|
Đại biểu Trần Đình Gia nêu lên ý kiến về việc "giải cứu" nông sản đã trở thành thường xuyên của nông nghiệp nước ta trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Qua tình hình "giải cứu" nông sản trong thời gian vừa qua, chúng ta đã nhìn thấy một cuộc "giải cứu" trong tương lai gần về các sản phẩm cây ăn quả có múi. Đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chuẩn bị như thế nào, có các kế hoạch phương án ra sao để ứng xử tình huống này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường trả lời chất vấn |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: Một năm Việt Nam sản xuất khoảng 1 triệu tấn rau, và khoảng 15 triệu tấn quả, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Bộ trưởng cũng nêu ra khó khăn chính là chúng ta có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, cho nên trong những thời điểm nhất định, có những vùng đầu ra cho một số loại nông sản gặp khó khăn, thực trạng cây ăn quả cũng như vậy.
Diện tích trồng cây ăn quả hiện nay là 185 nghìn ha, riêng Hà Tĩnh là 9.200 ha, trong đó có 7.000 ha trồng cam và 2.200 ha trồng bưởi. Bộ trưởng đưa ra giải pháp trước mắt là lấy bài học kinh nghiệm ở Bắc Giang vừa qua "giải cứu" 30.000 ha vải thì chủ yếu là xúc tiến đầu tư, tập trung tiêu thụ, đẩy mạnh vừa xuất vừa tiêu thụ nội địa.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng cho rằng ngành phải bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi. Bộ trưởng cũng chỉ ra các khó khăn trong việc chế biến là diện tích trồng của chúng ta khá phân tán, muốn chế biến được thì phải thỏa mãn các tiêu chí, đồng nhất về kích cỡ các loại rau, quả…
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tinh gọn biên chế. |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn văn Sơn dẫn chứng, Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng, Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã có nhiều kết quả bước đầu tích cực.
Tuy nhiên cử tri cho rằng mới cơ bản tinh giản ở địa phương, cơ sở còn ở Trung ương thì ngoài Bộ Công an, ngành tài chính, công thương, còn lại kết quả tinh giản vẫn còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này, và cho biết các giải pháp quyết liệt sắp tới của Chính phủ?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn về tinh giản biên chế |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Sơn, trước hết, Bộ trưởng báo cáo với Quốc hội và đại biểu về tình hình tinh giản biên chế và bộ máy hành chính. Bộ trưởng dẫn chứng 22/22 bộ và 4 cơ quan ngang bộ đã được Thủ tướng phê duyệt về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ để sắp xếp cơ cấu tổ chức của mình; riêng Bảo hiểm xã hội đang chờ sửa đổi Nghị định 10 về cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc Chính phủ và chưa được ban hành.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, nhiều bộ ngành đã sắp xếp lại cơ cấu của mình. Bộ trưởng dẫn chứng như Bộ Công an đã giảm số lượng tổng cục, Bộ Nội vụ từ 6 đơn vị đào tạo giảm xuống còn 2.
Qua sắp xếp bước đầu ghi nhận giảm được 4 tổng cục, giảm được 10 vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ trưởng ghi nhận ý kiến của đại biểu và thừa nhận cần phải sắp xếp gọn lại các bộ ngành và đơn vị trực thuộc.
Thứ hai, Bộ trưởng cũng nêu ra rằng, Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 123/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, do đã có thêm Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 56/2017/QH14 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Để tránh việc trùng lặp chức năng nhiệm vụ, chồng lấn của các đơn vị và thu gọn đầu mối thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW quy định đối với các cơ quan ngành dọc ở địa phương tổ chức theo vùng, cho nên, tới đây các cơ quan Trung ương cũng sẽ tổ chức theo vùng, không nhất thiết phải tổ chức theo địa bàn lãnh thổ.
Cuối cùng, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải xây dựng lại đề án vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện và chức năng nhiệm vụ mới, trên cơ sở đó mới xác định về vấn đề biên chế. Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng, trong năm nay, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã thống nhất cương quyết thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời Bộ Nội vụ trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định 83 về tiêu chuẩn điều kiện thành lập, giải thể, sáp nhập các đơn vị hành chính và Nghị định 55/2012/NĐ-CP quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cơ sở để Bộ Nội vụ tiếp tục sắp xếp tinh gọn lại bộ máy cơ quan Trung ương.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)