Các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thạch Hà tạo thu nhập ổn định cho người dân
EmailPrintAa
16:23 10/01/2024

Tiếp tục chương trình khảo sát về các làng nghề, làng nghề truyền thống, sáng 10/01/2024, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã khảo sát tại làng nghề đan lát thôn Nam Giang (xã Thạch Long) và làng nghề truyền thống nón Ba Giang (xã Việt Tiến).

Đoàn khảo sát tại thôn Nam Giang, xã Thạch Long

Qua khảo sát cho thấy, huyện Thạch Hà hiện có 03 làng nghề, 01 làng nghề truyền thống và 01 nghề truyền thống; 02 Hợp tác xã, 03 Tổ hợp tác. Tổng số lao động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống là 3.813 lao động, trong đó có 2.005 lao động thường xuyên, 1.808 lao động không thường xuyên. Tổng doanh thu trong các làng nghề năm 2023 là 80,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân/lao động/tháng là 4,3 triệu đồng.

Người dân thôn Nam Giang đan các sản phẩm

Thôn Nam Giang, xã Thạch Long có diện tích tự nhiên là 75,5ha, 164 hộ dân, 637 nhân khẩu. Nghề đan lát tại thôn đã hình thành hàng trăm năm nay; tuy không phải nghề tạo thu nhập chính nhưng tạo ra nguồn thu nhập thêm từ 3-4 triệu đồng/tháng/lao động. Hiện nay làng nghề có trên 80 hộ dân đan lát nhưng hoạt động thường xuyên là 53 hộ. Nguyên liệu sử dụng sẵn có tại địa phương như tre, nứa, mây; sản phẩm chủ yếu là thúng, mủng, mẹt, rá, rổ; tiêu thụ chủ yếu bán tại chợ Hà Tĩnh, chợ Thạch Hà, chợ Già, chợ Gát…

Đoàn khảo sát tại làng nghề truyền thống nón Ba Giang, xã Việt Tiến

Thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến có diện tích tự nhiên 65,5ha; có 245 hộ dân, 937 nhân khẩu với 3 cụm dân cư. Ngoài việc sản xuất nông nghiệp và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thì thôn có thêm nghề làm nón. Làng nghề truyền thống nón Ba Giang (xã Việt Tiến) đã hình thành hàng trăm năm nay. Hiện làng nghề có trên 80 hộ dân làm nón với 54 hộ hoạt động thường xuyên, còn lại chỉ hoạt động khi nhàn rỗi. Nhìn chung, các sản phẩm của thôn Nam Giang, Thống Nhất đều đáp ứng nhu cầu thị trường; sử dụng lao động ở nhiều độ tuổi; sản phẩm được các thương nhân đến thu mua tại hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu tại chỗ ngày càng ít; chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị sản xuất, năng suất chưa cao, sản phẩm chưa đa dạng, sức cạnh tranh yếu… Chưa có nghệ nhân được công nhận; việc truyền dạy, gìn giữ nghề còn chưa được quan tâm; chưa có các gian hàng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu…

Đoàn khảo sát trao đổi với chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Miến gạo tại thôn Trung Tiến xã Việt Tiến

Qua trao đổi, người dân mong muốn tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ nhằm liên kết với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để tạo tính ổn định cho nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Hỗ trợ tập huấn, nâng cao tay nghề, đầu tư trang thiết bị vào một số công đoạn trong quá trình sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động. Có giải pháp trong đào tạo người lao động thành các nghệ nhân nhằm gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, những kỹ thuật cao trong chế tác các sản phẩm mang thương hiệu của làng nghề.

Hồng Sâm - Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc