Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia?
EmailPrintAa
14:07 07/11/2022

Tại phiên chất vấn sáng nay, cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chưa thật đầy đủ, khá nhiều đại biểu Quốc hội đã giơ biển tranh luận.

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Địa phương gặp khó về định mức, cần phản hồi ngay với Bộ...

Tranh luận về trả lời của Bộ trưởng liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp công nghệ số với kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải quyết các "bài toán khó" đang đặt ra, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu vấn đề: Qua báo cáo của Bộ trưởng thì những bài toán khó ấy lại đang nằm ở đầu tư hạ tầng kinh tế số, trong đó tập trung ở những địa bàn khó khăn, như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia, hay ở các lĩnh vực khó, như đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo. "Lộ trình trước mắt chúng ta chỉ còn 3 năm nhưng nhiều quy định pháp lý đối với loại hình doanh nghiệp công nghệ số chưa rõ định mức, đơn giá trong đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin truyền thông hiện chưa được ban hành".

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn

Nêu rõ thực tế này, đại biểu Lý Tiết Hạnh chất vấn: Bộ trưởng có biện pháp nào bảo đảm các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tốt và Bộ trưởng sẽ cam kết thực hiện hoàn thành được các chương trình đề ra hay không? Trong bối cảnh hiện nay, có nên đầu tư nguồn lực cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia hay không và có cần ban hành định mức, đơn giá trong đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin truyền thông hay không?

Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, rất nên đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là đầu tư cho miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã ban hành nhiều định mức, tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, khi vận hành vào bối cảnh cụ thể thì vẫn còn những khó khăn. Thừa nhận điều này, Bộ trưởng mong muốn các địa phương gặp khó khăn về định mức, thì cần phản hồi ngay với Bộ để có những tháo gỡ phù hợp nhất; đồng thời Bộ sẽ tiến hành sửa các Nghị định, Thông tư để làm tốt hơn công tác này.

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Tranh luận với trả lời của Bộ trưởng về việc sẽ hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số máy iphone max, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng làm rõ số người dân được hỗ trợ này là bao nhiêu và Bộ trưởng căn cứ vào chính sách nào để hỗ trợ máy iphone max này? Cũng theo đại biểu, người dân đang cần hỗ trợ cây, con giống, hạ tầng phục vụ cho sản xuất và nhiều điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… - Bộ trưởng cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ vấn đề nào?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng cho biết, tiếp cận thông tin theo nghĩa "có sóng, có thiết bị" thì không dùng ngân sách mà dùng Quỹ viễn thông công ích ngoài ngân sách do các doanh nghiệp đóng góp.

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Hà Giang) chất vấn

Trong trả lời của Bộ trưởng tại Phiên chất vấn cho thấy, Bộ trưởng đã có những chính sách quan tâm đến phát triển vùng đồng bào miền núi và biên giới. Ghi nhận điều này, ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) nêu vấn đề: Hiện nay, tỉnh Hà Giang còn có 154 thôn chưa được phủ sóng di động và 1.352 thôn chưa có sóng cáp quang, Internet, chiếm 66,37% và Hà Giang đã có văn bản số 888 của UBND tỉnh ngày 1.4.2022 gửi Bộ Thông tin Truyền thông và văn bản số 1749 ngày 26.5.2022 gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị hỗ trợ hoàn thành chỉ tiêu phát triển hạ tầng số năm 2022. Trong đó, đề nghị Bộ chỉ đạo các tập đoàn viễn thông thực hiện hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông qua quỹ viễn thông công ích. Đây không chỉ là ý kiến riêng của tỉnh Hà Giang mà còn là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, các tỉnh biên giới. Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Bộ trưởng sớm có chỉ đạo thực hiện các vùng phủ sóng hệ thống viễn thông di động qua quỹ viễn thông công ích để đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi và biên giới sớm được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ thông tin?

Thôn bản "lõm sóng" đã gửi thông tin về Bộ chắc chắn Bộ đã nắm được, đưa vào chương trình và chắc chắn có biện pháp để phủ sóng, trừ đối với những thôn bản quá phân tán, quá ít thì Bộ sẽ làm việc với nhà mạng để có biện pháp giải quyết, Bộ trưởng khẳng định. Liên quan đến 7.000 thôn chưa có cáp quang, Bộ trưởng nêu rõ, cáp quang là một trong những phương tiện truyền dẫn, nếu đưa được cáp quang thì tốc độ sẽ cao hơn, nhưng ngoài cáp quang còn có phủ sóng và Bộ đang thực hiện trước chương trình phủ sóng.

