Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH đang được khẩn trương hoàn thiện để trình QH tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới. Cho ý kiến về Đề án này tại Phiên họp thứ Tám, CHỦ TỊCH QH NGUYỄN SINH HÙNG nêu rõ, đổi mới bao giờ cũng khó. Đổi mới mà cầu toàn thì không đổi mới được, vì sẽ đụng cái cũ, nhưng nếu đổi mới mà không kế thừa tốt, không bình tĩnh, không chắc chắn, không bám sát cơ sở pháp lý thì sẽ làm rối. Cho nên phải bình tĩnh, phải cân nhắc thận trọng. Tư tưởng chúng ta làm là phải thận trọng, phải vững chắc, bám sát luật và cơ bản chỉ đổi mới cách làm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Đổi mới phải hướng về cử tri
Đề án được chuẩn bị khá đầy đủ và tiếp tục tinh thần của Nghị quyết hôm trước UBTVQH đã thông qua là phải đổi mới.
Trước hết, về quy trình, nguyên tắc là những dự thảo luật, nghị quyết của UBTVQH trình QH thì có thể chỉ định hay thành lập một cơ quan độc lập để thẩm tra hoặc giao cho Ủy ban Pháp luật. Trong thực tế những năm gần đây thì hay giao cho Ủy ban Pháp luật là thuận tiện nhất, ngay cả dự thảo Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH do cơ quan độc lập thẩm tra do QH thành lập.
Về nội dung, cơ cấu của 10 vấn đề tôi nhất trí, để làm rõ hơn tôi đề nghị tách riêng một vấn đề thành một mục là đổi mới hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Trong này chúng ta nói về lập pháp, giám sát, kỳ họp QH, UBTVQH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH nhưng còn một thành phần tương đối quan trọng là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Tôi nhớ khi QH bàn về vấn đề đổi mới lần trước định chuyển trọng tâm một số hoạt động của QH về Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mà lần này trong Nghị quyết của QH lại không có một mục riêng về Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban theo tôi là không hợp lý. Nội dung này thực ra đã có, bây giờ chúng ta chỉ ngồi nhặt lại và gom thành một mục là mục thứ 7 hoặc mục thứ 8 trong Nghị quyết này.
Về hoạt động giám sát, trong này chúng ta quy định hàng năm bỏ phiếu tín nhiệm, nếu 2 lần liên tiếp mà không đủ quá bán thì phải đưa ra xem xét, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhưng đề nghị phải lập luận rõ thêm tại sao lại 2 lần? Bỏ phiếu tín nhiệm 1 lần đã nghiêm trọng rồi mà còn chờ lần sau, năm sau không đủ mới đưa ra xem xét là vô lý. Khoản 2, Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của QH hiện nay quy định mỗi lần bỏ phiếu tín nhiệm nếu người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không đủ quá bán tổng số ĐBQH thì người giới thiệu người đó mà đưa ra QH bầu trước đây hoặc phê chuẩn phải trình QH xem xét để hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức. Do đó tôi đề nghị 2 quy định này phải làm cho khớp nhau. Về mặt lý thì 1 lần là có thể bãi nhiệm hoặc cách chức được rồi.
Về tổ chức phiên họp của UBTVQH, chúng ta viết: 5.4. Áp dụng các thủ tục thảo luận khác nhau trong việc thảo luận cho ý kiến thảo luận quyết định theo thẩm quyền. Câu này tôi không hiểu rõ nghĩa của nó thế nào? Chỗ này đề nghị xác định rõ hơn. Rồi hoạt động tiếp xúc cử tri, theo tôi đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri cần phải khắc phục tình trạng hiện nay là nhiều chỗ còn hình thức, đại biểu thì kiêm nhiệm, cử tri thì chuyên trách, hầu như cuộc tiếp xúc nào cũng thấy mấy đại biểu đó. Bây giờ đổi mới phải hướng về cử tri, trực tiếp với cử tri, vừa kết hợp cả đại diện cử tri và cử tri trực tiếp, như vậy ĐBQH mới đi xuống được. Như hiện nay, Đề án vẫn chưa nói được ý đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Ngân sách mà không gút lại thì khó
Tôi đánh giá sự cố gắng của Ban chỉ đạo cũng như cơ quan soạn thảo đã xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Tôi đồng tình với nhiều nội dung trong 10 đề xuất và tiếp thu của Ban soạn thảo.
