Thêm một điểm nhấn trong tiến trình dân chủ, đổi mới ở Quốc hội
EmailPrintAa
09:03 27/03/2012

Ngày 26.3, UBTVQH, Phiên họp thứ Sáu đã có ngày chất vấn Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ. Phiên họp của UBTVQH không bó hẹp trong Hội trường 37 Hùng Vương mà được mở rộng ra cả nước, từ điểm mút phía bắc cho đến tận cùng dải đất hình chữ S bằng phương pháp trực tuyến.
Tất cả đã vào cuộc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đã chất vấn bộ trưởng với tư cách là một ĐBQH hơn là người chủ trì cuộc họp...
Đây lại thêm một điểm nhấn trong tiến trình dân chủ, đổi mới ở QH Khóa XIII

* Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Tình trạng quá tải có trách nhiệm của xã hội và trách nhiệm của ngành y

* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Sẽ tập trung sửa đổi chế độ, chính sách với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã






Ngày 26.3, tiếp tục Phiên họp thứ Sáu, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai thành viên của Chính phủ.

Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của UBTVQH Khóa XIII. Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là hoạt động dân chủ, trí tuệ và tiếp tục đổi mới với tinh thần nhà nước của chúng ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân nên sự gắn kết giữa QH với đồng bào cử tri cả nước, sự gắn kết giữa Chính phủ với nhân dân cả nước ngày càng được mở rộng. Từ sau Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII đến nay, Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp của QH đã được triển khai rộng rãi. Những vấn đề QH yêu cầu đã và đang được Thủ tướng, Chính phủ và các Bộ trưởng triển khai tích cực. Kết quả này cho thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn rất hữu ích, thể hiện tính dân chủ rộng rãi, sự gắn kết giữa ĐBQH, Chính phủ, các Bộ trưởng với nhân dân để nhân dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình đối với các ĐBQH, QH và cũng thực hiện được quyền giám sát của mình đối với các Bộ trưởng đã được QH phê chuẩn.

Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH và các ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tập trung vào 3 lĩnh vực: bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân; nguồn nhân lực và vấn đề y đức.

Giải trình chất vấn bằng văn bản của một số ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, hiện nay nguồn lực tài chính cho y tế có nhiều nguồn; trong đó, ngân sách nhà nước chiếm khoảng 7% tổng chi ngân sách hàng năm, nếu tính cả vốn trái phiếu Chính phủ thì chiếm khoảng 7,55%; nguồn thu từ bảo hiểm y tế thanh toán viện phí, phí và lệ phí khác khoảng 40 nghìn tỷ đồng/năm, trừ ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán lại cho các bệnh viện thì số thu từ các nguồn này còn lại khoảng 29 nghìn tỷ đồng mỗi năm; các nguồn vốn xã hội hóa khác khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng, dân số tăng, số đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế ngày càng tăng nên nhu cầu đầu tư cho các cơ sở y tế ngày càng lớn, trong khi đó, nguồn lực đáp ứng còn thấp, chưa kịp thời so với các nhu cầu tối thiểu, nhất là đối với các bệnh viện đầu ngành của Trung ương và các thành phố lớn. Các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nhằm tăng năng lực phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đưa dịch vụ y tế có chất lượng về gần dân – là giải pháp quan trọng để giảm dần tình trạng quá tải, nằm ghép cho các bệnh viện tuyến Trung ương và các thành phố lớn, thực hiện chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân được QH giao. Song, do phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho y tế còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguồn lực không đủ nên việc bảo đảm khám chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao chất lượng tuyến dưới, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên là rất khó khăn.

Tuy nhiên, chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, thực tế, nguồn lực dành cho y tế không phải là ít. Báo cáo của Bộ trưởng cũng cho thấy, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án của ngành y tế rất nhiều. Song, tiến độ hoàn thành rất chậm, chỉ đạt khoảng 32%. Trong khi đó, Bộ trưởng lại kiến nghị thời gian tới, QH và Chính phủ tăng thêm ngân sách chi đầu tư phát triển cho ngành y tế từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Đề nghị như vậy có đi ngược với chủ trương cắt giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát của Chính phủ hay không?

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đây là vấn đề rất lớn. Biện pháp số một là phải tăng số giường, kể cả tuyến Trung ương, tuyến huyện và kể cả tuyến tỉnh. Giải pháp thứ hai là tăng cường cơ sở vật chất của tuyến huyện, tuyến tỉnh để bệnh nhân không lên tuyến trên. Hiện, Bộ Y tế đã xây dựng một Đề án cấp Bộ song song với Đề án Trung ương là xây dựng các bệnh viện vệ tinh theo sự chỉ đạo của các bệnh viện Trung ương về các chuyên ngành nội, ngoại. Thứ ba là đào tạo thêm nguồn cán bộ và tăng cường cán bộ tuyến dưới bằng Đề án luân chuyển cán bộ, dù việc luân chuyển này – theo Luật Giáo dục và Đào tạo – rất nan giải – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, tình trạng quá tải có trách nhiệm của xã hội và trách nhiệm của ngành y. Xã hội chưa thật đầu tư ngân sách và các chính sách. Còn bản thân ngành y tế cũng tạo nên kỹ thuật phân tuyến, cứ phân tuyến theo tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến huyện mãi mãi suốt đời là bệnh viện tuyến huyện. Tới đây sẽ phân tuyến theo năng lực, bệnh viện tuyến huyện có thể nâng cao năng lực nếu tốt thành bệnh viện hạng 1 và có thể thực hiện các kỹ thuật cao, bệnh viện tuyến tỉnh nếu năng lực có thể thành bệnh viện đặc biệt. Phân tuyến kỹ thuật như vậy để bớt bệnh nhân lên tuyến trên, giảm tải. Cũng theo Bộ trưởng, tới đây, quy chế về chuyển viện phải ngặt nghèo hơn. Hiện nay, bệnh nhân có thể vào bệnh viện huyện, nhưng lại lên thẳng bệnh viện Trung ương và tạo nên một sự quá tải ảo, nhiều bệnh có thể chữa được ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, nhưng người dân có điều kiện, rồi tâm lý là cứ lên thẳng trên bệnh viện y tế tỉnh, Trung ương đã tạo nên sự quá tải không cần thiết và sự lây nhiễm bệnh viện rất lớn.

Liên quan đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong ngành y tế, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nêu thực trạng, các phòng khám tư nhân ăn theo các bệnh viện công quá nhiều đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và tài chính của người bệnh cũng như người dân nói chung. Bộ trưởng có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có tình trạng này bởi lẽ trong giai đoạn hiện nay, khi chưa cấp đủ ngân sách, cơ sở vật chất còn chật chội, lương thấp, máy móc không mua được. Nếu không có cơ chế công tư kết hợp này thì thời gian qua các bệnh viện không thể tiến hành được các kỹ thuật tiên tiến. Bộ trưởng cam kết, khi KT-XH phát triển đến một giai đoạn nhất định, ngân sách nhà nước gần như phải chi hết đối với y tế thì công phải ra công, tư phải ra tư. Tuy nhiên, chất vấn về cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa có quan niệm rõ ràng về vấn đề quản lý công – tư trong các cơ sở y tế.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH và các ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình, tập trung vào vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; chế độ chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn; nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở.

Về vấn đề chế độ, chính sách với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, các ĐBQH cho rằng, lực lượng cán bộ này có chất lượng, thời gian làm việc tương đương như cán bộ chuyên trách, song chế độ, chính sách lại thấp hơn. Điều này khiến nhiệt huyết của cán bộ không chuyên trách giảm, trong khi, để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã được đặt ra thì rất cần có sự tham gia của lực lượng cán bộ này trong chính quyền cơ sở. Theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Kiên Giang), cán bộ không chuyên trách ở cấp xã đang ba không gồm: không được xếp lương theo bằng cấp, không được nâng lương theo năm công tác, không thuộc lực lượng thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc. Điều này khó khuyến khích cán bộ có năng lực cống hiến ở cơ sở. Các ĐBQH đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra các giải pháp để giữ chân lực lượng cán bộ này, cũng như khắc phục những hạn chế của chế độ, chính sách hiện hành. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, với thực tiễn công tác tại địa phương của mình, Bộ trưởng rất chia sẻ những băn khoăn của các ĐBQH về lực lượng cán bộ này. Hơn nữa, cơ sở là nơi tiếp nhận, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, Bộ Nội vụ đã được Đảng, Nhà nước giao xây dựng hai đề án về chế độ, chính sách với cán bộ cấp phường, xã; chế độ, chính sách với cán bộ về công tác tại địa bàn khó khăn. Trên cơ sở hai đề án này, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu với Chính phủ những chế độ, chính sách mới đối với cán bộ cấp phường, xã để phù hợp hơn với điều kiện địa phương hiện nay. Trước mắt, Bộ Nội vụ sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị, Bộ trưởng cần nêu rõ thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92 để người dân, ĐBQH có thể giám sát, theo dõi. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, Bội Nội vụ sẽ thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92 trong tháng 4.2012.

Với vấn đề nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, thực trạng hoạt động của chính quyền cơ sở cho thấy, trong ba năm vừa qua, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã có tác động đến hoạt động của chính quyền ở các địa phương không thực hiện thí điểm. Bộ trưởng có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền tại những địa phương không thực hiện thí điểm? Ở góc nhìn khác, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu thực tế, hiện nay nhiều văn bản hướng dẫn việc triển khai chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường chưa được ban hành. Đặc biệt là những vướng mắc các địa phương thực hiện thí điểm kiến nghị từ khi bắt đầu triển khai chủ trương này đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Do đó, các địa phương đang gồng mình để thực hiện chủ trương này và rất cần những văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, Bộ Nội vụ sẽ sớm tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho các địa phương. Đồng thời, sẽ tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo cho HĐND các cấp nói chung, nhất là địa bàn không tổ chức thí điểm không có tâm lý ngần ngại chờ đợi kết quả thực hiện thí điểm. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, Bộ Nội vụ sẽ rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đạt tiêu chuẩn và chưa đạt tiêu chuẩn, trên cơ sở đó phân loại để đưa đi đào tạo đối với người còn đủ điều kiện công tác, nghiên cứu giải quyết cho nghỉ việc đối với người không đủ điều kiện công tác, bảo đảm phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chế độ phụ cấp phù hợp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; nghiên cứu đề xuất áp dụng rộng rãi cơ chế khoán ngân sách và tự chủ tài chính cho cấp cơ sở...


    Ý kiến bạn đọc