Đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận |
Tại buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (ĐBQH Hà Tĩnh), Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh và đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Trường Đại học Hà Tĩnh) đã tham gia phát biểu.
Sau ý kiến của đại biểu Vương Đình Huệ - Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho rằng: Năm 2017 và đầu năm 2018 nền kinh tế nước ta đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực được Nhân dân và cử tri đồng tình cao.
Nhìn lại năm 2017, kết quả nổi bật nhất là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, cao nhất trong 7 năm gần đây các ngành dịch vụ đạt khá; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới, xuất siêu 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông, lâm và thủy sản tiếp tục giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu đề ra. Bội chi ngân sách khoảng 3,48% GDP, thấp hơn số Quốc hội đã thông qua là 3,5% GDP…
Thu hút vốn FDI đạt kết quả khả quan. Phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt mức kỷ lục 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 1.295 nghìn tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới mạnh mẽ, tăng cường đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu |
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được đặc biệt quan tâm. Đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo diễn ra mạnh mẽ; khoa học công nghệ được tăng cường, chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm. Văn hóa, thể dục, thể thao đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển và đi vào chiều sâu.
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng và ấn tượng trong năm 2017, nhưng các đại biểu cũng cho rằng nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế. Kinh tế trong nước tiếp tục phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Việt Nam vẫn tham gia chủ yếu ở khâu gia công, lắp ráp; doanh nghiệp nội địa chưa tham gia nhiều vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm. Công tác thị trường và dự báo cung cầu nông sản còn yếu. Buôn lậu, gian lận thương mại chưa được xử lý dứt điểm.
Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ giải trình tại buổi thảo luận |
Đánh giá thêm về một số hạn chế khác, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ và đại biểu Đặng Quốc Khánh cho rằng: thiên tai, bão lũ diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng. Ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ và sự cố môi trường. Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm. Nhiều vụ khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Còn nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn nhiều yếu kém nhất là các đô thị lớn xây dựng nhiều chung cư cao tầng, mật độ dân cư tăng cao, vượt quá sức của hạ tầng kỹ thuật, gây ra hệ lụy về ùn tắc giao thông và nhiều vấn đề về xã hội, môi trường…
Để có giải pháp đồng bộ hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu đã đề xuất bổ sung nhiều nội dung cho 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra trong Báo cáo của Chính phủ.
Cuối buổi thảo luận, đại biểu Vương Đình Huệ đã phát biểu giải trình, thông tin làm rõ thêm nhiều nội dung mà các đại biểu quan tâm.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)