Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh kiến nghị tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính
EmailPrintAa
16:19 04/11/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tiếp tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia. Phát biểu tại nghị trường, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn bày tỏ sự đồng tình cao với các Báo cáo của Chính phủ, Thẩm tra của cơ quan Quốc hội, đồng thời đánh giá cao sự nố lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, kinh tế xã hội đạt được nhiều kết quả, vị thế Việt Nam nâng cao với những khát vọng phát triển trong giai đoạn mới.

Về sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính gắn với sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã chủ động, tập trung cao, kịp thời ban hành, triển khai kế hoạch, đề án với các giải pháp cụ thể; qua đó, tại 43 tỉnh thành đã sắp xếp 18 huyện giảm 06 huyện; sắp xếp ở 1.027 xã giảm 546 xã; giảm 9.534 cán bộ, công chức và 6.913 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm chi tiền lương, phụ cấp hàng trăm tỷ đồng/năm.

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH - Nguyễn Văn Sơn phát biểu

Như Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số đơn vị phải sắp xếp lớn nên đã triển khai quyết liệt, có cách làm sáng tạo, đến nay đã sắp xếp 80 xã, hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã; sắp xếp giảm 860 thôn, tổ dân phố; giảm hơn 1260 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách; tiết kiệm chi khoảng 180 tỷ đồng/năm. Ngoài chính sách chung của Trung ương theo quy định, Hà Tĩnh còn ban hành chính sách bổ sung hỗ trợ thêm, đến nay đã giải quyết trên 80% số cán bộ, công chức và người hoạt động chuyên trách dôi dư. Quá trình tiến hành được nhân dân, cán bộ đồng thuận cao; sau sắp xếp, bộ máy cơ sở nhanh chóng vận hành nhịp nhàng; hành chính cải cách, bộ máy tinh gọn, biên chế tinh giảm, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức; phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; Như vừa qua, đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở và cấp huyện tại các đơn vị hành chính sau sáp nhập đã diễn ra thành công tốt đẹp, đã lựa chọn đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín; tất cả đại hội đảm bảo đúng định hướng; trên 70% đại hội cấp cơ sở và 100% đại hội cấp huyện bầu trực tiếp Bí thư và với tín nhiệm rất cao; qua đó khẳng định niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các chủ trương của Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho rằng, đây chủ trương lớn, triển khai trong thời gian ngắn, công việc khá phức tạp, tác động lớn đến địa giới hành chính, tổ chức bộ máy, cán bộ, truyền thống tập quán địa phương làng xã nên còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm: Khi sáp nhập quy mô đơn vị hành chính lớn hơn, tạo dôi dư cơ sở vất chất ở đơn vị cũ, trong khi đơn vị mới lại không đảm bảo. Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính sau khi các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới gây lãng phí, tốn kém ngân sách, nguồn lực nhà nước và nhân dân. Số cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản, đạt tiêu chuẩn dôi dư sau sáp nhập ngoài chính sách về tài chính chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện có việc làm, gây lãng phí nguồn nhân lực.

Phiên thảo luận trực tiếp Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV

Ngoài ra, đại biểu cũng phản ánh tâm tư của cán bộ cơ sở rằng sau sáp nhập quy mô xã, thôn lớn hơn, địa bàn rộng hơn, số cán bộ hoạt động giảm đi, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP đã quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm 8-9 người, người hoạt động không chuyên trách ở thôn không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng, số còn lại thì “bồi dưỡng” từ đoàn phí, hội phí là không phù hợp thực tiễn hoạt động cơ sở. Đại biểu nhấn mạnh tham gia công việc của thôn cả tháng mà nhận hỗ trợ không bằng một ngày công lao động phổ thông.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ, kịp thời những địa phương đã sáp nhập và quyết liệt tiếp tục thực hiện chủ trương này ở các địa phương chưa đảm bảo tiêu chí quy định; Bổ sung đầu tư công trung hạn để hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất cho các đơn vị hành chính mới; Hướng dẫn xử lí đất đai, tài sản, cơ sở vật chất dôi dư; Bổ sung quy định đồng bộ hơn chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sáp nhập; Đào tạo, bồi dưỡng để tạo việc làm và sử dụng nguồn cán bộ này; Kip thời sửa đổi khoản 1 điều 14a Nghị định số 34/2019/NĐ-CP phù hợp thực tiễn; Hỗ trợ ngân sách và giao địa phương chủ động giải quyết chính sách cho cán bộ không chuyên trách cơ sở./.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc