Giáo dục cần có định hướng phát triển đúng
Trong những kỳ họp gần đây, giáo dục đào tạo là lĩnh vực luôn được QH đặt lên bàn nghị sự để xem xét kỹ lưỡng. Sự chú ý này của cơ quan dân cử hẳn có lý do của mình?
- Không chỉ trong những kỳ họp gần đây, giáo dục, đào tạo luôn là vấn đề được QH quan tâm thường xuyên. Bởi người dân ta hiếu học, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, dành nhiều ưu tiên cho ngành này. QH là cơ quan đại diện cao nhất cho nhân dân cả nước nên tất nhiên là thường xuyên đặt vấn đề này lên bàn nghị sự. Mà người dân còn chưa hài lòng với giáo dục đào tạo là bởi nhu cầu học tập rất lớn, nhưng ngành này chưa đáp ứng đủ. Chất lượng giáo dục còn hạn chế, chưa phúc đáp được nhu cầu của người dân, nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hai bất cập quan trọng nhất của giáo dục hiện nay. Tại nhiệm kỳ Khóa XII, QH đã lựa chọn chủ đề thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học để giám sát chuyên đề. Từ kết quả giám sát, QH và Chính phủ đã bước đầu điều chỉnh một số cơ chế, chính sách về giáo dục đại học. Nhưng quan trọng nhất là QH đã quyết định đưa dự án Luật Giáo dục đại học vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XIII. Việc xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học có thể xem là kết quả trực tiếp của chuyên đề giám sát tối cao này.
Ngay trong giai đoạn khảo sát thực tế, hoạt động giám sát tối cao này đã tạo hiệu ứng tốt đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như dư luận xã hội. Nhưng có lẽ cử tri và nhân dân chờ đợi hơn cả là những chuyển biến mạnh mẽ sau giám sát?
- Ngay trong quá trình triển khai cuộc giám sát đã tác động đến hoạt động giáo dục đại học. Trước hết là các trường đại học đã quan tâm hơn đến điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Không chỉ các trường hưởng ứng, Chính phủ cũng ban hành văn bản chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học. Trên cơ sở giám sát tối cao, QH đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học và khẩn trương triển khai dự án Luật Giáo dục đại học. Nghị quyết của QH đã trở thành cây gậy để Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh kỷ cương trong việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các trường đại học. Cơ quan quản lý đã có quyết định dừng tuyển sinh, đào tạo một số chuyên ngành, xử lý một số trường thực hiện sai quy định liên quan đến bảo đảm chất lượng đào tạo. Bộ cũng đi kiểm tra các trường nằm trong danh sách được Báo cáo giám sát lưu ý, và quyết định đình chỉ đào tạo, hay giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với một số trường vi phạm. Quan trọng nhất là những kinh nghiệm rút ra được từ cuộc giám sát này đã được thể hiện khi chuẩn bị dự án Luật Giáo dục đại học nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp để điều chỉnh có hiệu quả hoạt động của bậc học này.
Giám sát chuyên đề về nội dung này đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn thành lập và hoạt động của các trường đại học. Kết quả này có lẽ đã làm Chủ nhiệm an tâm hơn?
- Có lẽ là chưa. Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng có lẽ cần thời gian và lộ trình cụ thể. Đây là những giải pháp bước đầu, còn cần làm nhiều việc nữa để tạo chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo bậc học này, nhất là đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập sâu với thế giới.
Giáo dục đại học có vị trí đầu tàu của cả nền giáo dục quốc dân. Đấy là nơi đào tạo đội ngũ những người thầy của nhiều bậc học; nơi đào tạo đội ngũ lao động có trình độ cao; và là nguồn để phát hiện và đào tạo những nhân tài cho tương lai. Chất lượng đầu ra của bậc học này phản ánh trình độ phát triển của một xã hội. Ngoài ra, hiện nay đã xuất hiện những vấn đề mới trong bậc đào tạo này cần được nghiên cứu, giải quyết. Việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đã giúp bước đầu hình thành khối các trường ngoài công lập, đảm nhiệm được khoảng 14-15% quy mô đào tạo đại học. Nhưng các trường tư thục ở nước ta không đi theo mô hình của các nước trên thế giới là cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo, dịch vụ sư phạm. Ngược lại, có nghịch lý là chất lượng đào tạo của hầu hết các trường tư thục còn thấp, song học phí lại cao ngất ngưởng. Sở dĩ tồn tại nghịch lý này là do thiếu các nhà đầu tư chiến lược đủ khả năng tài chính và thực sự có tâm với giáo dục. Bởi thế, thay vì chấp nhận chịu lỗ trong thời gian đầu để xây dựng thương hiệu, thì các trường lại chạy theo lợi nhuận trước mắt.
Giáo dục, đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu. Thông qua quá trình theo dõi, giám sát lĩnh vực này của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, thì lĩnh vực này đã thực sự là quốc sách hàng đầu chưa và nếu đạt thì ở mức độ nào?
