Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
16:30 26/10/2022

Sáng 26/10/2022, Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2022” đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở ngành có liên quan. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga chủ trì cuộc làm việc.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; thành viên Đoàn giám sát; đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, đơn vị: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng dự.

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc báo cáo thực trạng tình hình và kết quả thực hiện quy định pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 04 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp, 03 trung tâm GDNN, 10 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, 01 phân hiệu của Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại trực thuộc Bộ Công Thương. Trong đó, có 02 cơ sở GDNN được lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao, 30 nghề được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế; 02 trường tự chủ 100% kinh phí về chi thường xuyên và 5 trường tự chủ tài chính hơn 50% kinh phí chi thường xuyên. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh là 1.553 người, bao gồm 1.054 nhà giáo dạy nghề, 281 giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) và 218 nhân viên hành chính.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ phát biểu.

Quy mô tuyển sinh học nghề hàng năm của các cơ sở GDNN được cấp phép là 19.840 chỉ tiêu/năm. Tổng số học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở GDNN là 26.000 người, đạt 92% quy mô đào tạo đã cấp phép. Giai đoạn 2020-2022, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh 47.479 học sinh, sinh viên. Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hơn 200 chương trình, giáo trình đào tạo nghề theo các cấp trình độ; kiểm định đánh giá 3 chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế; chỉnh sửa thẩm định ban hành mới 22 chương trình đào tạo; đồng thời tiếp nhận 7 chương trình đào tạo được chuyển giao từ Úc, Đức.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà: Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về GDNN ; tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp ; đẩy mạnh hiệu quả về hợp tác quốc tế trong GDNN .

Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề của các trường dạy nghề được quy hoạch và đầu tư khá đồng bộ. Giai đoạn 2020-2021, các cơ sở GDNN đã huy động nguồn lực đầu tư trên 500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị đào tạo.

Công tác giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực. Tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh là 687.782 người, chiếm khoảng 52,86% dân số toàn tỉnh; số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 83.000 lao động; số lao động tham gia BHXH tính đến nay là 142.911 người chiếm 21,4% tổng lực lượng lao động; có 81.409 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.158.344 người tham gia BHYT. Theo thống kê có 76.191 lao động người Hà Tĩnh hiện đang người đang làm việc ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Cần mở rộng quy mô đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và đào tạo lao động kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh và các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn; tăng tỷ lệ tuyển sinh đào tạo nhóm nghề Kỹ thuật - Công nghiệp - Xây dựng và nhóm nghề Thương mại - Dịch vụ - Du lịch, phát triển một số nghề mới như Logistics, dịch vụ cảng biển, năng lượng tái tạo.

Công tác khảo sát, dự báo nhu cầu sử dụng lao động, kết nối thông tin thị trường lao động được quan tâm. Từ năm 2020-2022, toàn tỉnh đã tổ chức 190 phiên giao dịch việc làm với 19.756 người lao động tham gia; có 1.604 lượt doanh nghiệp tham gia đăng ký tuyển dụng; tổng số lao động được tuyển dụng là 2.637 người.

Giai đoạn 2020-2022, HĐND tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết về đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tổng kinh phí được bố trí thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là trên 5,3 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 theo Đề án quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2045.

Việc quản lý và sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm được triển khai theo quy định. Tính đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện cho vay giải quyết việc làm là trên 837 tỷ đồng; hiện có 7 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số vốn vay là 575 triệu đồng.

Việc thực hiện các chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, hiệu quả. Từ năm 2020-2022, đã có 16.791 lao động được giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp; có 666 lao động thất nghiệp tham gia học nghề để quay lại thị trường lao động. Có 173.376 người thuộc đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng BTXH và người lao động bị mất việc làm hưởng chính sách theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ tổng kinh phí là gần 199 tỷ đồng. Có 77.227 người hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ với tổng kinh phí gần 61 tỷ đồng và 1.314 người được hưởng chính sách theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí thực hiện gần 02 tỷ đồng.

Đại biểu Thái Văn Sinh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh: Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về tạo việc làm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ; tăng cường quản lý chặt chẽ đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực  xuất khẩu lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: thiếu giáo viên dạy nghề; theo quy định, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được hợp đồng giáo viên dài hạn nên các trường đều gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, quản lý, thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và lộ trình thực hiện tự chủ về nhân sự. Hệ thống cơ sở vật chất của các trường cao đẳng, trung cấp công lập chủ yếu được đầu tư trong giai đoạn từ trước năm 2010 đã bị xuống cấp, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu công tác đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay. Chất lượng đào tạo một số ngành nghề còn hạn chế, nhất là đối với các ngành, nghề kỹ thuật, yêu cầu chất lượng đào tạo, kỹ luật cao (nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải thực hiện đào tạo lại). Quy mô đào tạo nghề theo đơn đặt hàng mới chỉ chiếm 8% tổng số học viên học nghề. Việc theo dõi, nắm bắt thông tin và quản lý cơ sở dữ liệu về việc làm của học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Sớm có phương án giải quyết những vướng mắc trong tổ chức, bộ máy, biên chế tại các cơ sở GDNN.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ một số vấn đề như: giải pháp đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học nghề giai đoạn hiện nay; chất lượng phân tích, dự báo thị trường cung - cầu lao động; thống kê tỷ lệ lao động có việc làm và làm đúng nghành nghề đào tạo sau tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chính sách thu hút giáo viên chất lượng cao công tác tại các trường nghề, việc đảm bảo tỷ lệ giáo viên và công tác tuyển dụng giáo viên đối với các trường tự chủ; chính sách hỗ trợ học phí học văn hóa đối với học sinh vừa học nghề vừa học THPT; việc kiểm định chất lượng giáo trình dạy nghề; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ sở GDNN với nhau và các trung tâm dịch việc làm; công tác quản lý trên lĩnh vực xuất khẩu lao động; nguyên nhân, giải pháp nâng cao tỷ lệ sinh viên học trình độ cao đẳng, trung cấp nghề...

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga phát biểu tại cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thời gian qua. Đồng thời, đề nghị thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm; kịp thời phát hiện và điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, sai sót; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh ban hành. Có lộ trình cụ thể đối với việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường nghề trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý; nâng cao tỷ lệ sinh viên học hệ cao đẳng, trung cấp. Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có giải pháp đầu tư phù hợp, hiệu quả; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất dạy học phổ thông trong các trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX nhằm làm tốt hơn công tác phân luồng học sinh. Nâng cao chất lượng khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tăng cường liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo, các trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan chủ quản là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với các sở ngành, đơn vị liên quan trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Lưu Thành - Trương Liên

    Ý kiến bạn đọc