Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)
EmailPrintAa
07:30 19/06/2020

Chiều 18/6, tại buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã có những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và áp dụng dự án Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luật về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thảo luận Luật Bảo vệ môi trường đại biểu Nguyễn văn Sơn đánh giá sự chuẩn bị công phu và nhiều cách tiếp cận mới trong dự thảo luật. Thực tế luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực đã có những nhìn nhận, đánh giá về môi trường làng nghề. Sự cố môi trường biển 2016 tại các tỉnh miền trung thực sự cho toàn xã hội thấy rõ không thể đánh đổi môi trường mà chúng ta đang có để có được tồn tại bằng mọi giá. Thủ Tướng chính phủ có Chỉ thị 25 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cùng với đó là rà soát, nghiên cứu, cập nhập kịp thời sửa luật Bảo vệ môi trường phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Theo đại biểu phạm vi điều chỉnh luật cần bao quát đầy đủ hơn về bảo vệ môi trường trong cách tiếp cận mới việc bảo vệ không chỉ là môi trường sống, môi trường sản xuất mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh tế, môi trường xã hội. Bảo vệ môi trướng phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Về nguyên tắc bảo vệ môi trường bao gồm: Mọi đối tượng hưởng lợi từ môi trường có nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Do đó những đối tượng tác động đến môi trường có trách nhiệm đóng góp kinh phí khi phục hồi, bảo vệ môi trường.

Đối với các nội dung quản lý nhà nước (Điều 8, Điều 11, Điều 13, Điều 14) cần tập trung nhóm các quy định trách nhiệm cúa các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ dàng áp dụng đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền phù hợp với quy mô, công suất, năng lực để các địa phương chủ động và có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ môi trường.

Về công tác thanh tra, kiểm tra (Điều 174), đại biểu đề nghị phải thực hiện tốt cơ chế “tiền kiểm” tăng cường “hậu kiểm” chặt chẽ. Đối với “trường hợp cần thiết” được “kiểm tra đột xuất không cần báo trước” cần phải có quy định, hướng dẫn những trường hợp cần thiết, quy trình thủ tục, thành phần thanh, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm những hành vi vi phạm của các doanh nghiệp nhằm phòng, ngừa ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc sửa Luật Bảo vệ môi trường cần quy định rõ hơn những hành vi vi phạm môi trường, nâng mức xử lý hình sự và hành chính để răn đe và có đầy đủ cơ sở pháp lý trong đền bù thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường của tổ chức cá nhân vi phạm.

Cuối cùng đại biểu nhấn mạnh cần quy định rõ trách nhiệm trong cơ quan, tổ chức thực hiện, đặc biệt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường để mọi người dân, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp thực sự quan tâm đến môi trường ngay trong suy nghĩ đến hành động qua đó trở thành nếp sống, văn hóa ứng xử hằng ngày, chăm lo bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Hữu Quý - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc