Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND
EmailPrintAa
16:21 28/12/2012

 

 

Ngày 28/12/2012, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Thiều Đình Duy- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 4 nhiệm kỳ 2011- 2016. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã trình bày tham luận tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

 

 

Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và mối quan hệ giữa các cơ quan này với nhau đã được Hiến pháp 1992 quy định tại các  Điều 119, 123, 125; được cụ thể hóa tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (Điều 1, Điều 2, Điều 9), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 (Điều 1, Điều 5) và Quy chế hoạt động của HĐND (Từ Điều 67 đến Điều 73).

Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu -Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh trình bày bài tham luận tại Hội nghị

         

Bám sát các quy định của luật và yêu cầu nhiệm vụ, trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp công tác với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh trên cả 2 phương diện: Đảm bảo sự lãnh đạo và quan hệ công tác của Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ tỉnh; mối quan hệ phối hợp trên từng lĩnh vực hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh với Lãnh đạo UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh.

          Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất quy chế phối hợp công tác với UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, xác định rõ nguyên tắc phối hợp hoạt động giữa từng cơ quan với nhau và các nội dung phối hợp cụ thể. Theo đó, để nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào việc chuẩn bị dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp HĐND; dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình HĐND; giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương; tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết trong thời gian giữa hai kỳ họp; tổ chức tiếp xúc cử tri, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp trong hoạt động giám sát, kiểm tra; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; tiếp nhận kiến nghị của các cơ quan về tham gia giám sát xây dựng chính quyền.v.v...Tăng cường và thực hiện tốt mối quan hệ giữa HĐND với UBND tỉnh là mối quan hệ giữa cơ quan quyết định và cơ quan chấp hành; giữa HĐND với Ủy ban MTTQ tỉnh là quan hệ phối hợp, tạo điều kiện để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh đảm bảo đúng luật định, phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trong công tác hiệp thương, tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử. Phối hợp với UBND tỉnh trong chỉ đạo tổ chức bầu cử. Do vậy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của tỉnh đã thành công tốt đẹp, cơ bản đảm bảo đúng cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu; chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được nâng lên so với nhiệm kỳ trước.

Một trong những nội dung được đánh giá cao trong công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh là công tác chuẩn bị các kỳ họp HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên để về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp HĐND tỉnh, trong đó quy định các nội dung của kỳ họp cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan.

Để kỳ họp HĐND đạt chất lượng, hiệu quả, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị liên tịch, thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp cũng như lịch tiếp xúc cử tri. Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Thường trực HĐND, Uỷ ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa đại biểu HĐND tỉnh với cử tri.Các hội nghị tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, địa điểm, nội dung và đối tượng tiếp xúc được mở rộng đến thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp; trong năm 2012, đã phối hợp tổ chức được 98 điểm tiếp xúc cử tri thuộc 12 huyện, thị, thành phố, với hơn 11.700 lượt cử tri tham gia. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri đều có sự tham gia của đại diện UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, cán bộ, chuyên viên của Ủy ban MTTQ tỉnh để trực tiếp giải trình trước đại biểu HĐND tỉnh và cử tri những vấn đề hội nghị đặt ra; điều này đã đem lại hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao chất lượng hội nghị tiếp xúc cử tri. Sau hội nghị, các tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo địa phương tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi tới Kỳ họp HĐND tỉnh (qua 3 kỳ họp đã tổng hợp được 109 nhóm ý kiến, kiến nghị). Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo trả lời của UBND tỉnh, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nhìn chung, đa số ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng nghiêm túc nghiên cứu, từng bước giải quyết thấu tình, đạt lý, được cử tri và nhân dân đồng tình.

Toàn cảnh hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 4 nhiệm kỳ 2011- 2016

 

Trong công tác chuẩn bị báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh, ngoài các cuộc làm việc, giám sát, khảo sát theo chương trình trước kỳ họp, các ban HĐND tỉnh đã tham gia từ đầu với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng các đề án, báo cáo, dự thảo nghị quyết. Một số đề án và nghị quyết chuyên đề đã được các ban HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân trước khi hoàn thiện hồ sơ, tài liệu gửi đến Kỳ họp.

Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh đã phối hợp tốt với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh và xử lý những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh của UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc phát động các phong trào thi đua thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nghị quyết của HĐND tỉnh. Giữa hai kỳ họp, đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND trình xin ý kiến, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã phối hợp tổ chức thẩm định, kiểm tra, khảo sát để tạo sự thống nhất cao giữa hai cơ quan, đảm bảo việc quyết định đúng pháp luật và quy định của nhà nước; trong năm 2012, đã ban hành 18 văn bản, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế.v.v...Đối với những nội dung quan trọng, nhạy cảm, có tác động ở phạm vi rộng thì thông báo tới Ủy ban MTTQ tỉnh để phản biện xã hội và theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của chính quyền.

Trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh, đã có sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh. Các cuộc giám sát đều mời đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia xây dựng kế hoạch giám sát và cử người tham gia hoạt động giám sát với đoàn giám sát. Để các cuộc giám sát đạt chất lượng cao, Thường trực HĐND tỉnh và UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn có sự trao đổi, cung cấp thông tin các nội dung về lĩnh vực giám sát; báo cáo kết quả giám sát đã chú trọng đến các các ý kiến, kiến nghị của Ủy ban MTTQ tỉnh. Việc phối hợp giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm thông qua các cuộc tiếp dân định kỳ hàng tháng; trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tốt một số cuộc tiếp công dân tại huyện và trực tiếp giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thực hiện quy chế phối hợp công tác, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đã quan tâm đến công tác tham gia xây dựng các dự thảo Luật, Pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật khác và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hằng năm, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đãchủ trì phối hợp với UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh thống nhất kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự án Luật, Pháp lệnh.

