Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong việc chấp hành pháp luật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện Lộc Hà
EmailPrintAa
21:03 28/01/2018

Ngày 26/01, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Đoàn Đình Anh, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà về “tình hình thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn huyện”.

Buổi sáng, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại: Lò giết mổ xã Phù Lưu, Chợ Eo Lộc Hà, Trường mầm non Ích Hậu và một số cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, ruốc trên địa bàn huyện Lộc Hà.

Đoàn khảo sát tại chợ Eo huyện lộc Hà
 
...Trường mầm non Ích Hậu

 

Theo báo cáo và qua khảo sát thực tế cho thấy: hàng năm Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP đã chủ động triển khai các kế hoạch đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; công tác phối kết hợp liên ngành được đẩy mạnh giữa các cấp, các ngành; hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP được tăng cường có hiệu quả, các hành vi vi phạm về ATTP được phát hiện và xử lý nghiêm; hoạt động thông tin, truyền thông giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP được chú trọng quan tâm đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức của người dân đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến về ATTP; trong năm trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Hiện nay, toàn huyện có 714 cơ sở nuôi, trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; trong đó, có 157 cơ sở do Y tế quản lý, 222 cơ sở do Nông nghiệp&PTNT quản lý, 335 cơ sở do Kinh tế - Hạ tầng quản lý.

... Tại cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm Nguyệt Quyền

 

Trong năm 2017, huyện cũng đã tiến hành xác nhận kiến thức ATTP cho 115 tổ chức, cá nhân và thực hiện thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP cho 35 cơ sở. Tiến hành thanh tra, kiểm tra 138 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; thực hiện xử phạt 26 cơ sở với số tiền là 78.500.000 đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: ghi nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng quá hạn sử dụng; sử dụng chất cấm trong trong chế biến thực phẩm; không có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại; dụng cụ chia, chứa đựng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh...

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự ghi nhận sự nổ lực, cố gắng, những kết quả đạt được và chia sẽ những khó khăn, vướng mắc của huyện trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn; đồng thời đề nghị giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến: công tác tuyền truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân và người tham nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tình hình và công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến thủy hải sản; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn; nguyên nhân và hướng giải quyết đối với các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở tuyến xã; việc quản lý thuốc, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là chất cấm trong chăn nuôi…

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh phát biểu

 

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh đề nghị: đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng và ý thức chấp hành cho người tham gia nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra về việc thực hiện chấp hành pháp luật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quan tâm đến việc tập huấn quy trình sản xuất, chế biến đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn.


    Ý kiến bạn đọc