Với quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong Đề án chủ yếu tập trung vào ngân sách. Tôi rất ủng hộ, vì ngân sách càng công khai, càng minh bạch, càng rõ ràng bao nhiêu thì càng thuận lợi bấy nhiêu, góp phần cho việc QH và nhân dân giám sát việc tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, cũng phải hết sức lưu ý để khi đưa ra những vấn đề này thì phải tính tới sự phân công như thế nào. Ví dụ bây giờ chúng ta nhất trí đổi mới theo hướng các Ủy ban sẽ tham gia để có giám sát, thẩm tra đối với vấn đề dự toán ngân sách liên quan đến lĩnh vực phụ trách, từ những thẩm tra của các Ủy ban đó sẽ có một báo cáo thẩm tra chung của Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Nhưng chúng ta cũng phải bảo đảm một nguyên tắc là phải có đầu mối. Luật quy định Ủy ban Tài chính - ngân sách là cơ quan chủ trì. Nếu không có nguyên tắc này, mỗi ông nói một phách thì không được, ngân sách mà không gút lại thì khó, UBTVQH biết nghe ai? Cho nên phải có một cơ quan chịu trách nhiệm gút lại. Cái bánh ngân sách chỉ có thế thôi, giáo dục đề nghị thế này, y tế thế kia… nhưng ai sẽ là người gút lại để chia bánh đó cho hợp lý nhất? Tôi nghĩ phải quy định rất rõ ở đây trong khi tham mưu cho QH, nếu không dễ làm cho QH bị loãng thông tin.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: Như vậy mới rõ là chúng ta có trách nhiệm với cuộc sống đang diễn ra
Ở Điều 3 của Đề án về hoạt động giám sát, tôi đề nghị bổ sung một nội dung mà thực tiễn đã có là: khi xảy ra những vấn đề đột xuất, thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nếu liên quan đến lĩnh vực theo dõi thì Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban tổ chức Đoàn để nắm bắt tình hình. Nếu thấy nghiêm trọng thì có thể mời cơ quan Nhà nước, hữu quan đến giải trình trước Hội nghị mở rộng của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Như vậy mới rõ là chúng ta có trách nhiệm với cuộc sống đang diễn ra, chứ không phải để cuộc sống cứ trôi đi.
Ở Điều 4, về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tôi cơ bản đồng tình với Đề án, nhưng đề nghị đối với những dự án, công trình quan trọng quốc gia liên quan đến nhiều Ủy ban, thì cần có một Ủy ban đứng ra làm cầu nối để thẩm tra chung.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Tăng cường giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban - bước đổi mới mạnh mẽ
Về hội nghị trực truyến, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để xem nó là một ý kiến đóng góp mang tính cơ sở pháp lý để tiếp thu đối với dự án luật, đây mới là những ý kiến đóng góp để nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Còn ý kiến chính thức thì phải là qua các kỳ họp và phát biểu tại hội trường. Chỗ này phải khẳng định lại để bảo đảm tính pháp lý của một dự án luật được trình ra qua quá trình thảo luận của QH.
Hội nghị trực tuyến với sự tham dự của nhiều thành phần, kể cả những đối tượng chịu tác động của dự án luật, chuyên gia, các nhà khoa học - điều này rất cần thiết - nhưng tôi nghĩ tính chất hội nghị trực tuyến cũng chỉ là hội nghị tham khảo thêm các ý kiến để rộng đường cho quá trình chuẩn bị các dự án luật. Trước đây, chúng ta tổ chức hội nghị chuyên trách thảo luận về các dự án luật nhưng vẫn không xem hội nghị chuyên trách là có cơ sở pháp lý. Với hội nghị trực tuyến cũng vậy, tôi đề nghị chúng ta tiếp tục tiến hành như là quá trình để đổi mới QH tiến tới nghiên cứu xem sửa đổi Luật Tổ chức QH hay không. Cho nên chúng ta phải làm rõ hội nghị trực tuyến là hội nghị tham khảo các ý kiến của nhiều bên liên quan trong đó có ĐBQH quá trình chuẩn bị dự thảo luật chu đáo hơn, lấy được nhiều ý kiến rộng rãi hơn. Còn ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp mới chính là cơ sở pháp lý đối với các dự án luật được trình ra.
Về tăng cường giải trình ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, tôi thấy không nên đưa vào là ít nhất 2 lần hay ít nhất 1 lần, vì không cần thiết, luật quy định rồi. Lần này Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phải tăng cường nghe giải trình, tăng cường truyền hình trực tiếp hoạt động này như Ủy ban Pháp luật vừa tiến hành. Như vậy cũng là một bước đổi mới rất mạnh mẽ, không nên cột là ít nhất 2 lần, ít nhất 1 lần. Tùy các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc quyết định nếu có vấn đề nổi cộm. Theo tôi nên tăng cường hình thức này để những chính sách, quá trình thực thi pháp luật được sáng tỏ hơn.
Tin mới cập nhật
- Tài liệu phục vụ Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề ( 20/09)
- Tài liệu Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật về lĩnh vực an ninh trật tự ( 19/09)
- Tài liệu lấy ý kiến Dự án Luật Dữ liệu ( 19/09)
- Tài liệu lấy ý kiến góp ý dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 10/09)
- Tài liệu lấy ý kiến góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo ( 10/09)
- Tài liệu lấy ý kiến góp ý dự án Luật Nhà giáo ( 10/09)