Luật phải có phần mềm để ứng biến được với sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ của cuộc sống
EmailPrintAa
18:52 29/03/2013

Thảo luận về dự án Luật Quảng cáo, một số ĐBQH lo ngại, trước sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ của cuộc sống, nhất là các phương tiện, phương thức quảng cáo thì e rằng, khi luật ra đời ngay lập tức đã bị lạc hậu bởi sự phát triển của công nghệ, của cạnh tranh thị trường, của vấn đề lách luật. Vì thế, đối với dự án Luật này, một mặt cần tránh ban hành một luật ống để quy định càng cụ thể càng tốt, nhưng mặt khác sẽ là bất lực nếu đề ra mục tiêu cụ thể tất cả các nội dung của Luật. Bên cạnh việc tiếp tục phát hiện thêm những kẽ hở, những điều thiếu về quảng cáo để quy định trong Luật, thì Luật phải có phần mềm để ứng biến được với tình hình.

ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh): Nếu giao chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch thì sẽ xảy ra tình trạng một trang báo hai Bộ phải đọc

 

Quảng cáo là ngành kinh tế phát triển nhanh trong những năm gần đây ở nước ta với doanh thu toàn ngành năm 2010 đạt 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý quy định hoạt động quảng cáo đến nay đã không còn phù hợp. Vì vậy, tôi tán thành việc xây dựng Luật Quảng cáo thay thế Pháp lệnh nhằm điều chỉnh các hoạt động quảng cáo và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quảng cáo phát triển, đáp ứng nhu cầu cơ bản của một xã hội phát triển cạnh tranh lành mạnh. Đối với quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, tại Điều 6 của dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, theo tôi là không hợp lý. Trước đây Bộ Văn hóa  - Thông tin quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo từ báo chí, phát thanh, truyền hình đến quảng cáo ngoài trời là hợp lý vì các cơ quan quản lý báo chí xuất bản thuộc Bộ này. Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập, Cục Quản lý báo chí, xuất bản chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông, mang theo cả chức năng quản lý về quảng cáo trên báo chí, truyền thanh và truyền hình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ còn quản lý phần quảng cáo ngoài trời.

 

Ngày 27.10.2007, tại Công văn số 6157, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về phân công nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về quảng cáo giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép quảng cáo; hướng dẫn về thực hiện quảng cáo và thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quảng cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo trên báo chí bao gồm báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử trên mạng thông tin máy tính và trên xuất bản phẩm. Như vậy, đến nay trên lý thuyết thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ chức năng quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động quảng cáo, nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát một phần nhỏ trong hoạt động quảng cáo, vì doanh số quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm 10% và quảng cáo trên truyền hình phát thanh, báo chí, internet chiếm trên 80% doanh số. Với nhiệm vụ được giao thì hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sẵn bộ máy vừa quản lý nội dung thông tin tuyên truyền vừa kiểm soát về quảng cáo.

 

Hiện tại, cả nước có 745 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm, 67 đài truyền hình và phát thanh của Trung ương và địa phương với gần 200 kênh chương trình. Về báo điện tử và phim truyện internet viễn thông, tính đến tháng 11.2010, cả nước có 34 báo điện tử, 66 trang thông tin điện tử, 43.575 trang web được cấp phép. Với số lượng phương tiện truyền thông hùng hậu như vậy thì nguồn lực để quản lý hoạt động quảng cáo là không nhỏ. Nếu Luật Quảng cáo giao chức năng quản lý nhà nước, giao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch thì ngành này sẽ phải thiết lập bộ máy từ Trung ương đến địa phương để đọc báo, xem đài trên mạng song hành với ngành thông tin truyền thông hàng ngày cũng phải làm những việc này để quản lý về nội dung tuyên truyền. Điều này dẫn đến tình trạng một trang báo 2 Bộ phải đọc. Đây là sự lãng phí lớn về nhân lực; đồng thời sẽ làm phình bộ máy quản lý một cách không cần thiết.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn toàn có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý về yếu tố văn hóa, thẩm mỹ trong quảng cáo cho phù hợp với định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Vì những lý do nêu trên, tôi đề nghị giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Sự thay đổi này không gây xáo trộn nhiều vì chỉ cần chuyển bộ phận quản lý quảng cáo ngoài trời từâ ngành văn hóa, thể thao và du lịch sang ngành thông tin và truyền thông.

 

ĐBQH Trần Văn Tấn (Tiền Giang): Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo, bảo đảm sự đồng bộ giữa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện

 

Khoản 2, Điều 6, dự thảo Luật Quảng cáo quy định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo. Tôi nhận thấy quy định này chưa hợp lý vì những lý do sau đây.

 

Một, trước đây với tính chất là một loại hình thông tin hoạt động quảng cáo do Bộ Văn hóa - Thông tin quản lý tập trung, bao gồm cả việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về quảng cáo, là phù hợp. Sau khi Chính phủ sắp xếp lại các bộ, ngành vào năm 2007 thì quản lý Nhà nước về thông tin bao gồm toàn bộ hoạt động báo, tạp chí, phát thanh truyền hình, báo điện tử, xuất bản và thông tin trên mạng thông tin máy tính được chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Hai, hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý gần như tất cả các lĩnh vực quảng cáo gồm 745 cơ quan báo in với 1.003 ấn phẩm, 64 cơ quan báo chí hoạt động phát thanh bao gồm Đài Tiếng nói Việt Nam và 63 đài phát thanh truyền hình địa phương. Hệ thống phát thanh hiện đang phát sóng 71 kênh, chương trình phát thanh quảng bá có phạm vi phủ sóng đạt 98% diện tích lãnh thổ. 66 cơ quan báo chí hoạt động truyền hình, hệ thống truyền hình quảng bá với phạm vi phủ sóng mặt đất đáp ứng hơn 90% diện tích lãnh thổ. Có 49 báo điện tử và tạp chí điện tử được cấp phép, màn hình điện tử phát thông tin quảng cáo dưới dạng video clip, xuất bản phẩm như sách, tài liệu, tranh ảnh, áp phích, ấn phẩm, quảng cáo, lịch, bản đồ… Mạng viễn thông di động với hơn 100 triệu thuê bao và hàng chục triệu người sử dụng internet. Như vậy hầu hết quảng cáo thuộc các lĩnh vực do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

 

Ba, với cách phân định chức năng quản lý nhà nước như hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên pano, bảng, biển ngoài trời, nhưng lại là đầu mối trình ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông mặc dù thực hiện quản lý nhà nước đối với hầu hết các phương tiện quảng cáo nhưng lại không phải đầu mối xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó tạo ra sự không đồng bộ giữa xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.

 

Vì vậy, tôi đề nghị cần thống nhất lại một đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo, bảo đảm sự đồng bộ giữa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 6 quy định Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo. Và Khoản 3, Điều 6 quy định các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.

 

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Tôi sợ rằng, khi luật này ra sẽ lập tức lạc hậu…

 

Tiếp cận với thực tiễn, với đời sống của quảng cáo, tôi thấy phức tạp. Đây là một đạo luật khó nhất trong các đạo luật vì đụng chạm với toàn xã hội, đụng chạm đôi khi rất vô hình, nếu còn duy trì mối quan hệ xin - cho cũng là nơi rất dễ xảy ra những tranh chấp về lợi ích... Đứng trên một phương diện nào đó, tôi nghĩ đây là một hiệu ứng của việc tách văn hóa và thông tin. Đương nhiên không ai nghĩ bàn đến chuyện nhập lại văn hóa và thông tin nữa. Chính vì thế rất khó cho việc quản lý. Chúng ta bàn luật để thực thi nhưng thực thi rất khó, nếu còn thảo luận còn nảy sinh, còn phát hiện nhiều vấn đề, nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt. Chúng ta đòi hỏi thời lượng trên những thông tin đại chúng, nhất là đài truyền hình của Nhà nước và đúng là người dân quan niệm đài truyền hình là của Nhà nước thật, nhưng trong khi đó thì ngân sách Nhà nước có nuôi đâu. Xu thế xã hội hóa đang là một nguồn lực rất mạnh thì chúng ta hạn chế nó như thế nào? Mọi băng rôn, bên cạnh thông tin chính trị rất đáng khuyến khích thì ở dưới lại có quảng cáo của một thông tin tài trợ vì Nhà nước có bỏ tiền đâu. Đây là chuyện nhạy cảm, dẫn đến người cấp phép, nhất là cấp phép trong quan hệ xin - cho thì hết sức phức tạp.

 

Hơn nữa, đời sống thay đổi hàng ngày, hàng giờ, nhất là các phương tiện, phương thức quảng cáo ngày càng phức tạp khi nó ứng dụng nhiều công nghệ mới. Tôi sợ rằng, khi bộ luật này ra thì lập tức nó đã bị lạc hậu bởi sự phát triển của công nghệ, bởi ở đây là vấn đề cạnh tranh thị trường, là vấn đề lách luật. Vì thế bên cạnh việc tránh một luật ống để cố gắng càng cụ thể càng tốt, nhưng sẽ hết sức bất lực nếu chúng ta với mục tiêu là cụ thể tất cả các nội dung của Luật Quảng cáo. Luật Quảng cáo khác với các luật khác. Chúng tôi rất mong có cơ quan quản lý về quảng cáo, ai cũng thấy văn hóa có mặt có lý và truyền thông, thông tin cũng có lý. Nhưng nếu chỉ đặt một cách đơn giản như Điều 6 dự thảo Luật thì tôi thấy sẽ không có hiệu ứng. Chúng ta không mong muốn có thêm những đầu mối, nhưng rõ ràng phải có hình thức thanh tra quảng cáo, nó khá riêng biệt, chứ không giao cho thanh tra văn hóa thuần túy.

