Toàn cảnh phiên toàn thể sáng 21/5. (Ảnh quochoi.vn)
|
Sau khi nghe Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ĐBQH các tỉnh An Giang, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Nam, Hậu Giang, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Thành phố Hà Nội, Hà Tĩnh… đều đánh giá cao những tiếp thu của Chính phủ. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, nâng cao khung khổ pháp luật bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động Doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại doanh nghiệp.
Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại đầu cầu Hà Tĩnh.
|
Phát biểu về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đồng tình với dự thảo Luật và báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu đồng tình với quy định doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết vì phù hợp Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương. Phân tích quy định này liệu có gây cản trở cho doanh nghiệp nhà nước khi quy định tại Khoản 3 Điều 59 và Khoản 1 Điều 147 Dự thảo, cổ đông đại diện ít nhất 65% -75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông/các thành viên dự họp tán thành, thì mới được thông qua các vấn đề quan trọng, đại biểu cho rằng cần thiết phải có thêm thành phần biểu quyết của các cổ đông ngoài nhà nước liên quan đến các quyết định quan trọng của doanh nghiệp bởi cho dù sở hữu trên 50% vốn thì xét cho cùng nhà nước vẫn chỉ là ý chí của 1 chủ thể, trong khi đó công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn có 02 thành viên trở lên còn liên quan đến nhiều cổ đông/thành viên khác góp vốn và số vốn của họ không phải là nhỏ, nên họ có quyền trong vấn đề biểu quyết và tham gia quyết định các vấn đề quan trong của công ty. Việc quy định trên đảm bảo tính khách quan và hiệu quả trong quản trị các doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề liên quan đến con dấu, đại biểu đồng tình với dự thảo luật và nhóm ý kiến thứ nhất trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để làm rõ hơn quan điểm này, đại biểu phân tích: Việc bỏ con dấu là phù hợp với thông lệ quốc tế; Đối với các ý kiến của nhóm ý kiến thứ 2, nhiều đại biểu còn băn khoăn đối với 2 vấn đề về bảo đảm việc cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát các hóa đơn, chứng từ trong việc kê khai thuế; tránh phát sinh tranh chấp, lừa đảo trong các hợp đồng dân sự. Đại biểu đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng, qua trao đổi với cử tri cơ quan thuế và cơ quan điều tra địa phương, thìviệc không sử dụng con dấu của doanh nghiệp không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan quản lý chuyên ngành và hoàn toàn kiểm soát được và hiện nay việc sử dụng chứng từ điện tử thì không sử dụng dấu hoàn toàn thuận tiện.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia thảo luận trực tuyến về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
|
Đối với Điểm a, Khoản 1, Điều 207 quy định: “Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn”, đại biểu đề nghị xem xét lại vì do trong Luật doanh nghiệp không quy định về thời gian hoạt động của doanh nghiệp và khi công ty thành lập cũng không quy định nội dung về thời gian hoạt động nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính…
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)