Thực hiện Nghị quyết số 79/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2003 của HĐND tỉnh về chương trình xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề và chương trình giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2014, Ban Pháp chế chủ trì tiến hành giám sát chuyên đề về “Kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2011 đến năm 2014; tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành”. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch, đề cương, tổng hợp và xem xét các báo cáo của 12 huyện, thị, thành và các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; đồng thời triển khai giám sát trực tiếp tại 5 huyện, thị, thành phố: Thị xã Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, Thành phố Hà Tĩnh, 8 đơn vị cấp xã: phường Nam Hồng, Trung Lương, xã Cẩm Bình, Cẩm Vịnh, Xuân An, Xuân Hồng, Thái Yên, Đức Long và 6 sở, ngành: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Công thương. Thông qua giám sát nhận thấy:
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu - Trưởng ban Phát chế HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND thị xã Hồng Lĩnh về “Kết quả kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL từ năm 2011 đến năm 2014; tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản QPPL do HĐND, UBND các cấp ban hành” |
Sau khi Nghị định 40/2010/NĐ-CP, Nghị định 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được quan tâm thực hiện, công tác xây dựng văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng văn bản từng bước được nâng lên. Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành chương trình xây dựng văn bản QPPL, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực. Quy trình xây dựng văn bản QPPL được thực hiện tương đối nghiêm túc. Trong quá trình xây dựng đã chú trọng tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và thẩm định, góp ý trước khi ban hành. Các văn bản QPPL của tỉnh ban hành phù hợp với quy định của văn bản trung ương cũng như tình hình thực tiễn tại địa phương; hệ thống các văn bản của tỉnh về cơ bản không có mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn cho quá trình áp dụng; sai sót về nội dung và thể thức, kỹ thuật trình bày chiếm tỷ lệ không cao. Qua 3 năm, Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp không phát hiện ra văn bản QPPL do HĐND-UBND tỉnh ban hành trái pháp luật. Đến nay, Hà Tĩnh đã xây dựng được một hệ thống văn bản QPPL khá hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật ở địa phương, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy vậy, qua hoạt động giám sát, Đoàn đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần được khắc phục trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đó là: Một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản QPPL. Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng một số ngành, địa phương xem đây là nhiệm vụ chuyên môn riêng của cơ quan Tư pháp, nên trong thực hiện còn thụ động, hình thức, chỉ thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước cấp trên. Trong thực hiện quy trình, kỹ thuật lập quy còn nhiều sai sót: Chưa xác định rõ thẩm quyền về nội dung giữa Nghị quyết HĐND và văn bản QPPL của UBND nên một số văn bản đáng lẽ ra ban hành dưới hình thức Nghị quyết nhưng lại ban hành dưới hình thức Quyết định; nhiều văn bản QPPL quy định lại toàn bộ nội dung đã được quy định tại văn bản pháp quy cấp trên; nhiều văn bản không còn phù hợp với thực tiễn áp dụng, cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ nhưng xử lý chậm; phần căn cứ pháp lý của một số văn bản dẫn chiếu những văn bản đã hết hiệu lực thi hành; một số văn bản QPPL quy định có tính chất tạm thời nhưng tổ chức thực hiện trong thời gian dài không ban hành văn bản thay thế. Việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản QPPL đã được thực hiện, tuy nhiên, một số văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, nội dung tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân như quy định về lĩnh vực đất đai, môi trường, phí và lệ phí… chưa thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến các đối tượng này; một số văn bản QPPL không qua thẩm định, góp ý của cơ quan tư pháp trước khi trình tập thể HĐND, UBND ban hành, không thực hiện quy trình biểu quyết của tập thể UBND đối với việc ban hành văn bản QPPL. Tại 3 cấp vẫn còn tình trạng văn bản hành chính nhưng lại có chứa các quy phạm pháp luật vừa sai về thể thức, quy trình vừa hạn chế tính công khai, minh bạch và hiệu quả. Việc tự xử lý sau kiểm tra, rà soát đối với văn bản có nội dung trái pháp luật của cơ quan ban hành văn bản chưa kịp thời, nghiêm túc. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản QPPL ở các sở, ngành và các địa phương còn hạn chế, nhất là cấp xã. Việc bố trí cán bộ chuyên trách theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/ 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổ chức pháp chế tại các sở, ngành cấp tỉnh chưa được thực hiện. Đoàn giám sát đã kiến nghị Trung ương sửa đổi, ban hành một số văn bản QPPL liên quan đến hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đồng thời kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, HĐND, UBND cấp huyện, xã cần đổi mới, tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL để áp dụng trong quá trình quản lý, điều hành tại địa phương.
Ngoài giám sát chuyên đề, 6 tháng đầu năm 2014, Ban Pháp chế đã tiến hành các cuộc giám sát, khảo sát nắm thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ban, cụ thể: Làm việc với Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Phòng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, UBND một số huyện, thị, thành phố về tình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2013; Kế hoạch và các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán và cả năm 2014; phối hợp với Ban Văn hóa - Xã hội giám sát công tác quản lý thị trường, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đó trực tiếp khảo sát thực tế tại một số trung tâm thương mại, chợ đầu mối và làm việc với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục vệ sinh an toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013 và các giải pháp đảm bảo thị trường thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán và năm 2014 trên địa bàn tỉnh; khảo sát thực tế, làm việc với Cục Hải quan và một số đơn vị trọng điểm thuộc Cục Hải quan về công đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới, tuyến biển và công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc thông quan; giám sát kết quả công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, cải cách thủ tục hành chính tại Cảng vụ Hà Tĩnh và Chi cục Hải quan Cảng Vũng Áng và đấu tranh phòng chống buôn lậu năm 2013, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2014; khảo sát và làm việc với UBND huyện Kỳ Anh, UBND một số xã trên địa bàn huyện còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh; khảo sát tình hình triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2013 gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của HĐND tỉnh về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến 2020 tại huyện Hương Sơn, Vũ Quang. Ngoài ra Ban đã trực tiếp làm việc với UBND huyện Hương Khê, xã Hòa Hải, các chủ rừng về tình hình tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái phép trên địa bàn huyện và đã kiến nghị xử lý một số vấn đề liên quan đến nội dung này.
Bên cạnh đó, chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI, Ban Pháp chế đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh và các ngành hữu quan thống nhất nội dung, chương trình Kỳ họp; làm việc với các ngành nội chính, Công an tỉnh để thẩm tra các báo cáo, đề án trình tại Kỳ họp.
Nhìn chung sáu tháng đầu năm 2014, Ban Pháp chế đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh. Có được kết quả như trên là nhờ Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động ngay từ đầu năm sát đúng với nhiệm vụ chính trị địa phương, các nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Các hoạt động giám sát được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như: xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị, tiếp xúc để nghe ý kiến phản ánh của cử tri về những vấn đề mà dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, thành viên Ban đã tích cực tham gia hoạt động, chủ động nắm thông tin trên từng lĩnh vực được phân công, tại các buổi làm việc đã thẳng thắn nêu lên những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của đơn vị, đóng góp các ý kiến xác đáng đề nghị các cơ quan đơn vị giải trình, tiếp thu. Ngoài các hoạt động giám sát, khảo sát tập thể, Lãnh đạo chuyên trách Ban Pháp chế đã tích cực phối hợp với Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh xử lý những vấn đề phát sinh giữa 2 Kỳ họp; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc khảo sát, làm việc để nắm thêm thông tin phục vụ nội dung giám sát, thẩm tra của Ban.
Tuy vậy, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của Ban Pháp chế vẫn còn một số tồn tại, đó là: một số ý kiến, kiến nghị, yêu cầu của Ban tuy đã được các cơ quan tiếp thu nghiêm túc nhưng triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là: trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các ý kiến, kiến nghị, chất vấn trên lĩnh vực nội chính chưa được thực hiện thường xuyên; trong hoạt động tập thể, do nhiệm vụ chuyên môn chi phối nên thành viên tham gia chưa đầy đủ. Những hạn chế trên sẽ được Ban khắc phục và tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh thực hiện tốt Luật nghĩa vụ quân sự, Luật dân quân tự vệ ( 05/12)
- Hà Tĩnh thực hiện tốt Luật nghĩa vụ quân sự, Luật dân quân tự vệ ( 05/12)
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự ( 27/11)
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Nội vụ về các nội dung trình kỳ họp cuối năm 2024 ( 26/11)
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực đối ngoại ( 25/11)
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tăng cường nhiều biện pháp trong tuyển chọn công dân nhập ngũ ( 22/11)