Quy chế hoạt động của HĐND quy định cụ thể thời gian chuyển tài liệu đến Thường trực, các ban, đại biểu HĐND. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do, quy định về thời gian chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc sử dụng thời gian tại kỳ họp HĐND cũng chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng kỳ họp HĐND
Khi ban hành Quy chế hoạt động của HĐND, việc đưa ra những quy định về thời gian, thời hạn đã được tính toán kỹ lưỡng (đã được lấy ý kiến đến HĐND các địa phương) để Thường trực, các ban và đại biểu HĐND có thể thực hiện có chất lượng nhiệm vụ của mình. Điều 8 của Quy chế quy định: chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND cấp tỉnh, 10 ngày đối với HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã, dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình HĐND phải được gửi tới Thường trực, các ban HĐND; chậm nhất 5 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND gửi đến đại biểu HĐND dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình HĐND, báo cáo thẩm tra của ban HĐND và các tài liệu cần thiết khác.
Như vậy, thời gian chuyển tài liệu được quy định cụ thể và ở mỗi công đoạn đều có lượng thời gian đủ để Thường trực, ban và đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ của mình. Như đối với thời gian chuyển tài liệu đến Thường trực, ban HĐND, nếu được thực hiện nghiêm túc thì trong khoảng thời gian 10 ngày đối với HĐND cấp tỉnh, 5 ngày đối với HĐND cấp huyện và cấp xã (tính đến thời điểm chuyển tài liệu đến đại biểu HĐND) đủ để Thường trực HĐND xem xét, các ban HĐND thẩm tra. Hay việc chuyển tài liệu đến đại biểu HĐND trước ngày khai mạc kỳ họp 5 ngày, đủ để đại biểu HĐND đọc, nghiên cứu và có thể thu thập thêm những tài liệu cần thiết để đóng góp ý kiến của mình tại kỳ họp. Tuy nhiên, không phải HĐND nào cũng thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian, thời hạn. Tình trạng phổ biến là việc các cơ quan soạn thảo dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án chuyển đến Thường trực, các ban HĐND vài ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Từ việc chậm thời gian đó dẫn đến các ban HĐND không có đủ thời gian để nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm tra nên chất lượng thẩm tra còn hạn chế. Cũng do chuyển tài liệu đến đại biểu HĐND chậm (nhiều trường hợp chuyển tài liệu đến đại biểu HĐND trước giờ khai mạc kỳ họp, hoặc trong quá trình tổ chức kỳ họp) nên đại biểu HĐND không thể có được những ý kiến chất lượng, thậm chí không thể phát biểu ý kiến, do không có thời gian nghiên cứu.
Để nâng cao chất lượng kỳ họp, HĐND nhiều địa phương đã có những giải pháp để việc gửi tài liệu kỳ họp tuân thủ, thực hiện đúng quy định về thời gian, thời hạn, như: không xem xét, thông qua các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết chuyển đến Thường trực, các ban và đại biểu HĐND chậm; tổ chức họp rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm trong việc vi phạm quy định về thời gian, thời hạn gửi tài liệu. Tuy nhiên tình trạng chuyển tài liệu chậm vẫn diễn ra, nhưng vì chương trình của kỳ họp đã được thống nhất, tổ chức họp báo; nhiều chế độ, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND, đề án quan trọng cần được thông qua để sớm tổ chức thực hiện nên HĐND vẫn quyết định thông qua tại kỳ họp. Một vấn đề khác là tình trạng nể nang với cơ quan soạn thảo văn bản, nhất là đối với UBND nên các dự thảo nghị quyết, đề án, tờ trình chưa được chuyển đúng thời gian, thời hạn vẫn…vượt rào.
Như đã nói ở trên, với nhiều giải pháp, HĐND các địa phương đã cố gắng chuyển tài liệu đến Thường trực, các ban và đại biểu HĐND trong thời gian sớm nhất, như chuyển qua thư điện tử, chuyển trực tiếp, chuyển phát nhanh (đối với những đại biểu ở xa)… nhưng vẫn còn tình trạng chưa tận dụng được thời gian. Vì nhiều lý do khác nhau, một số đại biểu chưa thực sự tập trung để nghiên cứu, xem xét, nhất là đối với những đại biểu hoạt động kiêm nhiệm. Vì vậy, quá trình thẩm tra, các ý kiến chủ yếu của lãnh đạo ban chuyên trách và chuyên viên được giao nhiệm vụ giúp ban thẩm tra. Và cũng chính vì chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc xem xét, nghiên cứu tài liệu nên quá trình thảo luận tại kỳ họp chưa tạo được không khí sôi nổi với những ý kiến chất lượng.
Một vấn đề khác là việc sử dụng thời gian tại kỳ họp. Thông thường, kỳ họp thường kỳ của HĐND cấp tỉnh diễn ra trong khoảng 3 - 4 ngày, cấp huyện từ 1,5 - 2 ngày; kỳ họp chuyên đề ngắn hơn, tùy thuộc vào nội dung của kỳ họp. Để sử dụng hiệu quả thời gian của kỳ họp, hầu hết HĐND các địa phương đã chọn giải pháp trình bày tóm tắt báo cáo, đề án, tờ trình; dành thời gian cho việc thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; giải trình của các cơ quan chức năng; giới hạn thời gian phát biểu thảo luận của từng đại biểu... Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào, kỳ họp nào cũng tận dụng, sử dụng hiệu quả thời gian. Có HĐND cấp tỉnh dành hơn 1 - 1,5 ngày cho việc thảo luận, giải trình. Nhưng khi tiến hành thảo luận, do chưa nghiên cứu kỹ các tài liệu của kỳ họp, chưa phát huy hết trách nhiệm của đại biểu nên thời gian thảo luận bị rút ngắn, biểu hiện rõ nhất là những phiên thảo luận chỉ chờ hết giờ hoặc kết thúc sớm trước giờ.
Thực hiện đúng quy định về thời hạn và sử dụng hiệu quả thời gian trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ họp tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Để có kỳ họp chất lượng, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của đông đảo cử tri thì việc thực hiện đúng quy định về thời gian, thời hạn chuyển tài liệu; sử dụng hiệu quả thời gian để nghiên cứu, xem xét, thẩm tra, thảo luận không thể xem nhẹ.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)