 

Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục phát hiện thêm những kẽ hở, những điều thiếu về quảng cáo, thì dự thảo Luật phải có phần mềm để ứng biến được với tình hình. Hôm nay, họ chỉ quảng cáo thế, mai họ dùng nhiều phương thức mới, nhiều khi chúng ta không lường được, nhất là ở đây chúng ta khuyến khích việc tiếp cận đưa ra những công nghệ mới và sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài. Vai trò của hội nghề nghiệp là quan trọng, nó sẽ điều chỉnh những hoạt động trực tiếp của những thành viên để bảo đảm lợi ích chính đáng, đồng thời bảo vệ cả lợi ích của doanh nghiệp truyền thông ở trong nước. Trên thực tế hiện nay, chúng ta chưa có Luật Quảng cáo nên chúng ta chưa khuyến khích, chưa đi đến cùng những quy định cam kết quốc tế về WTO trên lĩnh vực này. Thực tế, theo những điều tra chúng tôi được tiếp cận với các cơ quan dịch vụ về lĩnh vực này, họ nói tỷ trọng, lợi ích chủ yếu là của nước ngoài; các doanh nghiệp trong nước chỉ là người làm thuê, là phết phẩy. Cho nên, chúng ta phải có hình thức khuyến khích cho những doanh nghiệp trong nước như là một ngành kinh tế lớn và sẽ ngày càng phát triển trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, chúng tôi tán thành với cố gắng có luật sớm, nhưng luật này phải được thực thi. Nếu không đưa ra, nhất là quy trình làm văn bản dưới luật chậm chạp thì có thể sẽ gây hỗn loạn.

 

ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau): Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn sau khi Luật ban hành, ngành công nghiệp quảng cáo của nước ta sẽ tăng trưởng ra sao? 

 

Tôi đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Quảng cáo, nhưng Tờ trình của Chính phủ chưa nêu được rõ vị trí và những đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp quảng cáo đối với nền kinh tế đất nước. Do đó, không có đánh giá tác động của dự án luật đối với sự phát triển của ngành quảng cáo như một ngành công nghiệp sáng tạo với tổng giá trị thực hiện hàng năm khoảng 20.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng, khi xem xét các dự án luật thì phải đánh giá tác động của dự án luật đối với đối tượng đại diện thuộc diện điều chỉnh của luật, đánh giá được cả tác động tích cực và tác động không mong muốn. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ làm rõ hơn: sau khi Luật ban hành, ngành công nghiệp quảng cáo của nước ta sẽ tăng trưởng ra sao? Sẽ có những đóng góp cụ thể nào đối với nền kinh tế?

 

Dự án Luật chưa đưa ra được so sánh theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục cải cách hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, tháo gỡ những ách tắc hiện nay so với những quy định hiện hành. Theo tôi được biết, để có được một quảng cáo ngoài trời thì cần tới 12 con dấu và ngành văn hóa thay vì chỉ tập trung vào kiểm tra nội dung quảng cáo thì lại làm cả chức năng quản lý xây dựng cơ bản. Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quảng cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã nêu rõ những bất cập này.

 

Dự án Luật chưa làm rõ được sự phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo nên có thể dẫn đến việc quảng cáo sẽ phải chịu sự quản lý của quá nhiều cơ quan, gây lãng phí xã hội, cản trở sự phát triển và đóng góp tích cực của ngành quảng cáo đối với nền kinh tế. Với 80% thị phần quảng cáo trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cũng như xu hướng phát triển của ngành thì việc đề nghị Chính phủ giao hoạt động quản lý nhà nước về quảng cáo cho ngành thông tin và truyền thông là hoàn toàn có thể hiểu được.

 

Dự án luật cần bao quát đầy đủ các hình thức hoạt động quảng cáo hiện đại như trên các mạng xã hội, blog, trên phương tiện cá nhân, trên các loại hình game online, màn hình laptop, quảng cáo theo kiểu thay đổi nội dung thường xuyên theo nhu cầu của các doanh nghiệp và nhiều loại hình khác cũng như xu hướng phát triển của các hình thức này trong tương lai. Điều này nhằm có thể điều chỉnh kịp thời mà không cần phải sửa đổi luật. Chính vì thế, việc làm rõ nội dung của dự án Luật là hướng tới điều chỉnh nội dung văn hóa, bảo đảm thuần phong mỹ tục và bản sắc dân tộc của quảng cáo hay điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến sự phát triển của một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, mang tính sáng tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ đắc lực cho các ngành kinh tế khác phát triển, quảng bá hình ảnh quốc gia, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước? Đây là việc làm cần thiết và bảo đảm sự thành công của dự án luật.


    Ý kiến bạn đọc