Bộ sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu xác thực thông tin thuê bao trong tháng 11 này

Tranh luận tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu vấn đề: Việc thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 3 doanh nghiệp chiếm 96% thị phần là Viettel, VNPT, Mobifone mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao. Theo Báo cáo số 158 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu là hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11.2022. Như vậy, còn chưa đầy một tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại. Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi cũng như giải pháp để đạt được mục tiêu trên nhằm góp phần loại bỏ sim rác - đại biểu hỏi.

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Cho biết việc xác thực thông tin được thực hiện qua hình thức câu hỏi "có" hoặc "không", đến nay gần 90% thông tin thu thập được là chính xác, Bộ trưởng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác này phải thực hiện xong trong tháng 11.2022. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này.

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn

Tranh luận tại phiên chất vấn, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng trả lời vì sao lại xảy ra tình trạng mạng xã hội bị "báo hóa", cùng với đó là việc chậm trễ, lúng túng trong xử lý vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên lĩnh vực mạng xã hội - Trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra việc này như thế nào?

Nêu ví dụ một số vụ việc mà cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông đã xử lý vi phạm trên mạng xã hội, đại biểu Lê Hoàng Anh nhận thấy, các cơ quan xử lý rất nhanh chứ không như Bộ trưởng nói rằng thiếu hành lang pháp lý. Liệu vụ việc xảy ra như vậy có phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không - đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn?

Bảo đảm văn hóa mạng cần ngấm vào từng gia đình, từng tế bào

Liên quan đến trả lời của Bộ trưởng về văn hóa mạng, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận thấy, những giải pháp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra chưa đầy đủ và không thể xây dựng văn hóa mạng tốt và văn minh. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ trưởng quan tâm hơn và phải coi việc xây dựng văn hóa tốt, văn minh là một công việc rất quan trọng cần làm "tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, đến nơi đến chốn hơn".

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

"Bộ trưởng đề cập đến một bộ quy tắc ứng xử sẽ gửi các bộ, ngành để xây dựng cụ thể và triển khai. Đây là việc làm tốt nhưng chưa đủ vì người gây rối, người chọc ngoáy, người gây kích động những điều thiếu văn hóa phần lớn không làm việc ở các bộ, ngành mà ở bên ngoài, thậm chí ở nước ngoài". Chỉ ra thực tế này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần triển khai rộng hơn, mạnh hơn, có sự tham gia các bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Công an và toàn xã hội mới thành công được.

Khẳng định "có nhiều việc phải làm trên không gian văn hóa mạng", Bộ trưởng cho biết, Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành áp dụng cho các cơ quan, tuy nhiên các đơn vị, tổ chức khác cũng coi đây là mẫu để triển khai đối với đơn vị mình, bảo đảm văn hóa mạng cần ngấm vào từng gia đình, từng tế bào - khi đó việc chung tay thực hiện mới có hiệu quả.

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Trả lời tranh luận của ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào sinh sống tại khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn cơ là cho bà con phương tiện tiếp cận, cụ thể là sóng 3G, 4G, điện thoại thông minh. Trong chương trình viễn thông công ích, đã dành ra 400 ngành điện thoại thông minh cho bà con, 400 nghìn Ipad (máy tính bảng) cho học sinh chưa được triển khai. "Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cung cấp thông tin về số hộ gia đình, bà con, học sinh để Bộ cung cấp phương tiện cho bà con", Bộ trưởng nêu rõ.

Đánh giá cao những đóng góp của ngành thông tin đối với công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, góp phần tạo được sự thay đổi rất lớn, song ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng là "chưa thỏa đáng". Liên quan đến việc chậm trễ thi hành một số nội dung liên quan đến Chương trình sóng và máy tính cho em cũng như chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng chưa trả lời rõ. Theo đại biểu, Chương trình sóng và máy tính cho em trong bối cảnh mới hiện nay cần phải được tiếp cận lại, đây không chỉ phục vụ học tập trong điều kiện dịch bệnh mà còn tạo cơ hội học tập và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xã hội số. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này...

Quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đang khá nhức nhối

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, nêu vấn đề trên các nền tảng và trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay tiktok, vấn nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách rất công khai, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng đây là một vấn nạn cần phải siết lại và Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để xử lý như thế nào?

Có nên đầu tư cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia? -0
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đang khá nhức nhối. Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cơ bản quy định pháp luật của Việt Nam là các cơ quan phải bảo đảm thực hiện quảng cáo đúng pháp luật. Tuy nhiên, 2 năm gần đây có hình thức quảng cáo mới trên các không gian mạng. Vừa qua, Bộ đã sửa các văn bản, nghị định và tiến hành thanh tra, kiểm tra để các cơ quan truyền thông ý thực rõ hơn vấn đề này.

Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng cho biết, sẽ chính thức thanh tra về vấn đề quảng cáo; mong muốn các bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền cùng rà soát các lĩnh vực có liên quan đến ngành mình để kiểm tra xử lý vấn đề này.

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc