Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh
EmailPrintAa
15:03 22/01/2015

Chiều ngày 21/1/2015, Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh có buổi làm với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nghe báo cáo công tác quản lý xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2014. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú, TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Trí Lạc, Trưởng ban KTNS; các đồng chí Thành viên Ban VH-XH; đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH và các phòng ban liên quan của sở. Đồng chí Đoàn Đình Anh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH trong thời gian qua ngành đã đạt được một số kết của nhất định về công tác xuất khẩu lao động giai đoạn năm 2005 - 2014, Hà Tĩnh đã đưa được 57.780 lượt người đi XKLĐ tại các thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, Bắc Phi và một số thị trường khác. Hiện tại, toàn tỉnh có 36 ngàn người Hà Tĩnh đang làm việc tại 54 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 20 ngàn người đi theo các hợp đồng lao động, số còn lại là đi du lịch, thăm thân, lao động hết hạn hợp đồng tiếp tục ở lại làm việc. Mỗi năm lực lượng lao động này gửi về nước khoảng 110 - 120 triệu USD, tương đương với 2.200 - 2.400 tỷ đồng.


Đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

Để tạo điều kiện cho người lao động đi xuất khẩu, trong giai đoạn 2005 - 2010, bình quân mỗi năm có 1.870 lao động và giai đoạn 2011 - 2014 có 1.150 lao động được vay vốn từ các ngân hàng đi XKLĐ, với tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng khoảng 39,4 tỷ đồng và 26 quỹ tín dụng trên địa bàn với tổng nguồn vốn cho vay khoảng 964 tỷ đồng; riêng năm 2014 đã có 1.276 lao động được vay vốn đi XKLĐ.

Theo số liệu khảo sát sơ bộ, sau khi đi XKLĐ về nước, có 85% số lao động có điều kiện kinh tế từ khá trở lên, xây dựng được nhà cửa khang trang, có tiền tích lũy để phát triển kinh tế gia đình; 13% số lao động có mức sống trung bình khá; 2% còn lại đang gặp khó khăn do bị tai nạn lao động, đau ốm, doanh nghiệp bị phá sản, làm việc không đúng hợp đồng, lương thấp, phải về nước trước thời hạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế trong công tác xuất khẩu lao động cũng gặp nhiều khó khăn, tồn tại như: Tình trạng người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước không đến các cơ quan, doanh nghiệp để thanh lý hợp đồng lao động là khá phổ biến; Tình hình lao động di cư theo hình thức du lịch, thăm thân nhân, khám sức khoẻ, kết hôn giả sau đó ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài ngày càng gia tăng; Tỷ lệ người lao động vi phạm kỷ luật, bỏ trốn, bị đuổi việc trong quá trình làm việc ở nước ngoài có chiều hướng gia tăng. Từ việc đi XKLĐ cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề hệ lụy như: bố mẹ đi XKLĐ con cái không được chăm sóc và giáo dục đầy đủ, một số gia đình đổ bể hôn nhân, du nhập về địa phương các thói hư tật xấu…

Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - UVTT HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được của Ngành về công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn. Đồng thời đề nghị Ngành quan tâm hơn nữa đến công tác XKLĐ để hạn chế tình trạng lao động đi chui, không thanh lý hợp đồng khi về; đảm bảo điều kiện an toàn làm việc và hạn chế những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài; phối hợp tốt với chính quyền trong quản lý các đối tượng khi họ đi - về từ nước ngoài; ngăn ngừa các hệ lụy từ XKLĐ, chi phí XKLĐ cao hơn rất nhiều so với quy định…. Đặc biệt là tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các văn phòng tư vấn, tuyển chọn lao động đi XKLĐ của các tổ chức, cá nhân tự mở, nhằm thu lợi bất chính.


    Ý kiến bạn đọc