Đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế -xã hội, công tác phòng chống dịch COVID-19, kế hoạch tài chính - ngân sách
EmailPrintAa
19:28 09/11/2021

Trong 2 ngày 8-9/11, Quốc hội họp tập trung, thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024. Riêng các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia họp trực tuyến để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch
Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng ngày 8/11/2021, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Sau 2 ngày sôi nổi thảo luận, đã có 121 đại biểu tham gia phát biểu và tranh luận với tinh thần nghiêm túc, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về những mặt được, những hạn chế, tồn tại, cũng như nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, mục tiêu, các giải pháp phù hợp với tình hình mới trong năm 2022.

Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra đã đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách cơ bản đã phán ánh sát đúng, khách quan thực tế của đất nước. Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng Nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều giải pháp cần ghi nhận và bổ sung.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh do đồng chí Hoàng Trung Dũng – UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia phiên thảo luận

Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân. Đến nay, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế dần được phục hồi trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trong đó có 04/12 chỉ tiêu quan trọn không đạt, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc thiết bị nhập khẩu bị gián đoạn; các gói hỗ trợ chưa bảo đảm tiến độ; còn bị động, lúng túng khi người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam; thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc gặp khó khăn; việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, công tác quản lý điều hành bộc lộ nhiều hạn chế,…

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trao đổi cùng các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh bên lề kỳ họp

Nhất trí với 16 chỉ tiêu và 12 nhóm giải pháp Chính phủ đề xuất, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần dựa trên dự báo cụ thể, đánh giá kỹ về tình hình năm tới, kịch bản cụ thể và các mức độ diễn biến dịch COVID-19 để đưa ra các chỉ tiêu phù hợp, chính xác; cân nhắc, xem xét tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục xây dựng giải pháp phòng chống dịch bền vững, lâu dài; cần rà soát, đánh giá đầy đủ, xây dựng nhóm chính sách mới để Nhân dân chủ động phòng chống dịch; Đề nghị Chính phủ  cần xem lại thực trạng y tế cơ sở, chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất Vaccine trong nước chủ động nguồn cung và tự chủ Vaccine đảm bảo cung cấp cho người dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận cho ý kiến các giải pháp tổng thể về tam nông, phục hồi ngành du lịch và khôi phục và phát triển kinh tế, các giải pháp về tổ chức học trực tuyến, vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch...

Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận tại hội trưởng

Tham gia thảo luận tại hội trưởng, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Bùi Thị Quỳnh Thơ (ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh) đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững tránh hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền hệ thống tín dụng, rồi quay vòng đầu tư tạo bong bóng chứng khoán, bất động sản; đề nghị phân bổ đầu tư giáo dục, y tế từ hoạt động xổ số kiến thiết một cách công bằng hơn; ban hành chính sách mạnh mẽ thu hút nguồn nhân nhân lực chất lượng để phát triển kinh tế số;…

Tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, các bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tham gia trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Kết thúc phiên thảo luận,  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tổng hợp và đánh giá các nội dung phiên làm việc

Theo Chương trình kỳ họp, từ ngày 10 đến hết sáng 12/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Các bộ trưởng, thành viên Chính phù và Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm, gồm: y tế, lao động - thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giáo dục và đào tạo./.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc