Đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách làm. Góp phần kiến tạo sự phát triển
EmailPrintAa
12:18 27/09/2022

Sáng 27/9/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 đã diễn ra bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), đồng thời, được kết nối trực tuyến với 49 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà cùng dự.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh Quochoi.vn)

Khai mạc hội nghị, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; trong đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác giám sát của Quốc hội là phải bảo đảm đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời, phải đáp ứng và gắn với yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị. Chính vì vậy, ngay từ đầu Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề, giám sát bảo đảm sát đúng, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tóm tắt. (Ảnh: Quochoi.vn)

Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm để đề xuất các giải pháp khả thi với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Hội nghị tiếp tục nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh (Ảnh: Baohatinh.vn)

Theo đó, năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác chuẩn bị, tổ chức, tiến hành chất vấn để lại nhiều dấu ấn. Hoạt động giám sát chuyên đề được đổi mới và đạt nhiều kết quả nổi bật. Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các báo cáo, qua đó, kịp thời ban hành những quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022.

Ngoài ra, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường; giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND tiếp tục được quan tâm.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội; căn cứ điều kiện, tình hình thực tế, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong hoạt động giám sát.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp 9 ý kiến thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành các hoạt động xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Quochoi.vn)

Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” (tại Kỳ họp thứ Năm) và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (tại Kỳ họp thứ Sáu).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (tại phiên họp tháng 8.2023) và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” (tại phiên họp tháng 9.2023).

Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị và đánh giá sâu sắc kết quả triển khai công tác giám sát của Quốc hội trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

"Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Nhấn mạnh Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi ĐBQH phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như chỉ đạo và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc