Hoàn thiện Quy chế làm việc mẫu của HĐND cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn
EmailPrintAa
15:02 30/10/2024

Chiều ngày 29/10, tại Nhà Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương". Dự thảo luận, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Nhuần có những góp ý quan trọng nhằm hoàn thiện Quy chế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải và Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực HĐND một số địa phương.

Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Nhuần tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết

Đề cập đến khoản 3 Điều 4 của Dự thảo quy định “dự kiến chương trình kỳ họp HĐND tỉnh cần được gửi để xin ý kiến chậm nhất 20 ngày trước kỳ họp thường lệ và 7 ngày trước kỳ họp chuyên đề”, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Nhuần cho rằng, quy định như vậy sẽ gây mất thời gian, phát sinh thêm thủ tục do vậy đề nghị thực hiện theo khoản 3, Điều 80 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Tương tự, về thời gian gửi hồ sơ, tài liệu nội dung đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề, phục vụ thẩm tra, Trưởng ban Nguyễn Thị Nhuần cũng đề nghị cần cân nhắc điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng hiệu quả tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo

Liên quan đến thẩm quyền xem xét, cho ý kiến bằng văn bản của Thường trực HĐND tỉnh (Điều 50), Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương chưa có quy định rõ ràng về quyền trả lời văn bản xin ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng chí đề xuất bổ sung quy định rõ hơn, nhằm tăng tính minh bạch và đảm bảo thẩm quyền của Thường trực HĐND trong các tình huống cụ thể.

Quy chế làm việc mẫu sẽ công cụ hỗ trợ quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho HĐND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức và điều hành các hoạt động, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công khai và hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tại Hội thảo, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã tập trung cho ý kiến về quy định phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, chế độ, hình thức làm việc, quan hệ công tác, quy trình, trách nhiệm giải quyết công việc của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND; trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên Thường trực là Trưởng Ban của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu cũng góp ý đối với quy định về trách nhiệm của chủ tọa, công tác thư ký, trách nhiệm của đại biểu HĐND, trách nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND tại kỳ họp; quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên thường trực của HĐND; Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND; mối quan hệ công tác giữa Thường trực HĐND với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ...

Quang Đức - Đặng Nam

    Ý kiến bạn đọc