Khảo sát các di tích lịch sử - văn hóa tại thành phố Hà Tĩnh và các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà
EmailPrintAa
15:00 14/02/2023

Nhằm xem xét thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến khảo sát trực tiếp một số di tích tại thành phố Hà Tĩnh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga dẫn đầu đoàn khảo sát.

Tại huyện Kỳ Anh, Đoàn đã khảo sát trực tiếp tại di tích khảo cổ học lũy đá cổ Kỳ Anh, Đền thờ Điện Quận công Phạm Hoành.

Di tích lũy đá cổ Kỳ Anh được phân bố trên sườn phía bắc dãy núi Hoành Sơn kéo dài theo trục từ đông sang tây thuộc huyện Kỳ Anh. Hiện nay đoạn thành lũy cổ bằng đá còn nguyên vẹn thuộc địa phận thôn Lạc Thắng thuộc xã Kỳ Lạc của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Lũy đá cổ kỳ Anh được các nhà chuyên môn khảo cổ và Bảo tàng thám sát phát hiện vào năm 1993. Năm 2010 đoàn cán bộ của Viện khảo cổ học Việt Nam khảo sát thực địa; tháng 4/2012 Viện khảo cổ học Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh mở cuộc điều tra thám sát di tích lũy đá cổ Kỳ Anh. Năm 2017, Lũy đá cổ Kỳ Lạc được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. (Ảnh: Đoàn khảo sát thực tế công tác quản lý, bảo vệ Lũy đá cổ Kỳ Anh)

Đền thờ Điện Quận công Phạm Hoành là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (2004) tại làng Sơn Triều huyện Kỳ Anh còn có tục danh là đền Chào, được xây dựng dưới thời Lê và trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Đền có khuôn viên rộng 5.640m 2 , có thượng điện 3 gian, hai bên là tả ban, hữu ban, ngoài nữa là một tòa bái đường gồm 5 gian chạm trổ rất tinh vi. Trải qua các cuộc chiến tranh, thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, Đền thờ đã bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại phần nền đền và cổng tam quan; năm 1994 Đền thờ được xây dựng lại.

Theo tài liệu, hiện nay, Đền đang bảo quản 48 đạo sắc phong, trong đó có 12 đạo là thuộc di tích đền thờ Điện Quận công,  36 đạo là thuộc các miếu mạo khác trong toàn xã hợp tự về đây. Năm 2013, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã liên kết với Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản sách Sắc phong Hà Tĩnh, trong đó đã dịch 44/48 đạo sắc tại di tích này.

(Ảnh: Đoàn xem xét thực tế công tác bảo tồn các sắc phong tại Đền Điện Quận công Phạm Hoành).

Tiếp đó, Đoàn đã khảo sát thực tế tại Đền Nguyễn Biên và Tháp đá Cẩm Duệ.

Miếu “Bình Ngô Thượng tướng quân” Nguyễn Biên nằm tại thôn 5, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên (nay là thị trấn Cẩm Xuyên); là di tích lịch sử Cấp Quốc Gia (năm 2003). Đây là nơi thờ tự Thượng tướng Nguyễn Biên là một nhân vật có công to lớn trong lịch sử đấu tranh giành độc lập đầu thế kỷ thứ XV của dân tộc. Di tích có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, chí khí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Qua đó càng làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc khích lệ lòng yêu nước và động viên các thế hệ đem sức mình cống hiến xây dựng và bảo vệ quê hương.

(Ảnh: Đoàn trao đổi với lãnh đạo huyện, thị trấn và người bảo vệ Miếu Thượng tướng Nguyễn Biên)

Tháp đá Cẩm Duệ (Tháp Am), thuộc địa bàn thôn Quang Trung, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên; được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (năm 2006). Tháp Am là nơi an nghỉ của Lê Am và Lê Mậu Tài - hai nhân vật có công phò vua giúp nước. Vì công lao đóng góp của Họ cho triều đình nên Lê Am được vua ban đặc ân chọn sinh phần (Chọn đất để an táng khi còn sống); Lê Mậu Tài là em trai của Lê Am cũng là một người có công với triều đình, lúc ông mất linh cữu của ông cũng được đưa về chôn ở Am Tháp.

Tháp có ba tầng, cao hơn 3m, được ghép từ những tấm đá nguyên khối; kiến trúc phật giáo độc đáo từ thời Lê Trung Hưng, là cứ liệu để nghiên cứu về lịch sử tôn giáo Việt Nam; có tác dụng rất lớn đối với việc nghiên cứu các đề án kiến trúc bằng đá còn lại hiếm hoi của thế kỷ XVI.

(Ảnh: Tháp đá Cẩm Duệ)

Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Võ Miếu Hà Tĩnh và Bia Tiết Phụ.

Văn miếu Hà Tĩnh, được dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) ở làng Hoàn, xã Đông Lỗ (nay là phường Thạch Linh) nằm về phía Tây Bắc đạo thành. Lúc đầu đầu Văn Miếu chỉ là ngôi nhà gỗ lợp tranh, sau đó được sửa chữa, mở mang dần và trở thành công trình đồ sộ, đẹp đẽ. Văn Miếu được phân bố trên một khuôn viên rộng, thoáng mát với diện tích khoảng 2.500m 2 . Ngoài tế lễ Văn Miếu còn là nơi tổ chức các kỳ sát hạch học trò toàn tỉnh chọn ra những người giỏi để đi thi Hương.

Sau Cách mạng Tháng Tám ở Văn Miếu chỉ diễn ra lễ tế xuân đinh, thu đinh và một số hoạt động văn thơ của hội Tư văn. Năm 1950, toàn bộ hiện vật ở Phương Cần (Cẩm Xuyên) như: tượng Thánh Khổng Tử, bài vị, văn điếu, bia, câu đối đều đem về hợp tự ở Văn Miếu. Đến năm 1955, sau khi thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất, Văn Miếu bị phá dỡ hoàn toàn, một số tượng thờ ở Văn Miếu và các đền chùa trong thành đều hợp tự về Võ Miếu.

Qua bao thăng trầm lịch sử, di tích Văn Miếu chỉ còn lại là chiếc lư hương bằng đồng nằm trên nền khu đất cũ.

Năm 2010, Văn Miếu được phê duyệt đề án Phục hồi và Phát huy giá trị Di tích Văn miếu Hà Tĩnh; tháng 12/2014, trên nền đất cũ tại phường Thạch Linh, Di tích được phục dựng với tổng diện tích khuôn viên 1,67 ha; sao chép nguyên bản của Văn miếu cũ. Văn miếu hiện nay thờ Đại thi hào Nguyễn Du, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nhà giáo Chu Văn An, Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

(Ảnh: Văn Miếu Hà Tĩnh)

Di tích Bia Tiết Phụ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) tại xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà nay thuộc khối phố Nhật Tân, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh. Bia Tiết Phụ ghi lại sự tích về hai người vợ của Thạch Quận công Nguyễn Văn Chất là bà Nguyễn Thị Đã và Nguyễn Thị Năng, hai chị em người Lê Xá, xã Đông Lỗ. Thạch Quận Công Nguyễn Văn Chất quê ở xã Đông Lỗ, là vị quan đời vua Lê Chân Tông, trong khi thân chinh đi đánh giặc Tàu Ô đã anh dũng hi sinh (năm 1648 niên hiệu Phúc Thái thứ 6) và được truy tặng Tán tị công thần đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Thạch Quận Công. Sau khi Thạch Quận Công mất, hai chi em bà Nguyễn Thị Đã và Nguyễn Thị Năng điều chưa có con, cả hai điều còn trẻ và xinh đẹp nhưng ở vậy nuôi người cháu họ làm con để thừa tự. Triều đình nhà Lê nghe tin cho triệu vào Kinh, ban thưởng rất hậu, phong cho hai bà là Trinh tiết quân phu nhân, cấp cho 10 mẫu ruộng, lại ban cho biển ngạch đề ba chữ Hán “Tiết Phụ Môn”.

