Bế mạc trọng thể Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII
EmailPrintAa
11:43 30/11/2013

Kỳ họp lịch sử thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)

Chiều 29.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII đã bế mạc.


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIII
Ảnh: Lâm Hiển
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau hơn một tháng làm việc tích cực, tâm huyết, đoàn kết và đầy trách nhiệm, QH đã hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII. Chủ tịch QH nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Sáu là kỳ họp đặc biệt quan trọng. QH đã xem xét, thông qua Hiến pháp (sửa đổi); quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2014 và những năm còn lại của kế hoạch 5 năm; cũng như nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trước đó, QH đã biểu quyết thông qua 4 dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; Nghị quyết về việc tăng cường triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Với tỷ lệ 95,58% tổng số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012. Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện các mục tiêu như: bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 70% công dân tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2018 đạt ít nhất 80% công dân tham gia. Đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương. Khắc phục tình trạng chênh lệch giá thuốc vô lý tại các địa phương. Chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước và giám định bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm y tế...   

Với 93,98% tổng số ĐBQH tán thành, QH thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết ghi nhận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng với nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Nghị quyết cũng ghi nhận các giải pháp mà Thủ tướng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã cam kết trước QH. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn và báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: UBTVQH đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và chỉnh sửa để làm rõ vai trò của QH, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai. Theo đó, QH có quyền ban hành luật, nghị quyết về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước. HĐND các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định trong Luật; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương. Chính phủ, UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định trong Luật. Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đã bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, thu hồi và trưng dụng đất, bồi thường và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...

Với tỷ lệ 89,96% tổng số ĐBQH có mặt tán thành, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương và 212 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014.

Thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), các ĐBQH cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản hiện hành nhằm khắc phục các quy định chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc áp dụng cũng như điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện. Và trên hết nhằm giải quyết tình trạng doanh nghiệp chết nhưng không được chôn. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) là do Luật Phá sản hiện hành quy định thủ tục tuyên bố phá sản theo quy trình ngược: xử lý tài sản trước khi Tòa án được quyền tuyên bố phá sản. Đúng ra là phải truyên bố phá sản trước khi xử lý tài sản, nếu giữa doanh nghiệp và chủ nợ không thỏa thuận được phương án phục hồi doanh nghiệp. Trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đã thay đổi quy định về quy trình tuyên bố phá sản gần như giống Luật Phá sản năm 1993 là tuyên bố phá sản chấm dứt hợp đồng của doanh nghiệp sau đó mới tiến hành thanh lý và chia tài sản. ĐB Thân Đức Nam ủng hộ quy định này và cho rằng đây là một thay đổi rất quan trọng để giải quyết sự bất cập hiện nay, song đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn quy trình, thủ tục tuyên bố phá sản trước thủ tục thanh lý tài sản.

 


    Ý kiến bạn đọc