Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
19:42 23/10/2018

Chiều nay 23/10/2018, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận Tổ cùng đại biểu của các Đoàn: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Đắc Nông. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã tham gia phát biểu thảo luận về

Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện: kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Quốc Khánh phát biểu

 

Đánh giá tổng quan về tình hình chung của giai đoạn, Trưởng đoàn ĐBQH Đặng Quốc Khánh cho rằng: Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, kinh tế thế giới nhìn chung có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước như: xu thế liên kết và tự do hóa thương mại tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tăng trưởng thương mại thế giới tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới cũng còn diễn biến phức tạp như: tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực có nhiều thay đổi; thương mại thế giới còn tiểm ẩn một số rủi ro do xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng; xung đột xảy ra ở nhiều nơi, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng tâm điểm là cuộc chiến tranh thương mại Trung Mỹ chưa có hồi kết, kéo theo hàng loạt động thái lớn về chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn.Trong khi đó, ở trong nước, tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục là yếu tố thuận lợi cho thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Kinh tế trong nước đã dần hồi phục với mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và thu hút FDI đã đạt mức kỷ lục so với các năm trước. Hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo ra sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, mở rộng đầu tư và thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam,… Tuy nhiên, để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nền kinh tế trong nước cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như dư địa tài khóa, tiền tệ trong nước hạn hẹp, nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn, biến đổi khí hậu, thiên tai luôn thường trực v.v.

Tuy vậy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII; sự đổi mới, giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, với sự cải cách mạnh mẽ và điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, nền kinh tế giai đoạn 2016-2018 đã có sự phục hồi rõ rệt và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế -xã hội, quốc phòng- an ninh, đối ngoại, công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được tăng cường v.v.; vì vậy được nhân dân và cử tri đồng tình cao.

 

Tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 tăng lên 6,81% (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra) và ước tính năm 2018 đạt 6,7%. Bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 6,57% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015), đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân ở mức thấp của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 (6,5%-7%/năm). Dự kiến tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 đạt 6,9%, Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,68%.

 

Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2016 đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 205,3 tỷ USD); năm 2017 đạt 5.006 nghìn tỷ đồng (223,7 tỷ USD); ước tính năm 2018 đạt 5.555 nghìn tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần quy mô GDP năm 2015. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 2.109 USD/người năm 2015 lên 2.215 USD/người năm 2016 (tăng 106 USD); 2.389 USD/người năm 2017 (tăng 174 USD) và ước tính đạt 2.540 USD/người năm 2018 (tăng 151 USD), gấp 1,21 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2015 nhưng thấp xa so với mục tiêu đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế đần chuyển dịch sang chiều sâu, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực trong cả cơ cấu giữa các ngành và trong nội bộ ngành. Nhất là chúng ta đã thực hiện được mục tiêu kép” kiềm chế lạm phát đi đôi với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội” Giá cả hàng hóa tương đối ổn định, lạm phát hàng năm được kiểm soát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực theo hướng thu nội địa tăng, trong khi đó các nhiệm vụ chi cơ bản được thực hiện theo đúng dự toán, tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển và giảm dần chi thường xuyên, bảo đảm các mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và nợ công. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tỷ giá và lãi suất đã ổn định theo hướng giảm dần, bảo đảm nguồn cung vốn cho nhu cầu phát triển, nợ xấu và các vấn đề yếu kém của hệ thống các tổ chức tín dụng đã cơ bản được xử lý.. Cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp và tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm, tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và đạt mức kỷ lục, hiệu quả đầu tư đã có cải thiện. Tính chung tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 3 năm 2016-2018 đạt 5.046,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% GDP  (đạt mục tiêu bình quân 5 năm 2016-2020 bằng khoảng 32%-34%.

Mặc dù kết quả thời gian qua như trên, nhưng đại biểu băn khoăn  về một số vấn đề như: Một số dự án trọng điểm quốc gia triển khai còn chậm, thủ tục đầu tư còn rườm rà, xung đột giữa các quy định của pháp luật gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Diễn biến khí hậu, thời tiết thời gian gần hết sức bất thường bão, lũ đã gây thiết hại cho đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và vùng núi phía Bắc trong lúc tình trạng các hồ đập, kè sông, đê biển của các tỉnh miền Trung như ở Hà Tĩnh được xây dựng từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao v.v. từ những đánh giá trên, đại biểu nhấn mạnh: Chúng ta cần quan tâm  nguồn vốn đầu  tư cho các dự án chống biến đổi khí hậu mang tính chất đa mục tiêu để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí. Tập trung đầu tư phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời đây là những tiềm năng, lợi thế của nước ta nhằm từng bước giảm dần dự án nhiệt điện. Tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quôc gia để tránh lãng phí và phát huy tác dụng cho nền kinh tế như dự án đường cao tốc Bắc- Nam, dự án sân bay Long Thành v.v.

Về đổi mới giáo dục, đại biểu cũng đề nghị cần có sự chỉ đạo rõ ràng về cơ chế, chính sách, pháp luật để Bộ Giáo dục sớm quyết định phương án lựa chọn ổn định các kỳ thi, chương trình và sách giáo khoa; phân cấp rõ ràng về thẩm quyền Trung ương và địa phương  trong quản lý giáo dục. Về Y tế đại biểu  đề xuất Chính phủ cần có chính sách chống độc quyền trong sản xuất, cung ứng, phân  phối thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh. Tăng cường kiểm soát giá thuốc, kiên quyết áp dụng phương pháp đấu thầu tập trung v.v.

Về an ninh, trật tự an toàn xã hội, đại biểu đề xuất cần tập trung cao độ đấu tranh phòng, chống, truy quét xử lý nghiêm ngay từ khi mới nhen nhóm các loại tội phạm nhất là những phần tử kích động chống đối chính quyền, những băng nhóm xã hội đen v.v. Ngoài ra, đại biểu đồng tình cao với những nhận định, đánh giá, thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội và những giải pháp mà Chính phủ đưa ra cho thời gian tới nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2016- 2021 như mục tiêu Đại hội Đảng XII đề ra.

 


    Ý kiến bạn đọc