Trước hết, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục. Đồng thời tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành.
Tuy, đây là 2 dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu nhưng qua nghiên cứu đại biểu Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, để sửa đổi lần này căn cơ hơn để thực sự giáo dục là Quốc sách hàng đầu như các Nghị quyết của Đảng đã xác định nhằm đáp ứng kịp thời xu thế phát triển và cuộc cách mạng 4.0; hơn nữa, dự thảo của 2 Luật còn quá nhiều lỗi, bố cục, từ ngữ chưa chuẩn xác. Đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu nghiêm túc để lần sau dự thảo đảm bảo chuẩn xác hơn. Mặt khác, Luật giáo dục sửa đổi lần này là lần thứ 3 và đi kèm theo đó có các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị nên chăng hợp nhất 3 luật của 3 lần sửa đổi vào 1 luật để dễ dàng áp dụng.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận |
Góp ý về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm (Điều 89) của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, các đại biểu đề xuất nên duy trì chính sách ưu tiên miễn học phí cho sinh viên học các Trường sư phạm, nhằm thu hút, khuyến khích người giỏi vào nghành giáo dục. Tuy nhiên, đề nghị cần có quy hoạch đào tạo cân đối với nhu cầu sử dụng, không nên đào tạo tràn lan như hiện nay, dẫn đến sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm.
Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Điều 3a, thống nhất nên để hai loại hình “giáo dục chính quy và không chính quy” không nên quy định như trong dự thảo gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Điều 4 khoản 2 điểm d quy định về Hệ thống giáo dục quốc dân, Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ và tương đương, đây là quy định mang tính mở rộng cho một số ngành đặc biệt như ngành y (thạc sỹ và tiến sỹ tương đương chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2).
Đại biểu Trần Đình Gia, góp ý về Điều 70 quy định về Nhà giáo của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn và phân định rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí của giáo viên, nhà giáo và người làm công tác quản lý giáo dục v.v nếu quy định dài dòng nhưng thiếu nội hàm như điều 70 thì rất khó hiểu.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận |
Góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng còn có quá nhiều điều( 20/32) giao cho Chính phủ quy định thì chưa đáp ứng yêu cầu cho việc sửa đổi lần này và luật hóa các quy định dẫn đến luật sửa xong còn phải chờ Nghị định, thông tư hướng dẫn.
Điều 16 Luật giáo dục đại học quy định Hội đồng trường, hội đồng đại học nhưng thực tế các trường hiện nay vẫn chưa thành lập Hội đồng trường hoặc tổ chức này được thành lập ra nhưng hoạt động không hiệu quả; dự thảo lần này quy định cụ thể, rõ ràng hơn rất nhiều so với luật trước đây, vấn đề là phải làm rõ mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu phải hoạt động tương đối độc lập, không nên để hội đồng trường thành đơn vị thu nhỏ trong các trường trong cơ sở GDĐH. Mặt khác, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần làm rõ hơn về quy định tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường quá nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí rối rắm, bất cập và mâu thuẫn với thực tiễn và rất khó khăn cho việc bố trí người làm chủ tịch hội đồng trường.
Điểm a, Khoản 4 quy định do hội đồng trường bầu trong số các thành viên được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 16 dự thảo quy định đây là điều kiện hợp lý gắn trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội trường hay chưa.Đề nghị cần xem xét làm rõ nội dung này.
Tại Điều 38 quy định về văn bằng giáo dục đại học. Cần bổ sung cụm từ: Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công nhận học vị và cấp bằng ở trình độ đào tạo phù hợp với các chương trình giáo dục đại học tương ứng.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)