Vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND trong tuyên truyền, phổ biến và giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND
EmailPrintAa
10:13 12/10/2012

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Tại Điều 10 của Luật ghi rõ: khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND ra nghị quyết và giám sát việc thực hiện các nghị quyết đó. Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh là trách nhiệm chung của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân trên địa bàn, trong đó vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh có vị trí hết sức quan trọng.

 

Tuyên truyền, phổ biến nghị quyết

Sau mỗi kỳ họp, HĐND đều ban hành các nghị quyết. Ngoài các nghị quyết về công tác tổ chức cán bộ và các nghị quyết có tính cá biệt để quyết định một vấn đề cụ thể nào đó, còn lại rất nhiều nghị quyết của HĐND cấp tỉnh là các văn bản QPPL hoặc là các nghị quyết về phát triển KT - XH, ANQP của địa phương. Do đó, việc thực hiện các nghị quyết ấy bao giờ cũng cần một khoảng thời gian nhất định, cùng với nó là sự liên quan đến các đối tượng chi phối của nghị quyết và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai thực hiện. Chính vì vậy, công tác phổ biến, tuyên truyền, giải thích nghị quyết là một việc tiên quyết bảo đảm cho nghị quyết phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn. Để thực hiện tốt công tác trên, Thường trực HĐND cấp tỉnh cần chú ý các điểm sau:

Nắm chắc tính chất, đặc điểm và đối tượng tác động của từng nghị quyết mà HĐND tỉnh đã ban hành, Thường trực HĐND tỉnh có kế hoạch phổ biến, chỉ đạo tuyên truyền phù hợp, thiết thực. Đối với các nghị quyết là văn bản QPPL, nhất thiết phải tuân thủ nghiêm các quy định về ban hành văn bản QPPL của HĐND cấp tỉnh (Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Nghị định số 91 ngày 6.9.2006 của Chính phủ...).

Chú trọng phối hợp tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài đăng công báo (đối với văn bản QPPL), Thường trực HĐND tỉnh cần chỉ đạo để nghị quyết HĐND tỉnh được tuyên truyền thường xuyên, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng có tính chất chính thống của địa phương và các hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật khác trên địa bàn. Ngoài ra, cần tranh thủ phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có “Bản tin nội bộ” để tuyên truyền nghị quyết hoặc tóm tắt nội dung cơ bản của nghị quyết. Tích cực thông tin trên cuốn “Thông tin HĐND tỉnh” do Thường trực HĐND tỉnh phát hành tới xã, phường, thị trấn và trưởng các thôn, làng trong toàn tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh cần có các giải pháp, tạo điều kiện để đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tham gia và làm tốt công tác tuyên truyền nghị quyết ở tất cả các nơi đại biểu làm việc, sinh hoạt, cư trú. Làm sao để mỗi khi tiếp xúc cử tri, đại biểu có thể trao đổi sâu với cử tri xung quanh việc nắm bắt cũng như tình hình thực hiện các nội dung của nghị quyết ở địa phương, cơ sở.

Quá trình tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh cần có chỉ đạo, làm rõ những nội dung cũng như các điều kiện cần thiết để thực hiện nghị quyết; cần phối hợp với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để các cơ quan này ban hành những quy định và hướng dẫn cụ thể và kịp thời, để việc triển khai thực hiện nghị quyết được thuận tiện, hiệu quả.

Tuyên truyền, phổ biến, giải thích nghị quyết của HĐND tỉnh là việc làm thường xuyên, liên tục, rộng khắp và xuống tận cơ sở. Với vị trí và điều kiện của mình, Thường trực HĐND tỉnh cần chú trọng tới việc chỉ đạo, phối hợp và phát huy các hoạt động tuyên truyền bằng in ấn tài liệu, báo chí, bằng hình ảnh và tuyên truyền miệng. Hàng năm, biểu dương, khen thưởng những đơn vị, đại biểu HĐND và những cá nhân tích cực trong công tác phổ biến, tuyên truyền nghị quyết của HĐND.