Bia Tiết Phụ có hình trụ chữ nhật làm bằng chất liệu đá Thanh Hóa. Bia cao 1,85m mỗi mặt bia rộng 0,73m. Nội dung văn bia ghi lại sự tích hết sức cảm động và đáng trân trọng của hai chị em bà Nguyễn Thị Đã, Nguyễn Thị Năng về sự chung thủy và tiết hạnh. Đây là một bài học lớn về đạo đức của người phụ nữ Việt Nam.

Đoàn cũng đã khảo sát thực tế tại di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc và Đền Nen.

Đền Nen (còn có tên gọi khác là đền Tam tòa Đại vương hay đền Cả); được xây dựng từ thời nhà Lê trên vùng đất làng Chi Phan, xã Bạng Châu xưa (nay là thôn Phúc, xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà); Đền là nơi thờ tự Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tả Đông Chinh, Hữu Dực Thánh, Tứ vị Thánh Nương, Sát Hải Đại Tướng quân Hoàng Tá Thốn.

Từ khi lập đền đến nay có 13 xã là Thạch Kênh, Thạch Liên, Việt Xuyên, Phù Việt, Thạch Long, Thạch Sơn, Thị trấn Thạch Hà, Thạch Thanh, Thạch Tiến, Thạch Ngọc, Thạch Vĩnh, Thạch Lưu của huyện Thạch Hà và xã Mỹ Lộc của huyện Can Lộc thờ chung tại đền, vì thế đền Nen còn có tên là đền Cả.

Trải qua hàng trăm năm, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo nên hiện nay đền Nen có diện mạo hoàn chỉnh trên một không gian rộng với các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, được bố trí đăng đối hài hòa, trang nghiêm, tôn kính.

Đền Nen được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005; xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2009.

(Ảnh: Đoàn khảo sát tại Đền Nen)

Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc là một trong số các Di chỉ thuộc hệ thống Di khảo cổ học thuộc loại hình Di chỉ Cồn Sò Điệp ven biển miền Trung kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Bình. Nằm trên hai quả gò giữa thônThanh Sơn, thuộc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà.

Di tích được nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani  phát hiện vào những năm 1930 - 1932.  Kể từ đó tới nay, di chỉ Thạch Lạc đã trải qua các lần khai quật vào những năm 1963-1964; 2002; 2003-2004; 2005; 2014; 2015 với  nhiều cơ quan tham gia như: Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Trường Đại học Quốc gia Australia...

Vào tháng 10/2002 Viện Khảo Cổ đã khai quật được một bộ “hài cốt Người Việt Cổ” qua thẩm định đã phát hiện được bộ hài cốt có niên đại trên 4.800 năm gần ngoài biên độ của Rú Sò phía Tây Bắc khu quần thể và qua 9 lần các đoàn khảo cổ về khai quật đã thu giữ được hàng ngàn các di vật, hiện vật tìm thấy được trong các cuộc khai quật có sự phong phú về loại hình và vật liệu đồ đá, đồ gốm, với nhiều mãnh xương người Việt Cổ đã minh chứng Di chỉ Thạch Lạc là Di chỉ cư trú giai đoạn hậu kỳ đá mới. Vì vậy ngày 22/08/2008 Bộ văn hoá thể thao Du lịch đã ký Quyết định số 74/QĐ- BVHTTDL về việc công nhận Di tích quốc gia“Di chỉ Thạch Lạc”.

(Ảnh: Mộ người Việt cổ)

Qua khảo sát thực tế và báo cáo của địa phương, nhìn chung các di tích đã được quy hoạch tổng thể, cắm mốc địa giới, phân định khu vực bảo vệ di tích; hàng rào bảo vệ. Các di tích đều thành lập Ban quản lý di tích, có người bảo vệ, chăm lo vệ sinh. Một số di tích đã tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, tuyên truyền giá trị di tích đến người dân, du khách… Tuy nhiên, hầu hết các di tích việc bảo tồn chưa thực sự hiệu quả nên tình trạng xuống cấp, hư hỏng còn xảy ra; việc phát huy giá trị các di sản còn hạn chế.

Trương Liên - Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc