Đoàn Đại biểu Quốc hội lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi
EmailPrintAa
10:01 31/01/2013

Ngày 13/10/2011, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phối hợp với Liên Đoàn Lao động tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tham dự có các đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Ủy viên UB các vấn đề xã hội Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ TB & XH, Phạm Thị Phương - Ủy viên UB các vấn đề xã hội Quốc hội và các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng các Ban, cán bộ, chuyên viên Ban Chính sách - Pháp luật và văn phòng tư vấn pháp luật của Liên Đoàn Lao động tỉnh, đại diện Thường trực Đảng ủy khối cơ quan, doanh nghiệp, lãnh đạo các Sở, ngành, phòng, ban có liên quan. Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì buổi làm việc.

Theo dự án Luật công đoàn sửa đổi có tất cả 6 chương 34 điều quy định rõ về chức năng, quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, trong đó nhấn mạnh địa vị pháp lý của Công đoàn, đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh…

 

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH phát biểu tại buổi làm việc.

 

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn vì Luật Công Đoàn hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1990, qua hơn 20 năm thực hiện đã tạo được hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn trong tổ chức, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định; đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị đất nước, phát huy vai trò, tác dụng, ảnh hưởng lớn của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: về đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh của luật năm 1990 quá hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của các loại hình doanh nghiệp, sự phức tạp của quan hệ lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đổi mới; về chức năng nhiệm vụ trong luật cũ còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn trong thực hiện đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; tính hiệu lực và khả năng thực thi chưa cao, thiếu chế tài thi hành quyền Công đoàn trong việc tham gia kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích cho cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế… Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đã tập trung bàn nhiều về điều 1 của luật công đoàn sửa đổi, đó là vấn đề bảo vệ địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn, điều 5 về kết nạp lao động là người nước ngoài vào tổ chức công đoàn và điều 27 về tài chính Công đoàn. Ngoài ra, vấn đề trợ giúp pháp lý cho người lao động, điều kiện hoạt động, quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn cũng được đem ra thảo luận, góp ý…

Lưu Thành


    Ý kiến bạn đọc