Ngoài ra, việc phối hợp tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu Hội thẩm TAND được thực hiện đúng theo quy định của luật và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trước kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh, Thường trực HĐND thông báo để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hiệp thương lựa chọn giới thiệu Hội thẩm TAND tỉnh;Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phối hợp TAND tỉnh theo dõi và thông báo với Thường trực HĐND tỉnh về tình hình hoạt động của Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh để báo cáo tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh.

 

Từ những kết quả nêu trên, để tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là,với mục đích thực hiện mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cần nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình trong mối quan hệ, đảm bảo nguyên tắc phối hợp, cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Hai là,xây dựng quy chế phối hợp công tác phải toàn diện, cụ thể, phản ánh đầy đủ các nhiệm vụ cần phối hợp; ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, mang tính đặc trưng của mỗi cơ quan để từ đó xác định vai trò chủ đạo của từng cơ quan. Thực hiện nghiêm túc quy chế đã đề ra, định kỳ có sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.

Ba là, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trên các lĩnh vực hoạt động, ngoài việc thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định, cần chú trọng đến yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan liên quan và những tác động từ hiệu quả hoạt động của mình đến cơ quan khác. 

Bốn là, tích cực phối hợp hơn nữa trong giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực.        

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát của HĐND tỉnh. Các cuộc giám sát của HĐND tỉnh nhất thiết phải có sự tham gia của Ủy ban MTTQ, UBND tỉnh để thực hiện tốt việc phản biện xã hội và xử lý chính xác, kịp thời những kiến nghị. 

          Năm là, trong hoạt động tiếp xúc cử tricần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ đại biểu HĐND tỉnh trong việc xây dựng Kế hoạch, lịch tiếp xúc, địa điểm tiếp xúc. Lịch tiếp xúc cử tri phải được thông báo sớm cho đại biểu HĐND tỉnh được biết để chuẩn bị nội dung, đồng thời cần phải xem xét lựa chọn địa bàn tiếp xúc, nên bố trí tiếp xúc tại thôn, tổ dân phố, các xã vùng sâu, vùng xa, nơi đang có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc. Đổi mới các cuộc tiếp xúc cử tri theo hướng mở rộng phạm vi tiếp xúc cử tri. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri cần được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin của địa phương nhằm thu hút đông số lượng cử tri đến dự. Sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri, tổ đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức tiếp xúc cử tri cần kịp thời tổng hợp báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri gửi đến Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh. Chuyển kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết cho đến kết quả cuối cùng. 

          Sáu là, trong hoạt động tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất ngay từ khâu đầu của quá trình chuẩn bị kỳ họp, từ xây dựng chương trình kỳ họp, tổ chức hội nghị liên tịch, đến xây dựng các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, hoạt động giám sát tại kỳ họp, quyết định những nội dung kỳ họp đặt ra và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của kỳ họp. Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh phải đóng vai trò chủ đạo, khâu nối giữa các cơ quan; nêu những yêu cầu và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nội dung kỳ họp đặt ra.

          Bảy là,giữa HĐND tỉnh và UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, cần tăng cường việc trao đổi thông tin về khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó đề xuất các biện pháp giải quyết từ bản chất của vấn đề, đó là đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhận thức và hiểu biết của nhân dân để bảo đảm quá trình thực thi pháp luật; chấp hành nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; đẩy mạnh công tác hòa giải các tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân tại cơ sở.

Tám là,HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần tranh thủ vai trò tích cực của MTTQ và các tổ chức đoàn thể thành viên trong tham giám sát và xây dựng chính quyền. Tăng cường chế độ thông tin, báo cáo với nhau về tình hình hoạt động của mỗi cơ quan để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ và xử lý những vấn đề liên quan; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể nhân dân về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân động viên nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

  Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị:

  - Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND, trong đó quy định rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của HĐND với UBND và các cơ quan liên quan, cũng như quan hệ chỉ đạo, điều hành của Trung ương đối với địa phương.

  - Quốc hội đã có Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 về việc giao Chính phủ xây dựng dự án Luật hoạt động giám sát của HĐND. Hiện nay Chính phủ, Bộ Nội vụ đang triển khai tổng kết, đánh giá thực trạng hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Đề nghị Chính phủ sớm tổ chức tổng kết, hoàn thiện dự án Luật hoạt động giám sát của HĐND, trình Quốc hội ban hành trong năm 2013 để tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp tổ chức tốt các hoạt động giám sát.

  - Đề nghị Quốc hội, Chính phủ định kỳ hằng năm tổ chức hội nghị giao ban Thường trực HĐND toàn quốc, để các địa phương được học hỏi kinh nghiệm hoạt động nhiều hơn ở những vùng, miền trong cả nước.

          Trên đây là tham luận và những kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện mối quan hệ phối hợp công tác giữa HĐND với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh. So với chủ đề hội nghị giao ban lần này đặt ra, tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh chắc chắn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nghị, kính đề nghị quý vị đại biểu góp ý bổ sung để chúng tôi tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn trong thời gian tới.

          Nhân dịp năm mới 2013 và chuẩn bị đón xuân Quý Tỵ, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh, xin kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, chúc HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ năm mới có nhiều thắng lợi mới. Chúc hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ thành công tốt đẹp.

          Xin trân trọng cảm ơn!

 


    Ý kiến bạn đọc