Chủ trì phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân quán triệt các nội dung liên quan đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ liên quan như Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình về những vấn đề thuộc nhóm lĩnh vực nêu trên.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Nguyễn Văn Sơn chất vấn |
Tại hội trường, Phó Trưởng đoàn phụ trách Nguyễn Văn Sơn đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về dịch tả lợn Châu Phi. Theo đại biểu, vừa qua dịch tả lợn Châu phi diễn biến hết sức phức tạp, vừa lây lan diện rộng hầu hết các tỉnh thành và quá kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường chăn nuôi. Bộ đã tham mưu Chính phủ và các địa phương có những giải pháp để phòng, chống nhưng vẫn đang nặng tính phong trào, cách phòng chống chưa đồng bộ, chưa nghiêm ở các địa phương tạo nhiều hệ lụy lây lan dịch bệnh tác động xấu đến môi trường sống, môi trường chăn nuôi cả nước. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ vấn đề và đề ra những giải pháp mạnh mẽ để giải quyết một cách có hiệu quả, sớm chấm dứt tình trạng này.
Tiếp thu câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giải trình cụ thể vấn đề đại biểu đặt ra. Bộ trưởng khẳng định dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh mà lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới chưa bao giờ phải đối mặt, khi xâm nhập gây ra hậu quả rất lớn, khả năng có thể dẫn đến 100% vật nuôi bị tiêu diệt. Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện từ năm 2018 tại Trung Quốc đến nay đã xuất hiện tại 28 quốc gia bị loại dịch này.
Trước tình hình đó, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đã ý thức rõ tác hại của loại bệnh ghê gớm này và đã chủ động diễn tập ứng phó với loại dịch này. Tuy nhiên với đặc điểm vô cùng khó khăn, tính chất đặc biệt của loài vi rút đó, đến tháng 1/2/2019 ổ dịch đầu tiên đã xảy ra ở Hưng Yên, trong thời gian ngắn đã lây lan diện rộng. Tổng thiệt hại đến nay 5,7 triệu con lợn = 8,5 % tổng sản lượng toàn quốc, là thiệt hại vô cùng lớn.
Nhìn chung theo đánh giá của Bộ, với quyết tâm tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó thì đến nay đã giảm đến mức thấp nhất về chu kỳ phát triển của loại dịch này, một số xã thuộc 9 tỉnh trên 30 ngày không bị dịch tái phát, trong đó tại Hưng Yên 100% số xã không còn dịch.
Theo Bộ trưởng đó là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành ở Trung ương và địa phương. Kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ giá thành, hỗ trợ giữ đàn lợn hạt nhân sớm... Hiện tại, nhà nước đã hỗ trợ 2.370 tỷ đồng cho các hộ dân, giữ được 109.000 con lợn hạt nhân, tạo tăng trưởng trong thời gian tới. Đồng thời, với việc tuân thủ tuyệt đối theo quy trình an toàn sinh học (từ khâu thức ăn, giống…) đến nay nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi vẫn giữ được đàn không bị nhiễm dịch.
Từ đó, Bộ trưởng cho rằng với loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, nếu chúng ta đồng lòng xử lý triệt để thì có thể vẫn hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và giữ được bệnh không tái phát.
Ngoài ra, do thời lượng chương trình có hạn, đại biểu đã trực tiếp gửi hai câu hỏi chất vấn khác bằng văn bản tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Thứ nhất, về giải pháp để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhưng kết quả còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ về vấn đề này và xác định được nguyên nhân, giải pháp có tính đột phá sắp tới để tạo động lực và hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ hai, về vấn đề mà cử tri hết sức lo lắng trong thời gian qua trước những hậu quả nặng nề của thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sạt lở bờ sông, kè biển, hồ đập xuống cấp nghiêm trọng diễn biến hết sức phức tạp trước biến đổi khí hậu bất thường của thiên tai, đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với ngành Nông nghiệp có giải pháp căn cơ để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại để người dân được an tâm sản xuất.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)