Các vấn đề trên lĩnh vực kế hoạch đầu tư được trả lời rõ ràng, thắng thắn
EmailPrintAa
11:32 12/11/2021

Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư. Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu luận sau 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về những giải pháp phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp và hồi phục nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Về tiếp cận những giải pháp phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp và hồi phục nền kinh tế có 7 vấn đề như sau: (1) Tiếp cận theo diễn biến của dịch bệnh, theo tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng thuốc điều trị. Khi chuyển sang trạng thái bình thường mới cần chủ động xây dựng các phương án và kịch bản ứng phó. (2) Các chính sách xây dựng theo hướng mở để có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể. (3) Vừa hỗ trợ phục hồi nhanh trong ngắn hạn vừa lồng ghép với chiến lược và kế hoạch 5 năm. (4) Các chính sách phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối nền kinh tế cũng như an toàn tài chính quốc gia, ổn định của các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, lạm phát. (5) Các chính sách sẽ hướng tới cả 2 phía cung và cầu, an sinh xã hội, lao động việc làm và có trọng tâm, trọng điểm. (6) Chính sách cần tiếp cận ở góc độ khả năng huy động, trả nợ. (7) Tăng cường kiểm soát giám sát, đảm bảo hiệu quả và đạt được mục tiêu chúng ta đề ra trong chương trình.

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chiến lược đầu tư sau làn sóng lao động về quê vừa qua để không xảy ra tình trạng này trong tương lai? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Đây là vấn đề lớn, liên quan đến cả kinh tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự và chưa từng có tiền lệ trước đây nên chưa có kinh nghiệm để ứng phó. Bên cạnh đó, khả năng dự báo, ứng phó, khả năng xử lý tình huống của Chính phủ, các địa phương còn chậm. Về chiến lược đầu tư, thời gian tới Bộ sẽ chú trọng việc quy hoạch, đầu tư, cơ chế chính sách, xây dựng thị trường lao động để đảm bảo định hướng phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng miền và giữa các địa phương để giảm bớt những hiện tượng nêu trên và có sự chỉ đạo cụ thể để việc dịch chuyển lao động hợp lí, hạn chế hiện tượng này.

Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) về xây dựng kịch bản ứng phó với rủi ro. Bộ đã tiếp cận theo 2 kịch bản là: không có chương trình phục hồi này và có chương trình phục hồi này, từ đó xác định mức nợ công, lạm phát, bội chi cho từng kịch bản và Bộ cũng đang cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tính toán sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ, khả năng phân bổ, sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế. Quan điểm của Bộ là phải mạnh dạn hơn để vừa phục hồi vừa phát triển kinh tế; đặc biệt, luôn chú trọng việc phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa đảm bảo khả năng tăng trưởng GDP nền kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm cho xã hội; đảm bảo an toàn nợ công và bội chi ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã giải trình về nội dung tranh luận của đại biểu về tăng bội chi, nợ công cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế để đảm bảo hiệu quả, không làm phá vỡ an toàn hệ thống tài chính chung cũng như hệ thống ngân hàng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Bên cạnh các “doanh nghiệp khỏe”, cần quan tâm tới cả các “doanh nghiệp yếu” để hoạch định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phù hợp. Hiện nay, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tổng cầu và sản lượng doanh thu giảm; dòng tiền; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển, chi phí containter, logistic; thiếu hụt nguyên liệu; chuỗi cung ứng gián đoạn, lưu thông hàng hóa; khó khăn về chuyên gia và lao động. Do đó, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 105 và Nghị quyết 128, đến nay nhiều doanh nghiệp mở cửa, tái sản xuất trở lại, hiện có khoảng 92 - 96% các doanh nghiệp phía Nam đã mở cửa hoạt động sản xuất; 70 - 75% lao động đã quay trở lại. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp “yếu”, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này, tránh tình trạng doanh nghiệp bị phá sản do đại dịch Covid-19.

Thống đốc Ngân hành Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đăng đàn, làm rõ một số nội dung liên quan mà các đại biểu đã chất vấn và cử tri cả nước quan tâm. Thống đốc cho biết: Khi đại dịch Covid-19 xảy ra từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vào cuộc với trách nhiệm cao. Đến nay NHNN đã giảm lãi suất 3 lần với tỷ lệ giảm từ 1-2% mỗi đợt, đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, NHNN cũng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ và vay mới cho doanh nghiệp và người dân. Theo Thống đốc NHNN, nguồn tiền của các đợt giảm này lên tới 30.000 tỷ đồng và NHNN đang tiếp tục giảm lãi suất từ nay đến cuối năm. Hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã giảm hơn 2.000 tỷ đồng với khách hàng…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm: Hiện tính theo GDP cũ, nợ công hiện nay của nước ta là 56,8%, vượt ngưỡng cảnh báo là 55%. Nếu tính theo GDP mới thì hiện nay nợ công là 40,5%, dư nợ là 44,7%. Bộ Tài chính ủng hộ các gói kích cầu đề phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các gói kích cầu phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ mức bội chi ngân sách. Đối với chính sách thuế trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Chính phủ, Quốc hội thực hiện chính sách thuế như năm 2021. Đồng thời Bộ Tài chính sẽ tập trung thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử để tránh hóa đơn giả, hoàn thuế trục lợi, trốn thuế; thu thuế trong bất động sản, chuyển nhượng bất động sản; chống chuyển giá trốn thuế.

Ngay sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như phần làm rõ thêm của các bộ, ngành liên quan. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn, giải trình về các dự án trọng điểm Quốc gia trong vấn đề đầu tư công. Bộ trưởng thừa nhận hai dự án trọng điểm quốc gia là sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2021 đều chậm tiến độ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, mục tiêu hàng đầu của ngành Giao thông là hoàn thành tiến độ 2 dự án trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, đối với dự án cao tốc Bắc Nam, đến nay vẫn còn một số dự án thành phần chậm tiến độ, chậm giải ngân, chủ yếu là do công tác đấu thầu thời gian đầu gặp vướng mắc do nhà đầu tư lớn về tài chính ít tham gia; ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thiếu nguồn đất đắp nghiêm trọng và khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng… Thời gian qua, để tháo gỡ những khó khăn này, Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp với Bộ GTVT hàng tháng để kiểm tra tiến độ, kết quả giải ngân, trách nhiệm thực hiện của các Ban Quản lý dự án, nhà thầu và gỡ vướng nguồn vốn tín dụng. Với tiến độ như hiện nay, Bộ GTVT cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ dự án. Về dự án Sân bay Long Thành, việc chậm tiến độ chủ yếu là do quá trình thẩm định kéo dài, chậm giải phóng mặt bằng (hiện mới đạt khoảng 50%)… Thời gian tới, Bộ GTVT cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ và tham mưu Chính phủ thi công đồng loạt trong năm 2022-2023, hoàn thành giai đoạn 1 năm 2025 theo đúng mục tiêu Chính phủ giao.

Kết luận về các vấn đề chất vấn nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tại phiên chất vấn, đã có 26 đại biểu chất vấn, 9 đại biểu tranh luận (đã có 7 đại biểu được trả lời). Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực kế hoạch đầu tư sôi nổi, mang tính xây dựng, có trách nhiệm cao. Đặc biệt, các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, trúng, đúng, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời và giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn rất rõ ràng, thẳng thắn.

Trần Đình Trọng

    Ý kiến bạn đọc