Trước hết, về chính sách thu hút nhân tài, trong 2 năm đã hỗ trợ 490 triệu đồng cho 30 bác sĩ, dược sĩ đại học chính quy tốt nghiệp loại khá có cam kết về công tác trong ngành y tế từ 5 năm trở lên, ngoài ra còn hưởng 100% lương khởi điểm trong thời gian tập sự. Bên cạnh chính sách thu hút nhân tài thì chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong 2 năm đã thu hút được 80 bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên y hệ đại học chính quy; đào tạo tốt nghiệp 65 bác sĩ tuyến tỉnh, huyện và 16 bác sĩ tuyến xã; cử 02 cán bộ đi nghiên cứu sinh, 55 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, chuyên khoa I; 05 cán bộ đi đào tạo đại học điều dưỡng và 06 cán bộ đào tạo cử nhân y tế công cộng. Nâng số lượng từ 764 bác sĩ năm 2012 lên 807 bác sĩ năm 2013. Về chính sách ưu đãi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong 2 năm đã hỗ trợ ưu đãi cho 813 cán bộ, công chức, viên chức (trừ các đối tượng đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 46 của Chính phủ); nhân viên y tế thôn bản với trên 3 tỷ 6 trăm triệu đồng. Chính sách thu hút đầu tư phát triển, trong hai năm đã chi mua sắm, sửa chữa thuộc ngân sách sự nghiệp hàng năm trên 21 tỷ đồng; tỉnh đã bố trí đủ vốn đối ứng cho đầu tư phát triển các dự án ODA, trong đó vốn đối ứng xây dựng 04 Trung tâm Y tế dự phòng (Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê và Kỳ Anh); 8 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ các mục tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên nguồn vốn trái phiếu chính phủ đầu tư hoàn chỉnh và trả nợ khối lượng hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng các bệnh viện đang dang dở, hoàn thành đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa Thành phố; triển khai tiếp các hạng mục của Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện đa khoa Hồng Lĩnh, Bệnh viện các huyện: Kỳ Anh, Lộc Hà, Hương Sơn. Hỗ trợ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh ngân sách cải tạo, nâng cấp khu khám chữa bệnh theo yêu cầu với 8,3 tỷ; xây dựng nhà tang lễ với 8 tỷ. Ngoài ra, UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng trụ sở làm việc Trung tâm YTDP tỉnh, Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc và Thạch Hà với 13,8 tỷ đồng.
|
Phẩu thuật nội soi bóc u nang buồng trứng tại bệnh viện Đa khoa thành phố |
Bên cạnh đó, về chính sách xã hội hóa y tế được quan tâm như đầu tư cải tạo nâng cấp khu khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đồng thời Bệnh viện đa khoa Thành phố Hà Tĩnh đã mời chuyên gia nước ngoài và các bệnh viện Trung ương về chuyển giao phát triển kỹ thuật nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Một số bệnh viện đã xã hội hóa thực hiện liên doanh liên kết như: bệnh viện đa khoa tỉnh đặt máy chụp cộng hưởng từ, máy CT, máy đo áp lực nội sọ, với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh đặt máy CT, máy chụp X Quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đặt máy siêu âm màu 4D, máy chụp XQuang kỹ thuật số, máy tán sỏi, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng; Bệnh viện huyện Hương Sơn đặt máy Siêu âm màu 4D, máy chụp X Quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Nhờ có Nghị quyết 21 mà ngành Y tế được phát triển về mọi mặt, nhất là chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao ở tất cả các tuyến, năm 2013 tuyến tỉnh có trên 230 ngàn lượt người; tuyến huyện có gần 740 ngàn lượt người đến khám chữa bệnh; số bệnh nhân vào điều trị nội trú ngày càng tăng, năm 2013, công suất giường bệnh tuyến tỉnh đạt 129,34% (tăng 6,89% so với năm 2012); tuyến huyện đạt 129,96% (tăng 3,29% so với năm 2012). Các bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, trong 2 năm đã triển khai 200 kỹ thuật mới, một số kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện như: thay máu vàng da nặng trẻ sơ sinh, nút mạch điều trị ung thư gan, dẫn lưu não thất, đo áp lực nội sọ, đo áp lực động mạch liên tục, điều trị nội khoa chữa ngoài tử cung (GEU) bằng thuốc Methotrexate, đẻ không đau ở Bệnh viện đa khoa tỉnh; phẫu thuật nội soi ở các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện: Đức Thọ, Thạch Hà và Bệnh viện đa khoa Thành phố; phẫu thuật kết hợp xương đùi, sốc điện, đo chức năng hô hấp ở Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh; kỹ thuật sóng ngắn điều trị giảm đau, chống viêm, Lazer châm ở Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng. Công tác phòng chống dịch, chương trình mục tiêu y tế quốc gia được chú trọng. Các loại dịch bệnh như cúm A(H5N1), H1N1, H7N9, sốt xuất huyết, tay chân miệng... được khống chế, dập tắt kịp thời. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 97,6%. Bên cạnh đó, ngành đã triển khai hiệu quả các chương trình phòng chống HIV/AIDS, lao, phong, tâm thần, sức khỏe sinh sản... Hệ thống y tế cơ sở ngày một nâng cao, đến nay đã có 126 xã, phường đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về Y tế (đạt tỷ lệ 48,1%). Tỷ lệ Trạm Y tế có bác sĩ đạt 69,8%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn về việc thu hút nhân tài, nhất là tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do các chế độ chính sách cho cán bộ có trình độ bác sĩ, dược sĩ hệ chính quy trở lên về công tác tại các bệnh viện còn thấp, đặc biệt về công tác tại các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn; môi trường làm việc tại các huyện này cũng không thuận lợi để phát triển chuyên môn, vì thế họ không mặn mà về đây công tác. Như bệnh viện đa khoa Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà... chưa thu hút được bác sĩ chính quy về. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi cho bác sĩ, dược sĩ hoặc cán bộ y tế công tác từ 10 năm trở lên có hoàn cảnh khó khăn chưa có đất ở, nhà ở chưa thực hiện và nhà ở công vụ cho cán bộ y tế công tác tại huyện miền núi: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn chưa thực hiện được, vì thế những cán bộ đã có hoàn cảnh khó khăn nay phải thuê nhà ở lại còn khó khăn hơn. Về chính sách thu hút đầu tư phát triển xây dựng cơ sở vật chất theo Bộ tiêu chí quốc gia Y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 tối thiểu 40% tổng mức đầu tư/trạm y tế. Nhưng chỉ có một số huyện thực hiện (năm 2012 PV) như: Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Sơn, còn lại chưa thực hiện.
Để công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày một tốt hơn, tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 03 Ngành Y tế đã đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 21/NQ-HĐND và Quyết định 03/QĐ-UBND như tăng chế độ thu hút đối với bác sĩ hệ chính quy về công tác tại huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn, cụ thể hỗ trợ thêm 01 hệ số lương cơ bản cho bác sĩ, dược sĩ đại học; hỗ trợ một lần 50 triệu đồng cho 01 bác sĩ đa khoa hệ chính quy về nhận công tác tại các huyện trên. Chính sách thu hút bác sĩ đa khoa tốt nghiệp loại khá, giỏi đại học y Hà Nội cho Bệnh viện đa khoa tỉnh 30 triệu đồng trên người. Bổ sung chính sách hỗ trợ thu hút các chuyên gia cho các bệnh viện; chế độ phụ cấp cho bác sĩ, dược sĩ đại học, cử nhân đại học hệ chính quy công tác tại Bệnh viện tâm thần, Bệnh viện Lao, bác sĩ trực tiếp phụ trách chuyên khoa tâm thần, chuyên khoa lao ở bệnh viện tuyến huyện, từ 30% lương cơ bản như hiện nay lên 50% hệ số lương cơ bản; cơ chế chính sách đầu tư và chống xuống cấp trang thiết bị; ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản. Bác sĩ, dược sĩ đại học công tác tại Trung tâm phòng chống sốt rét, Trung tâm da liễu được hưởng hỗ trợ như bác sĩ, dược sĩ đại học hệ y tế dự phòng. Một số bệnh viện hiện nay cơ sở vật chất xuống cấp cần bố trí vốn để nâng cấp như: bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên, Hương Khê, Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn và bệnh viện đa khoa khu vực Cầu Treo. Bố trí ngân sách tỉnh để đẩy nhanh tiến độ đề án bệnh viện vệ tinh về các lĩnh vực ung bướu, phụ sản và ngoại chấn thương. Bố trí nguồn vốn để xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ thuộc các đơn vị sự nghiệp y tế tại các huyện miền núi: Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê. Đề nghị cấp kinh phí chi phù lao cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên thực hiện chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm cấp xã cũng như chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS ở các xã, phường trọng điểm, bổ sung kinh phí còn thiếu hụt tại các dự án, chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Hỗ trợ các Trạm y tế 40% xây dựng cơ sở vật chất theo Bộ tiêu chí.
Có thể khẳng định rằng nhờ có Nghị quyết 21 mà ngành Y tế được khởi sắc. Tuy nhiên, ngành Y tế vẫn còn gặp một số khó khăn vì thế trong thời gian tới cần được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và của nhân dân để khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên về mọi mặt, đưa sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà ngày càng một tốt hơn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Tin mới cập nhật
- Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ( 03/12)
- Làm việc với các sở Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo về nội dung trình kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XVIII ( 02/12)
- Xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 118/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ( 25/11)
- Xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND ( 23/09)
- Liên hệ chặt chẽ với các trường nghề trên địa bàn để đảm bảo số lượng công nhân làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ( 11/09)
- Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cần tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống người lao động ( 11/09)