Sớm trình Hội đồng nhân dân Đề án về chế độ đặc thù trong lâm nghiệp
EmailPrintAa
13:25 31/03/2017

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về “Công tác tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập”, ngày 30/3/2017, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh do Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Trọng Nhiệu làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Cùng dự làm việc có các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh, đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Văn phòng HĐND tỉnh.
 

Qua khảo sát thực tế và báo cáo của các đơn vị, hiện nay Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh được giao quản lý 20.316,5ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 19 phường, xã thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được giao quản lý 44.900,77ha, trong đó rừng đặc dụng 21.770,35ha, rừng phòng hộ 16.449,24ha, rừng sản xuất 3.739,89ha, đất khác 2.891ha nằm trên 17 xã thuộc 4 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và Hương Khê.

Lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh...
...Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ báo cáo

Tính đến ngày 31/03/2017, BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh có tổng số CNVC, lao động là 34 người, trong đó có 22 biên chế, 12 hợp đồng ngoài biên chế; có 1 trưởng ban, 1 phó ban; có 2 phòng, 5 đơn vị trực thuộc gồm các Trạm bảo vệ rừng (BVR): Sông Rác, Bàu Hóp, Km38 đường 12, Hoa Lạc, Kỳ Liên. Như vậy, hiện BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh hiện có 8 cấp trưởng, 6 cấp phó, 1 kế toán trưởng; từ năm 2014 đến nay không có biến động về cơ cấu tổ chức. BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có 1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc; có 3 phòng chuyên môn, 10 trạm quản lý, bảo vệ rừng, 1 đội BVR cơ động, 1 đội sản xuất kiêm bảo vệ rừng và 1 tổ dịch vụ.

Thời gian qua, các BQL đã nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng Đề án vị trí việc làm được triển khai kịp thời, cụ thể, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ...
...đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh...
...đồng chí Trần Hậu Tám, thành viên Ban pháp chế...
...và đồng chí Bùi Nhân Sâm, thành viên Ban pháp chế HĐND tỉnh

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các BQL còn gặp nhiều khó khăn như: Mặc dù biên chế viên chức đã được tỉnh giao, song đến nay vẫn còn thiếu và chưa được tuyển dụng đủ theo chỉ tiêu (theo chỉ tiêu biên chế được giao năm 2017, BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có 55/74 biên chế, thiếu 19 biên chế; BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh có 22/31 biên chế, thiếu 9 biên chế so với chỉ tiêu được giao). Nguồn kinh phí sự nghiệp còn hạn hẹp, các nguồn thu khác còn hạn chế, không ổn định, do đó đời sống, thu nhập người lao động còn nhiều khó khăn. Các BQL đều được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn nhiều xã, huyện và giáp ranh với tỉnh khác nên giao thông cách trở, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều trạm bảo vệ rừng cách xa trung tâm, không có điện lưới, sóng điện thoại, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn; việc trang cấp thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn nhiều hạn chế; hoạt động lâm nghiệp tuy mang tính đặc thù cao nhưng đến nay chưa được hưởng các chính sách đặc thù nghề nghiệp; đời sống người dân sống gần rừng hầu hết nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào rừng nên việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng...

Đồng chí Nguyễn Bá Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...
...đồng chí Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm...
...và đồng chí Nguyễn Huy Hùng, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh

Qua giám sát, các đại biểu đề nghị 2 BQL làm rõ một số vấn đề như: Việc điều chỉnh vượt định mức chỉ tiêu biên chế được giao; giải pháp trong việc phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng với địa phương và các ngành liên quan; kinh phí chi trả cho hợp đồng ngoài biên chế; các kiến nghị cụ thể về chế độ chính sách đặc thù; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người lao động; hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho người dân, cán bộ; công tác phòng, chống, chữa cháy rừng; hiệu quả công tác sản xuất, các dịch vụ do 2 BQL thực hiện; chế độ, chính sách đối với những hợp đồng ngoài biên chế khi nghỉ hưu…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế phát biểu tại cuộc làm việc
 

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chia sẻ với những khó khăn của các BQL rừng; đồng thời lưu ý một số nội dung như: Đề nghị các BQL tích cực tham mưu Sở NNPTNT xây dựng Đề án tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, cải thiện cơ sở vật chất cho các trạm, PCCR; nghiên cứu để đề xuất chế độ đặc thù trong ngành lâm nghiệp; về tổ chức bộ máy, đề nghị các BQL rà soát lại các căn cứ pháp lý để đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, CCVC, người lao động; về thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc Khu bảo tồn cần có phương pháp hợp lý và bám sát các quy định hiện hành. Đối với các kiến nghị của các BQL, Đoàn tiếp thu, tổng hợp và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.


    Ý kiến bạn đọc