Đại biểu Trần Đình Gia chất vấn
|
Đánh giá cao kết quả sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Trần Đình Gia cũng cho rằng còn nhiều vấn đề khó khăn đang đặt ra như cần giải quyết số cán bộ dôi dư, giải quyết các trú sở, trường học, trạm xá… Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ là “ Việc sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính thời gian tới Bộ sẽ có những giải pháp nào để khắc phục những khó khăn này? ”. Đồng thời, đại biểu cũng gợi mở vấn đề: “ Từ việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiệu quả như vậy thì Bộ có tính đến việc tham mưu sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh hay không? ”
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin: Thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP, chỉ trong vòng 8 tháng các địa phương đã xây dựng đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thông qua và triển khai tại 43/45 tỉnh, còn tỉnh Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ xem xét ban hành trong tháng này để cơ bản hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ tổ chức tổng kết và xem xét thời gian tới có tiếp tục thực hiện tiếp nữa hay không; Nghị quyết số 653 chỉ quy định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số, các đối tượng còn lại Nghị quyết số 653 chưa yêu cầu. Bộ trưởng cho biết Nghị quyết số 18-NQ/TW của hội nghị Trung ương lần thứ 6 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh nên Bộ chưa xem xét việc này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn
|
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đồng tình và khẳng định việc sắp xếp đơn vị hành chính vừa qua nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện nhất là về thực hiện chế độ, chính sách. Ban đầu hầu hết các địa phương nhìn nhận còn chủ quan, cho rằng thuận lợi nên đề án đều xác định đến 31/12/2022 sẽ hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức, tuy nhiên thực tế lại rất khó do vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quá trình này được thực hiện không quá 5 năm và phù hợp tình hình từng địa phương như đã quy định tại Nghị quyết số 653. Bộ Nội vụ đã có văn bản 2605/HD-BNV hướng dẫn việc sắp xếp và giải quyết chế độ cho người dôi dư này, theo đó sẽ giải quyết trường hợp không tái cử theo Nghị định 26/NĐ-CP, thực hiện chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị định 113/NĐ-CP và 108/NĐ-CP, thực hiện chế độ thôi việc một lần theo Luật công chức, viên chức, đồng thời xem xét điều chuyển công chức giữa các xã và những trường hợp đủ điều kiện thì cho chuyển từ công chức xã lên công chức huyện theo Luật Công chức mới.
Về cơ sở vật chất, thừa nhận bất cập, vừa thừa vừa thiếu của các đơn vị mới sáp nhập, Bộ trưởng đề nghị các địa phương nghiên cứu đặt trụ sở, trường học, trạm y tế ở địa điểm thuận lợi nhất để phục vụ Nhân dân; nếu cần thiết xem xét đầu tư cơ sở vật chất mới thì phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới; đồng thời tập trung xử lý cơ sở vật chất dôi dư để sử dụng khai thác hiệu quả nhất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn
|
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Trần Đình Gia nêu “ Tại kỳ họp thứ 6, đại biểu có hỏi Bộ trưởng về quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn cả nước ; Bộ trưởng cho biết việc phát triển cây ăn quả có múi hiện nay như thế nào, có phù hợp quy hoạch hay không và có nguy cơ phải giải cứu hay không?”
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đến nay diện tích cây ăn quả cả nước khoảng 1,1 triệu ha với sản lượng khoảng 13-15 triệu tấn, trong đó 15 cây ăn quả chính bao gồm các loại cây có múi với diện tích khoảng 238 nghìn ha sản lượng 2,5 triệu tấn. Riêng nhóm cây có múi đang có những tồn tại chung như: Chủ yếu ăn tươi, chế biến rất kém nên dễ bão hoà; công tác giống ở nhóm cây có múi là chưa tốt kể cả giống bưởi và quýt; quy trình canh tác hiện nay làm cho cây có múi sau một thời gian khai thác lại dễ bị bệnh… Bộ trưởng cho rằng thời gian tới cần tập trung rà soát lại để có những bộ giống tốt, chống chịu được bệnh và đảm bảo thâm canh; quy trình canh tác cũng phải thay đổi theo hướng hữu cơ; tăng cường khâu chế biến nâng cao giá trị sản phẩm./.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)