Để cử tri gắn bó chặt chẽ hơn với đại biểu dân cử, trước hết phải có cơ chế kiểm soát hoạt động của đại biểu, cơ chế để đại biểu toàn tâm, toàn lực thực hiện nhiệm vụ cử tri giao phó. Bên cạnh đó, đại biểu dân cử phải thường xuyên nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động. Về phía cử tri cũng cần nâng cao trình độ, nhất là hiểu biết về nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình thực hiện mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri…
Hiến pháp và luật hiện hành quy định: nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua QH và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Việc bầu ĐBQH và HĐND được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu dân cử phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với QH và HĐND, cơ quan nhà nước hữu quan; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình; trả lời yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Khi thực hiện cho thấy ở một số địa phương: các cuộc bầu cử đại biểu dân cử tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao, hiếm có đơn vị bầu cử đại biểu cấp huyện, tỉnh phải bầu lần hai; đại biểu trúng cử đa số đạt tỷ lệ phiếu cao; số đại biểu có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động ở nhiệm kỳ sau nhiều hơn nhiệm kỳ trước; hàng năm hoạt động của các đại biểu dân cử được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, rất ít đại biểu không hoàn thành... Song vẫn có hiện tượng cử tri chưa gần gũi với đại biểu dân cử; các nội dung trình kỳ họp HĐND khi xin ý kiến rất ít cử tri tham gia; vấn đề công dân bức xúc ít đến phản ánh cơ quan dân cử và đại biểu dân cử ở địa phương; khi xuất hiện điểm nóng ở địa phương, đại biểu dân cử đại diện cho cử tri nơi đó chậm vào cuộc, có đại biểu còn biểu hiện né tránh. Đại biểu TXCT chủ yếu trước, sau kỳ họp, số cử tri tham dự mỗi cuộc tiếp xúc không nhiều, chủ yếu là “cử tri chuyên nghiệp”; hàng tháng đại biểu dân cử dành riêng ngày tiếp dân còn ít; việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm, chưa thuyết phục...
QH và HĐND là cơ quan do nhân dân ủy nhiệm một phần quyền trực tiếp cho ĐBQH và HĐND để đảm nhận công việc chung cho cộng đồng, đó là duy trì trật tự chung, điều hành hoạt động chung, bảo vệ cộng đồng không bị xâm phạm từ bên ngoài. Nhưng tại sao có hiện tượng cử tri chưa gắn bó chặt chẽ với người đại diện cho mình là đại biểu dân cử. Cần nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau:
Trước hết là về phía đại biểu dân cử: nhiều nơi danh sách ứng cử viên ở mỗi đơn vị bầu cử còn chênh lệch lớn về trình độ, kinh nghiệm công tác. Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền cho các ứng cử viên chủ yếu là phản ánh tiểu sử, quá trình công tác, chưa cung cấp được thông tin để cử tri đánh giá chất lượng và khả năng hoạt động khi được ủy quyền nên chất lượng một số đại biểu chưa ngang tầm nhiệm vụ. Đại biểu dân cử trực tiếp sinh hoạt, công tác ở đơn vị bầu cử không nhiều, chủ yếu ở cấp trên, lại hoạt động kiêm nhiệm, công tác chuyên môn là chính nên gặp trực tiếp cử tri nơi trúng cử thường chỉ vào các buổi tiếp xúc trước, sau mỗi kỳ họp, ít có thời gian sâu sát nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng. Mỗi đợt gặp gỡ, tiếp xúc lại ở một địa điểm khác nhau; quy trình tiếp xúc đã quy định rõ song đại biểu nhiều khi bị động vì chưa nắm rõ sự việc ở cơ sở và quy định cụ thể của pháp luật. Các cơ quan hữu quan cử người tham gia trả lời trực tiếp tại buổi tiếp xúc cũng không thể hết và cụ thể được toàn bộ. Do vậy, ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu phải xin tiếp thu để chuyển về tổ đại biểu, cơ quan liên quan xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, việc đôn đốc, giám sát và trả lời trực tiếp cho cử tri chưa được thực hiện tích cực; có nơi cử tri nhiều lần có ý kiến, kiến nghị với đại biểu nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Kỳ họp là hình thức hoạt động chủ yếu của cơ quan dân cử, mỗi kỳ họp tài liệu rất nhiều, nội dung phong phú, nhưng gửi đại biểu nghiên cứu, xin ý kiến cử tri rất gấp (HĐND cấp tỉnh chưa được 10 ngày), mỗi đại biểu am hiểu sâu một số lĩnh vực. Vì vậy, đại biểu chuyển tải nội dung xin ý kiến cử tri gặp khó khăn.
Từ phía cử tri: đa số cử tri khi đi bầu cử tin tưởng vào sự giới thiệu của cấp ủy Đảng, của cử tri nơi cư trú, nơi công tác và các tổ chức liên quan; chưa quan tâm tìm hiểu nhiều về phẩm chất, năng lực chuyên môn của các ứng cử viên trước khi bầu. Nhiều cử tri chưa đeo bám đến cùng với đại biểu dân cử mình bầu ra để yêu cầu đôn đốc giải quyết và trả lời dứt điểm ý kiến, kiến nghị của mình. Mặt khác, ý kiến, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc chủ yếu về nội dung cụ thể liên quan trực tiếp đến lợi ích cá nhân cử tri. Một số địa phương đưa chuyên đề trình HĐND tỉnh lên phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhưng rất ít cử tri quan tâm, tham gia đóng góp. Thực chất, mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri nơi bầu ra chưa chặt chẽ, hình thức hoạt động chưa phong phú; cử tri chưa yêu cầu đại biểu cung cấp quy định nội quy làm việc để khi cần sẽ liên lạc hoặc gặp trực tiếp để kiến nghị, yêu cầu.
Ba là do quy định của pháp luật chưa cụ thể và chặt chẽ: Luật quy định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu được bầu của mỗi đơn vị do UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn, cấp tỉnh là Chính phủ; đối với đơn vị bầu cử ĐBQH bầu không quá 3 đại biểu... Do vậy, mỗi đợt bầu cử, cử tri theo dõi các ứng cử viên để lựa chọn, so sánh gặp khó khăn, nhiều trường hợp chỉ dựa vào lý lịch trích ngang, chưa am hiểu chất lượng hoạt động của các ứng cử viên; tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên chưa cao. Mặt khác, luật chưa quy định cơ chế cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của đại biểu dân cử phải thực sự gắn bó chặt chẽ với cử tri nơi bầu ra; chế tài xử lý kỷ luật đại biểu dân cử không hoàn thành nhiệm vụ với cử tri cũng chưa rõ. Đây là những rào cản làm cho mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu dân cử chưa gắn bó.
Để khắc phục những hạn chế trên, trước hết nhân dân phải có cơ chế kiểm soát hoạt động của đại biểu dân cử. Cơ chế đó phải được ghi trong hiến pháp làm cơ sở triển khai trong hệ thống pháp luật như: mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư và chỉ bầu 1 đại biểu đại diện cho cử tri ở đơn vị đó; đại biểu không thực hiện đúng nhiệm vụ hoặc có 50% cử tri đề nghị bãi miễn thì nghiễm nhiên không còn xứng đáng là người đại diện cử tri nơi đó; mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu dân cử cần được quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên, chế tài xử lý khi không thực hiện đúng. Mặt khác, các đại biểu dân cử phải thường xuyên nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động; có cơ chế để đại biểu toàn tâm, toàn lực thực hiện nhiệm vụ cử tri giao phó; đồng thời các tổ chức quản lý đại biểu dân cử phải có thẩm quyền khen thưởng, xử lý kỷ luật đại biểu. Đối với cử tri cũng cần nâng cao trình độ, nhất là hiểu biết về nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình thực hiện mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri để nhân dân biết, thực hiện; có cơ chế để nhân dân được hưởng trợ giúp pháp luật miễn phí khi cần... Được vậy, cử tri sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với đại biểu dân cử, cơ quan dân cử cũng sẽ hoạt động chất lượng và hiệu quả hơn.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)