Giám sát thực hiện nghị quyết

Để thúc đẩy và xem xét hiệu quả nghị quyết của HĐND, không thể bỏ qua công đoạn giám sát. Trong đó, trách nhiệm của Thường trực HĐND với vai trò nòng cốt, bộ phận lãnh đạo toàn bộ hoạt động của HĐND có ý nghĩa quan trọng. Để HĐND tỉnh hoàn thành tốt chức năng giám sát nói chung và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của mình, Thường trực HĐND tỉnh cần chú trọng một số điểm dưới đây:

Thường trực HĐND tỉnh phải nắm chắc các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND. Từ đó luôn chủ động, tích cực trong việc đề xuất, vận dụng, chỉ đạo và phối hợp các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong quá trình phổ biến, tuyên truyền cũng như giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND đã ban hành.

Chuẩn bị chương trình giám sát hàng năm của HĐND tỉnh thật sự chu đáo để trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm. Trong đó cần ghi rõ những nghị quyết nào của HĐND đã và sẽ ban hành trong năm cần giám sát để các cơ quan có trách nhiệm tập trung sự chuẩn bị và chủ động ngay từ đầu năm công tác.

Thường trực HĐND tỉnh luôn coi trọng và phát huy tác dụng từng hoạt động giám sát của HĐND và từng chủ thể tiến hành giám sát. Song hết sức chú ý đến việc thành lập các đoàn giám sát của HĐND, của Thường trực và các ban HĐND đối với việc thực hiện các nghị quyết của HĐND đã ban hành. Thực tế cho thấy đây là một trong những hoạt động giám sát mang lại hiệu quả thiết thực nhất hiện nay.

Để đoàn giám sát thực hiện tốt nhiệm vụ, trước hết Thường trực HĐND tỉnh cần chỉ đạo, phối hợp với các ban HĐND xây dựng cho được một kế hoạch giám sát thật toàn diện, chi tiết, cụ thể; bảo đảm các điều kiện cần và đủ để đoàn giám sát tiến hành công việc thuận tiện và đạt được mục đích, yêu cầu của đợt giám sát. Nội dung giám sát cần lựa chọn và tập trung vào những điều cơ bản, cốt lõi của nghị quyết và khi giám sát thì có trọng tâm, trọng điểm, không tham nhiều nội dung, làm đâu kỹ đó, làm đâu được đó.

Thường trực HĐND tỉnh cần chỉ đạo các đoàn giám sát chú ý phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đoàn giám sát. Truyền tải văn bản, thông tin để các đơn vị, các đối tượng giám sát xác định trách nhiệm và tạo điều kiện để đoàn giám sát làm nhiệm vụ thuận lợi với cơ quan, đơn vị mình.

Trong giám sát, Thường trực HĐND cũng như các đoàn giám sát cần chú ý đến tính cộng đồng trách nhiệm, tính xây dựng, phát hiện nhân tố mới hoặc những điều chưa chuẩn, chưa sát của nghị quyết cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung khi điều kiện cho phép. Kết thúc đợt giám sát, các đoàn giám sát phải xây dựng báo cáo kết quả giám sát một cách nghiêm túc, trung thực. Cần khẳng định kết quả, ưu điểm đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn, khuyết điểm của đối tượng hay đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát đưa ra giải pháp hữu hiệu, nhất là phải có những kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện nghị quyết cũng như các cơ quan, đơn vị vừa được giám sát, nhằm bảo đảm nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm, hiệu quả hơn trong thực tiễn.

Tập thể Thường trực HĐND tỉnh cần chủ động nghe các đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát. Trên cơ sở đó, có những xử lý tích cực, kịp thời, đúng luật để những kiến nghị của đoàn giám sát được tiếp thu và thực hiện nghiệm túc. Khi cần thiết có thể nêu vấn đề giám sát ra kỳ họp HĐND gần nhất để các đại biểu xem xét, thảo luận hoặc báo cáo với lãnh đạo cấp ủy để có hướng chỉ đạo.

 

    Ý kiến bạn đọc