Hội nghị trực tuyến về chất vấn và trả lời chất
EmailPrintAa
11:47 17/08/2017

Sáng 16.8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Võ Hồng Hải, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về nhóm vấn đề: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.

Mở đầu phiên chất vấn chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Quy hoạch đô thị nào cũng có vấn đề: về môi trường, nước thải, rác thải không có cách xử lý ổn thỏa; nơi có các công trình lớn thì gây ùn tắc giao thông; thiếu trầm trọng chỗ vui chơi, giải trí. Đặc biệt, nhiều đô thị làm đường mới xong, kinh phí rất lớn, nhưng phố xá vẫn nhếch nhác toàn nhà bé, nhà siêu mỏng. “Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề trên ra sao? Có tình trạng lợi dụng việc biết trước quy hoạch để trục lợi không? Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào để khắc phục?”

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng chất vấn về tình trạng buông lỏng quản lý quy hoạch dẫn đến quá nhiều lệch lạc trong quy hoạch, quản lý đô thị. Đường thẳng nắn thành đường cong, sân gofl nằm trong sân bay, khu đô thị không có chợ, hoặc bệnh viện, nhà cao tầng nọ sát nhà cao tầng kia vi phạm quy định về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy. Dĩ nhiên, trách nhiệm của địa phương là chính, nhưng Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý, nếu cần thiết trình Chính phủ, Quốc hội ban hành quy định để quản lý có hiệu quả. Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng đã chỉ đạo việc này như thế nào, đã xử lý trách nhiệm ai chưa?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) phản ánh tình trạng trong thời gian qua, cử tri, nhân dân cả nước bức xúc trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, đất rừng đặc dụng, lấn chiếm  đất nông nghiệp. Đặc biệt lấn chiếm đất quốc phòng - an ninh. Điều đáng nói là thanh tra chuyên ngành, các ngành các cấp đề có các ngành chức năng để kiểm tra, thanh tra việc này. Tuy nhiên, việc xử lý chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng này xảy ra. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong xử lý vấn đề như thế nào? Bộ trưởng có cam kết không để tình trạng này xảy ra trong thời gian tới hay không. Và không để tình trạng xây dựng trái phép, sai phép?

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu đồng bộ thậm chí ngay trong cùng một quy hoạch và nguồn lực thực hiện còn hạn chế.  

Trong khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch chậm, không đồng bộ, chắp vá. “Cái lẽ ra làm trước thì làm sau, lẽ ra làm toàn phần thì làm một phần”, Bộ trưởng cho biết. “Nguyên nhân do cơ quan quản lý nhà nước không làm đúng chức trách. Sau khi có quy hoạch, phải có chương trình, kế hoạch, có dự án trọng tâm trọng điểm, cung cấp thông tin quy hoạch, cắm mốc nhưng việc này tiến hành chậm. Giám sát cộng đồng hạn chế, thanh tra kiểm tra không thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ việc không kịp thời tạo tiền lệ cho vi phạm.

“Có lúc chúng ta đã buông lỏng khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch dẫn đến ùn tắc, ngập lụt, sử dụng đất không hiệu quả và xảy ra các vi phạm về cấp phép xây dựng…”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến câu hỏi là có trục lợi trong lập, tổ chức thực hiện quy hoạch không, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: Về tập thể tôi cho là không có, nhưng một số trường hợp cá nhân thì có. 

Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn

 

Theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng có hạn chế trong công tác xây dựng thể chế. Một số vấn đề về phương pháp luận tính toán, các chỉ tiêu đô thị hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa phù hợp với điều kiện phát triển nhanh của đất nước. Thủ tục trình tự quy hoạch đô thị có những điểm còn phức tạp nặng về mục tiêu quản lý nên không thực hiện được trên thực tiễn. Trong thanh tra kiểm tra, Bộ Xây dựng có lúc phối hợp chưa thường xuyên với các địa phương để sớm phát hiện bất cập.  “Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc này”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, đối với quy hoạch xây dựng và đô thị tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ hoàn thiên thể chế theo hướng đây là công cụ đắc lực để quản lý đầu tư hiệu quả, bảo đảm chất lượng an toàn công trình nhưng cũng phải chống thất thoát, tiêu cực, chống lãng phí nguồn lực của đất nước.

“Chúng tôi sẽ rà soát cách tính, loại bỏ một số thủ tục không cần thiết, ví dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án. Tăng cường phối hợp với địa phương để tổ chức, chỉ đạo theo dõi quá trình thực hiện quy hoạch và trong công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ Xây dựng sẽ đề xuất công cụ để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện theo hướng có lợi cho họ này, bảo đảm quy trình chặt chẽ, tranh thủ được sự giám sát của cộng đồng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), Bộ trưởng thừa nhận tình trạng xây dựng không phép, sai phép cũng là một hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch. “Giấy phép được cấp nhưng không đúng với quy hoạch chi tiết. Chúng ta không thường xuyên thanh tra kịp thời, thanh tra được thì lại xử lý không dứt điểm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng cam kết chấm dứt xây dựng sai phép rất khó. “Chúng tôi nhận trách nhiệm nhưng cam kết không để xảy ra sai phạm nữa thì rất khó, nhưng chúng tôi sẽ tập trung xử lý thanh tra cụ thể một số dự án có quy mô sử dụng đất lớn”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về vấn đề ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân do chúng ta cấp phép xây dựng đô thị, chung cư ở trung tâm nội đô quá nhiều, gây quá tải về dân số, về cơ sở hạ tầng. “Giải pháp trước mắt cần giám sát chặt chẽ sự tuân thủ quy hoạch chi tiết, và khi duyệt dự án cũng phải bảo đảm thiết kế đô thị của từng dự án. Có kế hoạch đồng bộ xây dựng hạ tầng xung quanh mới giải quyết được ùn tắc giao thông”, Bộ trưởng cho biết.

Trong quá trình Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Giao thông, Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia trả lời chất vấn; Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung chất vấn và kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.


    Ý kiến bạn đọc