Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận về kinh tế-xã hội
EmailPrintAa
18:50 27/10/2018

Sáng nay 27/10, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc phiên làm việc của mình với nội dung thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tham gia phát biểu với các nội dung liên quan đến kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, và cơ cấu lại DNNN.

Trước hết, Đại biểu thống nhất với Báo cáo Chính phủ đã rất thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế về báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2018. Sự chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô quyết liệt, cụ thể của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết các tồn đọng, đưa tăng trưởng đất nước ngày càng cao. Trong 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết 24 thì 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại NSNN và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính về cơ bản đều đã hoàn thành và có khả năng hoàn thành cao. Tuy nhiên qua nghiên cứu các báo cáo đại biểu cũng đóng góp vào báo cáo 3 vấn đề sau:

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận tại hội trường

Thứ nhất , về kết quả về đổi mới mô hình tăng trưởng Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng Chính phủ nên đánh giá thực chất hơn liên quan đến yếu tố năng suất lao động tổng hợp, Đại biểu cho biết theo báo cáo thì năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7 % Singapore; một số báo cáo, thống kê mà Đại biểu đã tham khảo cho rằng một lao động của Singapore hơn 14 lần lao động của Việt Nam, hoặc một lao động của Thái Lan bằng 5 lần lao động của Việt Nam. Đại biểu cho rằng khi đọc qua báo cáo như vậy dễ gây hiểu nhầm lao động Việt Nam yếu kém, năng suất thấp mà đây là mức quy đổi vốn, vì vậy Đại biểu đề nghị để đánh giá thực chất hơn thì báo cáo Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chính của năng suất lao động của Việt Nam còn thấp là do chúng ta chủ yếu đang thực hiện giai đoạn gia công, chế biến, lắp ráp. Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn để cân đối lại tỷ trọng của các yếu tố đóng góp trong năng suất các nhân tố tổng hợp, tăng dần tỷ trọng năng suất lao động, tiến bộ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, phát huy có hiệu quả mô hình tăng trưởng.

Thứ hai , về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, Đại biểu cho rằng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể hàng năm cũng gần tương đương với số doanh nghiệp được thành lập mới. Đại biểu dẫn chứng: 9 tháng đầu năm 2018 có 96.611 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng đã có 23.053 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh không đăng ký hoặc chờ giải thể là 50.050 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 11.536 doanh nghiệp.

Như vậy số phát sinh doanh nghiệp vào là 96.611 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp phát sinh ra và không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế là 84.639 doanh nghiệp. Chưa kể, trong số các doanh nghiệp thành lập mới số thuế phát sinh về cơ bản là thấp, có nhiều nguyên nhân có thể kể đến là các doanh nghiệp đó nếu được thành lập ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng ưu đãi sẽ hưởng chế độ được miễn, giảm thuế , các doanh nghiệp mới thành lập được khấu trừ đầu vào lớn từ việc mua sắm TSCĐ và hàng tồn kho và mới hoạt động nên sản phẩm đầu ra là chưa nhiều và thực tế các doanh nghiệp thành lập mới (khởi nghiệp) thì số lượng thành công không nhiều và các doanh nghiệp giải thể có tương đối nhiều các doanh nghiệp này.

Đại biểu cho rằng, việc hình thành mới các doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải xem xét, đánh giá thực chất sự đóng góp của doanh nghiệp vào NSNN, vấn đề tạo công ăn việc làm và các yếu tố khác mà các doanh nghiệp đã tạo ra cho nền kinh tế.

Thứ ba , về cơ cấu lại DNNN để thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện khung pháp luật về cơ cấu lại DNNN. Tuy nhiên, cho đến nay cơ cấu lại các DNNN được triển khai chậm so với kế hoạch, sau 02 năm chỉ có 30 trong tổng số 316 doanh nghiệp thoái vốn nhà nước theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, điều này thể hiện việc kinh doanh trong các DNNN kém hiệu quả. Trong bối cảnh thực hiện lộ trình thoái vốn NN, CPH doanh nghiệp nhà nước ở những doanh nghiệp yếu kém, giữ lại các DN khỏe hoạt động, nhưng kết quả như trên là chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đặt ra. Các giải pháp về cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong báo cáo chỉ ra vẫn còn chung chung chưa rõ lộ trình cụ thể để hoàn thành mục tiêu thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.


    Ý kiến bạn đọc