Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội trường |
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Đoàn đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua. Đại biểu cũng đồng tình cao với Chính phủ trong việc thẳng thắn chỉ ra 7 nhóm tồn tại, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp cũng như 13 nhóm vấn đề mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá sâu sắc hơn để có những giải pháp trong thời gian tới.
Thay mặt cử tri và Nhân dân Hà Tĩnh đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét và có giải pháp xử lý những vấn đề sau:
Thứ nhất , công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến bước đầu nhưng chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả vẫn còn sự chồng chéo, xung đột giữa pháp luật và chính sách, giữa nền hành chính công và tài chính công, đây là rào cản để thu hút đầu tư; cùng với sự chỉ đạo tổ chức thực hiện còn bất cập của các Bộ, Ngành, địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân vẫn gặp không ít khó khăn, phiền hà khi trực tiếp giao dịch để thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi, kiến nghị của mình cho nên cần cần quan tâm đồng bộ hơn.
Thứ hai , đề nghị Chính phủ cần quan tâm trong đầu tư phát triển với đầu tư cho phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu nhất là cần có các hệ thống nghiên cứu, dự báo, cảnh báo kịp thời những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức khó lường để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Cần đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn cho các công trình đê, kè, sông biển, sạt lở núi nhất là đảm bảo an toàn của hệ thống hồ, đập. Hiện nay, nhiều công trình đã xây dựng từ lâu, đã khai thác, sử dụng hàng chục năm nhưng thiếu nguồn để duy tu bảo dưỡng thường xuyên nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Thứ ba , đề nghị Chính phủ, Bộ Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình, công nghệ, thiết bị hiện đại để xử lí nguồn rác thải để đảm bảo cho môi trường nông thôn an lành và phát triển. Từ bài học đắt giá của môi trường biển do sự cố Formosa, hơn ai hết cử tri Hà Tĩnh gửi gắm qua nghị trường Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có quyết định sớm về việc dừng dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.
Dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là một trong những dự án trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ phát triển KTXH là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo ở Trung ương cũng như địa phương mấy chục năm qua. Tuy vậy, qua quá trình khảo sát, đánh giá, triển khai cho thấy còn nhiều bất cập đó là: Quy mô dự án rất lớn, vị trí khai thác sát bờ biển, thời gian khai thác dài nhưng các báo cáo đánh giá về dự án và trình tự thực hiện, nguồn lực đầu tư còn đơn giản nhất là giải pháp kỹ thuật, môi trường, huy động nguồn vốn và đánh giá hiệu quả KTXH mới chỉ quan tâm đến tài chính, hiệu quả của dự án, các báo cáo đánh giá tác động môi trường còn sơ sài; đây là những vấn đề mà địa phương và cử tri hết sức lo lắng. Đại biểu cho biết theo đánh giá của Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam, nếu xử lí đầy đủ các vấn đề về môi trường thì dự án đến nay không còn hiệu quả. Trước các vấn đề nêu trên, tháng 12/2016, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản kiến nghị UBTVQH vào tháng 5/2017; Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có báo cáo Ban bí thư Trung ương Đảng tháng 9/2017; Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2017. Vừa qua, các Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, Bộ Công thương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên các báo cáo này chưa thực sự đồng nhất trong việc đề xuất dừng dự án. Vì vậy, càng kéo dài dự án ngày nào càng gây khó khăn cho địa phương và Nhân dân vùng dự án. Nhân dân trong vùng dự án không được kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đời sống, sản xuất, nhất là không thể xây dựng Nông thôn mới theo phong trào chung của tỉnh và cả nước. Mặt khác, ảnh hưởng lớn cho việc đầu tư hoạt động du lịch, dịch vụ các bãi biển ở Hà Tĩnh, từ đó đời sống Nhân dân trong vùng dự án thật sự khó khăn. Đại biểu nhấn mạnh: Tài nguyên có được là điều đáng quý, tuy nhiên khi nào chúng ta có đủ điều kiện, nguồnlực, công nghệ, thị trường… bảo đảm thì chúng ta mới đầu tư khai thác cũng chưa muộn, nhất quyết chúng ta không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)