Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận cùng các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Thuận. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tổ. Cùng dự có đồng chí Lê Minh Hưng Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên - Vũ Đại Thắng: Khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia ; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. |
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp; đầu năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu tăng, lạm phát có xu hướng tăng cao, vì vậy đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia: Đánh giá cao sự đồng hành, linh hoạt, kịp thời của Quốc hội trong ban hành cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển KTXH; nhiều hoạt động khởi động mùa du lịch, thu hút đầu tư, tổ chức thành công SeaGames 31, trả lời phúc đáp cử tri đã tạo niềm tin trong Nhân dân và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên có 5/12 chỉ tiêu KTXH chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, đây đều là các chỉ tiêu rất quan trọng |
Các đại biểu khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng động doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chúng ta đã chuyển sang “ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 ”, Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy đến nay dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường; Seagame 31 được tổ chức rất thành công là minh chứng rõ nét về một Việt Nam trở lại bình thường và phát triển mạnh mẽ, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước.
ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu: T ội phạm công nghệ cao có xu hướng gia tăng; tin nhắn rác, cuộc gọi “ảo”, có nội dung lừa đảo, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng, tài sản; tệ nạn mại dâm ngày càng tinh vi, biến tướng; tội phạm trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý ngân sách, dự án, đất đai, khoáng sản, y tế gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng niềm tin của Nhân dân |
Bên cạnh đó, các đại biểu cùng lo lắng trước bức tranh kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, CPI tháng 4 tăng cao; giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển; giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp; các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, kế hoạch thu bảo đảm cân đối ngân sách còn nhiều thách thức; nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định; quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh chậm phê duyệt; một số vấn đề về văn hóa, giáo dục, trẻ em, phòng chống tội phạm còn bất cập; tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; lãng phí trong sử dụng đất đai, tài sản, nhân lực ở một số nơi.
Tham gia thảo luận cả 4 nội dung trên, các đại biểu đặc biệt quan tâm một số nội dung như:
Đánh giá thẳng thắn, đưa ra giải pháp cụ thể thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại tổ, các đại biểu tập trung đánh giá bổ sung về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội; nêu ra bối cảnh thế giới năm 2022, những yếu tố thuận lợi, khó khăn và những tác động tới kinh tế - xã hội trong nước; kết quả đạt được nổi bật trong điều hành kinh tế - vĩ mô những tháng đầu năm 2022.
Trưởng đoàn ĐBQH Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà: Một số tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư, đầu cơ tạo thêm bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản; thực thi tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn hình thức, chưa hiệu quả; chưa kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng |
Đồng thời làm rõ những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, cụ thể như về kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; nguy cơ bùng phát dịch; giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tín dụng, nợ xấu; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; hoạt động sản xuất kinh doanh; giá dầu, giá nguyên vật liệu; thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sử dụng đất đai; xuất, nhập khẩu nông sản; việc công khai, minh bạch thông tin; tình trạng chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; một số vấn đề về văn hóa, giáo dục, trẻ em, phòng chống tội phạm…
Từ đó, các đại biểu cũng đã kiến nghị các giải pháp cả trong ngắn hạn của năm 2022 cũng như giải pháp dài hạn; chú ý những yếu tố thuận lợi và khó khăn; cách thức giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Thống nhất với số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022:
Thống nhất cao với số liệu, các đại biểu tập trung thảo luận về việc chấp hành quy định về lập, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước; công tác giao, phân bổ và kết quả thực hiên dự toán ngân sách nhà nước; cân đối ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, tổng mức vay ngân sách nhà nước bù đắp bội chi, trả nợ gốc, trả lãi, nợ công năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020; việc thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2019.
ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ: Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm, không hoàn thành mục tiêu. Khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. |
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo nguồn lực để phát triển
Các đại biểu trao đổi, phân tích kết quả giám sát tại địa phương của các Đoàn ĐBQH về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó đã ghi nhận đánh giá kết quả đạt được, nêu bật những hạn chế từ đó kiến nghị các nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; trong việc quản lý, sử dụng NSNN, đầu tư công, các dự án quan trọng quốc gia và triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia; trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên; trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp; cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm trong tổ chức bộ máy, biên chế.
Thống nhất kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng
Các đại biểu thảo luận về những kết quả, bất cập, vướng mắc và nguyên nhân vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42. Đồng thời thống nhất cao việc kéo dài thời hạn thực hiện toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tổng hợp kết quả thảo luận tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng – Tổ trưởng Tổ thảo luận 15 đánh giá năm 2021 nền kinh tế nước ta lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng về khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội ; đầu năm 2022 trên thế giới, tình hình kinh tế - chính trị diễn biến phức tạp; nhưng trong nước, đã tập trung thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tổ trưởng Tổ thảo luận cũng cho rằng, nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái "bình thường mới"; lạm phát được kiểm soát, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai để lành mạnh hóa thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 03, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật… Tuy nhiên, giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng, sản xuất; thị trường chứng khoán biến động mạnh. Đây là các yếu tố tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp.
Nhận định, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; đồng chí Tổ trưởng cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, bảo đảm tiến độ và chất lượng; tiếp tục rà soát hoàn thiện chính sách, pháp luật; tháo gỡ các rào cản, vướng mắc hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu; phục hồi và phát triển thị trường lao động; có giải pháp quyết liệt hơn đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý hiệu quả hơn đối tượng bị tâm thần, trầm cảm; tập trung xử lý tội phạm công nghệ cao, tín dụng đen.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận 15 tổng hợp kết quả thảo luận tổ |
Đồng chí Hoàng Trung Dũng đánh gía cao công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí thời gian qua đã được quan tâm thực hiện hiệu quả góp phần tạo nguồn lực phát triển nhất là trong giai đoạn đại dịch, tuy vậy vẫn còn tình trạng lãng phí trên nhiều lĩnh vực như quản lý ngân sách, tài sản công, tài nguyên, đất đai, nhân lực, vì vậy cần có giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn. Đồng chí cũng thống nhất chủ trương kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng nhưng phải rà soát đồng bộ các chính sách, phải khơi thông nguồn vốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)