UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
EmailPrintAa
16:42 23/06/2013

Tiếp tục Phiên họp thứ 6, sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày, qua 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc quy định thống nhất chính sách quản lý thu thuế; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Nhà nước, xã hội trong công tác quản lý thuế; tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, nộp đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KT - XH đã phát sinh một số vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Luật Quản lý thuế cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển. Dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 Điều trong tổng số 120 Điều của Luật hiện hành, liên quan đến 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung, bao gồm nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế gồm 6 nội dung, trong đó chủ yếu liên quan đến các nội dung sửa đổi theo yêu cầu của Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 25/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách, hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế gồm 4 nội dung; nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan gồm 11 nội dung.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sửa đổi Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan… Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng cho biết, nhiều quy định trong Dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể; nhiều nội dung quan trọng còn giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định bằng văn bản dưới luật; cả Luật Quản lý thuế hiện hành và Dự thảo Luật còn thiếu các quy định bảo đảm cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt những sai phạm trong việc trốn thuế và chậm nộp thuế. Báo cáo thẩm tra đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm trong Luật Quản lý thuế hiện hành một số nội dung về khoán thuế; nghĩa vụ của người nộp thuế; khai thuế, đăng ký thuế; ấn định thuế; cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; chế tài xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với cơ quan quản lý thuế.

Hầu hết các ý kiến Ủy viên UBTVQH thống nhất cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế là cần thiết. Các thành viên đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ của Bộ Tài chính; cơ bản tán thành với những vấn đề được đưa ra sửa đổi theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính - Ngân sách. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc nhiều nội dung quan trọng, có tính cốt lõi của dự án Luật được giao cho Chính phủ quy định. Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nhiều điều khoản quan trọng không nên giao cho Chính phủ. Vấn đề xóa nợ nên giao cho Bộ Tài chính, không nên đưa về Chính phủ, thậm chí giao thẳng cho Bộ trưởng Bộ Tài chính. Về mức thu chậm nộp thuế, Chủ nhiệm UB Kinh tế cho rằng mức thu chậm nộp thuế mà Dự án Luật đề xuất là thấp. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, cần đẩy cao các chế tài xử lý vi phạm về trốn thuế, khai thiếu thuế, mức phạt phải trên mức cho vay mới đủ sức răn đe. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Dự án Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn quá nhiều điểm, nên hạn chế giao cho Chính phủ quy định những vấn đề về chính sách quản lý thuế, đặc biệt là nội dung quan trọng như quy định về xóa nợ thuế. Dự án Luật cũng cần quy định cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện xóa nợ thuế. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, cần phải thận trọng khi áp dụng quản lý thuế theo cơ chế rủi ro và phải tăng cường công tác kiểm tra.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Dự án Luật cần nhận định rõ hơn những hành vi tiêu cực của người nộp thuế và những hành vi tiêu cực của người thu thuế. Hiện đại hóa, tin học hóa mối quan hệ giữa người nộp thuế, người thu thuế và người giữ tài khoản thuế sẽ giúp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, kiểm soát và chống tiêu cực tốt nhất. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, chế tài xử phạt cần phải phân mức và phải tính đến tính nhân văn, những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề hiện đại hóa trong quản lý thuế phải chú ý phù hợp với những cam kết quốc tế, thông lệ quốc tế và cần tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý thuế. Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến, nên quy định trường hợp rủi ro trong Luật này, đồng thời phải có Điều giải thích thế nào là rủi ro trong quản lý thuế. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện đồng ý nên có quy định về hoàn thuế trước và kiểm tra sau, tuy nhiên cần phải có thêm quy định nữa là những trường hợp nào bắt buộc phải kiểm tra và phải có thời hạn kiểm tra. Việc xóa nợ tiền thuế trong Luật cần quy định chặt chẽ tiêu chí quản lý, điều kiện xóa nợ, phân quyền việc xóa nợ như thế nào? Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thời hạn thi hành nêu trong Dự luật là 1/1/2014 là quá dài, nên rút ngắn lại nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống.

+ Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 và các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.


    Ý kiến bạn đọc