Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, UBTVQH đề nghị: Quốc hội thông qua sớm trước một kỳ họp đối với 02 dự án luật (Luật Đo đạc và bản đồ - cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4); Lùi thời gian trình 04 dự án luật (Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện - từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4);Bổ sung vào Chương trình 02 dự thảo nghị quyết (Nghị quyết của Quốc hội về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội về Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3) và 04 dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4).
Để kịp thời chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 rút khỏi Chương trình một số dự án bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thông qua tại kỳ họp thứ 4 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng; bổ sung vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3 các dự thảo Nghị quyết về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự. Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 các dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Như vậy, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh sẽ là: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật( trong đó có Dự án Luật quy hoạch), 03 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 06 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 02 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 01 kỳ họp). Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 gồm 24 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung 03 luật khác (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể với Quốc hội về nội dung, tiến độ chuẩn bị từng dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phân công như đã nêu ở trên; đồng thời, khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị các dự án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình kỳ họp gần nhất khi đã bảo đảm đủ điều kiện.
Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của UBTVQH, tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri nhiều đại biểu còn băn khoăn về chất lượng một số dự án luật chất lượng và tính khả thi chưa cao, nhiều dự án luật sau khi áp dụng vào thực tiễn còn bất cập với cuộc sống và mâu thuẫn, xung đột với các luật khác...
Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Vương Chính phủ Vương Đình Huệ đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi thảo luận |
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ( ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh) đã cung cấp thêm thông tin, ông cho biết: Thời gian gần đây, Chính phủ rất quan tâm đến chất lượng các dự án luật, vì vậy tại các phiên họp Chính phủ đã dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận về các dự thảo luật; đồng thời Chính phủ sớm phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án do Chính phủ trình, xác định rõ vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo; chỉ đạo các cơ quan soạn thảo thực hiện đúng tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án được trình; chủ động xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đối với những dự án có nội dung quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng và còn ý kiến khác nhau v.v. Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng các dự án luật thuế cần được cân nhắc sửa đổi bổ sung kịp thời trong thời gian tới.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh phát biểu |
Đại biểu Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Luật quy hoạch ra đời có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ phải xem xét, sửa đổi, bổ sung 32 văn bản luật có liên quan; trong đó Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và Luật du lịch có liên quan khá nhiều nội dung đến Luật Quy hoạch; thế nhưng tại sao Quốc hội không đưa các dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 để xem xét sửa đổi các luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị UBTVQH cần nghiên cứu đưa các luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Quy hoạch. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu thận trọng việc đưa vào Chương trình để xây dựng Luật Kiến trúc.
Tham gia ý kiến về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn cho rằng: Hằng năm, Quốc hội lựa chọn các chương trình giám sát chuyên đề và đến các địa phương giám sát liên tục; tuy nhiên hiện nay HĐND các cấp theo Luật tổ chức Chính quyền địa phương đã có bộ máy đầy đủ của Thường trực và các Ban và cũng tổ chức triển khai giám sát nhiều nội dung bức xúc, cần thiết ở dịa phương, mặt khác, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và Mặt trận tổ quốc các cấp cũng hoạt động thường xuyên và có nhiều nội dung, nhiều Đoàn trùng lặp gây phiền hà cho địa phương, cơ sở. Đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu có biện pháp điều hòa làm sao trong hoạt động giám sát trong hệ thống cơ quan quyền lực không trùng lặp và nâng cao chất lượng giám sát hơn nữa.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)