- Quan điểm này của Đảng, Nhà nước được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật. Ở một số khía cạnh nào đó chúng ta đã thực hiện được tư tưởng này. Nhưng nhìn chung và trong nhiều phương diện, giáo dục đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Bởi Nhà nước đã quan tâm dành 20% ngân sách cho giáo dục - là một tỷ lệ không nhiều quốc gia làm được. Song ở nhiều địa phương ngân sách dành cho giáo dục còn rất hạn chế và thường bị cắt xén để phục vụ những nhu cầu khác. Hơn thế, giáo dục có trở thành quốc sách hàng đầu hay không đâu chỉ thể hiện qua tỷ trọng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Đó còn thể hiện ở khía cạnh toàn xã hội quan tâm, chăm lo cho giáo dục như thế nào. Nhà nước, xã hội, gia đình đã tạo điều kiện cho giáo dục phát triển tương xứng với vị thế là quốc sách hàng đầu hay chưa?
Có nhiều biểu hiện chứng tỏ quan điểm này chưa được quán triệt trong sử dụng đất đai, nhất là mục tiêu kinh tế thường lấn át nhu cầu của giáo dục. Khi giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương, thì giáo dục ít được quan tâm. Thực tế cho thấy, tuy giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu, nhưng vẫn đứng ở hàng thứ yếu. Chưa thực sự là quốc sách hàng đầu còn thể hiện ở chất lượng giáo dục chưa tương xứng với nhu cầu học tập của xã hội, nhu cầu phát triển của đất nước; ở việc học của thanh thiếu niên còn khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Quan điểm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu đã được xác định gần 20 năm nay, không thể nói chưa đủ thời gian để triển khai chủ trương quan trọng này đi vào cuộc sống.
Không chỉ giám sát về giáo dục đại học, tại nhiệm kỳ Khóa XII, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ có khá nhiều hoạt động để lại dấu ấn với cử tri và nhân dân. Trong nhiệm kỳ mới này, Ủy ban sẽ có những hoạt động cụ thể nào để tiếp nối và phát huy những thành quả, kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước, thưa Chủ nhiệm?
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã đạt được một số kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua, nhưng một số công việc thuộc nhiệm vụ, kế hoạch của Ủy ban vẫn chưa thực hiện được. Đó là do bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động lớn. Mọi công việc từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của QH Khóa XII tập trung ưu tiên giải quyết những yêu cầu phát sinh bởi biến động lớn đó. Một số dự án Luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XII nhưng chưa được triển khai thực hiện như: Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học, Luật Nhà giáo, Luật Quảng cáo, Luật Thư viện... Đây là những dự án Luật quan trọng và cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho những lĩnh vực này phát triển. Tôi tin rằng trong nhiệm kỳ Khóa XIII, Ủy ban sẽ có cơ hội và điều kiện hoàn thành những công việc còn dang dở đó.
Đổi mới là nhu cầu của QH
Để tiếp nối những thành quả từ Khóa XII, ngay từ những kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XIII, vấn đề đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp tục được đặt ra. Ý kiến của Chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?
- Đổi mới không là khái niệm mới mà đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ trước. Nhưng đổi mới là vấn đề không bao giờ cũ, và luôn tạo ra thách thức đối với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Trong các Khóa X, XI, XII, QH đã liên tục cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới từ những việc rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. QH hoạt động ngày càng mạnh mẽ, thực chất, có những quyết sách đúng đắn, có lợi cho nước, cho dân. Hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia đều có những chuyển biến rõ rệt. Người dân, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đều đánh giá cao thành quả này của QH.
Nhưng sự đổi mới không ngừng của QH còn là vì mô hình cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam chưa có tiền lệ trên thế giới, nên khó có thể hoàn thiện ngay được. Chúng ta có thể chế chính trị khác với các nước. Tại các nước theo chế độ đa đảng, hoạt động nghị trường là sự đấu tranh giữa những đảng đối lập. Sự khác nhau về lợi ích tự nó đã là cơ chế khắc nghiệt buộc các đảng phái chính trị phải tự phấn đấu vươn lên, giành sự tín nhiệm của cử tri, tạo động lực phát triển cho xã hội. Nhưng QH ta không có mâu thuẫn, đối kháng chính trị. Bởi vậy, QH của ta phải tạo ra một cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các thành phần của hệ thống chính trị, cũng như trong nội bộ từng cơ quan. QH của ta là QH thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng không phải vì thế mà triệt tiêu động lực phát triển. Tìm được cơ chế để tạo động lực phát triển trong sự thống nhất như vậy mới là khó. Cơ chế này, chúng ta phải từng bước tìm tòi, xác lập.
Vì thế, đổi mới chính là sức sống của QH, để QH hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống chính trị. Đổi mới là một nhu cầu để từng bước hoàn thiện, phát triển mô hình QH, chứ không chỉ đơn thuần là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Trong thời gian qua, nhiều ý tưởng, đề xuất về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH đã được đưa ra. Theo Chủ nhiệm, QH còn những dư địa đổi mới nào ngay trong khuôn khổ pháp luật hiện hành?
- QH có thể cải tiến, đổi mới nhiều hơn nữa ngay trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Quan trọng là QH, các cơ quan của QH, ĐBQH cần phát huy trí tuệ để nhìn ra trong khuôn khổ pháp luật hiện hành còn những dư địa nào cho đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. QH phải là cơ quan gương mẫu nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Không thể lấy lý do đổi mới mà vội vàng làm nhanh dù trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành. Điều này cũng không phù hợp với truyền thống làm việc của QH lâu nay là thí điểm thực hiện các chủ trương mới một cách thận trọng, chỉ khi chín muồi mới chính thức thể chế hóa và nhân rộng ra. Thí điểm để kiểm nghiệm, xác lập luận cứ quan trọng từ thực tiễn cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta phải đưa vào luật, pháp lệnh những vấn đề mà thực tiễn đã kiểm nghiệm là đúng đắn, điều phối hài hòa quyền và lợi ích giữa nhà nước, xã hội và nhân dân.
Có một số hoạt động có thể đổi mới ngay trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Ví dụ hoạt động chất vấn do thời gian thực hiện chỉ trong hai ngày rưỡi nên mỗi kỳ họp chỉ có một số thành viên của Chính phủ trả lời chất vấn. Trong khi, cuộc sống phong phú, đa dạng, còn những vấn đề cử tri bức xúc không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của những Bộ trưởng đăng đàn thì sao? Vì thế, chất vấn cần trao đổi, tranh luận, có những ý kiến khác nhau thì mới đi đến cùng vấn đề, làm sáng tỏ chân lý được. Hiện nay chất vấn mới dừng lại ở việc gợi ra vấn đề. Tôi từng được dự những cuộc chất vấn của một số QH trên thế giới, và chứng kiến có khi một buổi chất vấn chỉ là một một vài người tham gia chất vấn, dưới sự chủ trì của lãnh đạo QH. Không cần tất cả 500 đại biểu ngồi đủ trong hội trường, mà có khi chỉ cần những người quan tâm đến dự. Họ chất vấn đến cùng những vấn đề quan tâm. Nhưng QH ta hàng năm chỉ họp hai kỳ, với bộn bề vấn đề được đặt lên bàn nghị sự thì rất khó dành nhiều thời gian cho chất vấn, nhất là cho một số vấn đề chỉ có một số ĐBQH quan tâm.
Để tháo gỡ vướng mắc này, tôi cho rằng, cần có những hoạt động chất vấn ở quy mô nhỏ hơn tại UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Theo quy định của Luật Tổ chức QH, UBTVQH có thể được QH giao tổ chức chất vấn tiếp những vấn đề mà chất vấn trong kỳ họp chưa xong. Hoạt động này chưa được quy định cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Vậy nên, các cơ quan của QH mới được tổ chức các phiên giải trình của Chính phủ. Nói như vậy là để thấy đã đến lúc sửa đổi Hiến pháp, pháp luật để các công xưởng của QH có thẩm quyền tổ chức hoạt động chất vấn, điều trần. Mà sửa đổi Hiến pháp, pháp luật thuộc thẩm quyền của QH, tức là nằm trong tầm tay của chúng ta.
Để thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, Chủ nhiệm có gửi gắm gì với các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng như các ĐBQH khác?
- Hiện nay, QH đang đổi mới, và các cơ quan của QH cũng có nhiều sáng kiến để nâng cao sức sáng tạo. Nằm trong dòng chảy chung đó, tôi mong các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng như các ĐBQH nói chung sẽ tích cực tham gia quá trình đổi mới này. Như vậy sẽ giúp chất lượng hoạt động của đại biểu tốt hơn, đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban và QH. Hơn nữa, Đảng đã có chủ trương này, QH đã ban hành nghị quyết và đang xây dựng Đề án cụ thể về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Do đó, tôi mong muốn QH đổi mới nhanh hơn, nhiều hơn, làm nhiều việc hơn nữa trong một kỳ họp. Cần những đổi mới mang tính đột phá. QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. QH xây dựng pháp luật, tạo ra những thay đổi mang tính đột phá trong hệ thống pháp luật sẽ là động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Xin cám ơn Chủ nhiệm!
Tin mới cập nhật
- Tài liệu phục vụ Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề ( 20/09)
- Tài liệu Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật về lĩnh vực an ninh trật tự ( 19/09)
- Tài liệu lấy ý kiến Dự án Luật Dữ liệu ( 19/09)
- Tài liệu lấy ý kiến góp ý dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 10/09)
- Tài liệu lấy ý kiến góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo ( 10/09)
- Tài liệu lấy ý kiến góp ý dự án Luật Nhà giáo ( 10/09)