩnh; bổ sung dự án bảo tồn hệ sinh thái tại rừng ngập mặn… Về quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035: cần bổ sung thêm các căn cứ pháp lý; cập nhật các danh mục các dự án ưu tiên; bổ sung, cập nhật đầy đủ các cụm công nghiệp và đánh giá nhu cầu cấp nước cho các cụm công nghiệp đến năm 2025; cần cụ thể hóa và phân kỳ đầu tư danh mục các dự án… Qua đó, lưu ý: các số liệu, địa danh được đưa vào cần đảm bảo chính xác, đầy đủ.

Đồng chí Trần Viết Hậu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kết luận cuộc làm việc
 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đánh giá cao với các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự và đồng tình, thống nhất một số nội dung đã thảo luận. Đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị tư vấn tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến góp ý, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, đúng quy định, chất lượng và có tính khả thi cao. Liên quan đến quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đề nghị xem xét lại lộ trình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ để kịp trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2018.


    Ý kiến bạn đọc