Kỳ họp thứ Nhất đã để lại niềm tin lớn, ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào, cử tri cả nước
EmailPrintAa
08:40 31/01/2013

Sáng nay, 22.8, Phiên họp thứ Nhất, UBTVQH Khóa XIII đã khai mạc. UBTVQH đã đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, QH Khoá XIII. Theo nhận định chung của các Uỷ viên UBTVQH, về tổng thể, Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII rất thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào, cử tri cả nước. Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế cần được khắc phục...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Những mặt tốt hoặc còn hạn chế cũng phải khách quan...
 

Tôi đề nghị phần đã nhận định là tốt thì cũng phải thực sự khách quan và những cái hạn chế, tôi cũng đề nghị cần khách quan vì sẽ gửi đến các ĐBQH. Tôi, đề nghị lưu ý một số vấn đề.

 

Thứ nhất, ở trang 3 về công tác điều hành dân chủ, tôi nhất trí, nhưng công tác tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình kịp thời đầy đủ, bảo đảm chính xác - viết thế này chưa đủ và nhiều ĐBQH sẽ cho rằng việc tổng hợp thiếu nhiều ý. Theo tôi chỗ này nên dùng ở mức độ vừa phải. Sang trang 4 là công tác phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tương đối tốt, nhưng cũng có những sai sót không đáng có.

 

Vấn đề nữa việc đưa tin, trong Hội trường thì có những vùng được đưa rất nhiều, có những đoàn được đưa rất nhiều, nhưng có vùng không được đưa... Tôi đề nghị VPQH cũng có chỉ đạo chỗ này cho tốt hơn.

 

Về Tờ trình việc chuẩn bị chương trình Kỳ họp thứ Hai, cơ bản tôi nhất trí, nhưng việc bố trí thời gian về Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh QH Khóa XIII chỉ có nửa ngày theo tôi quá ít. Cần phải được bố trí thời gian để thảo luận nhiều hơn, việc chuẩn bị kỹ hơn để sau này tránh chuyện đưa vào, rút ra. Ở đây theo tôi nên bố trí ít nhất một ngày, phải có một buổi ở tổ và một buổi ở hội trường.

Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước: Có 3 vấn đề cần rút kinh nghiệm
 
Nhiệm vụ quan trọng nhất của kỳ họp thứ nhất vừa qua của QH đó là công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy nhà nước ở Trung ương. Xung quanh công tác nhân sự có 3 việc cần rút kinh nghiệm. Thứ nhất là việc bầu không đạt Ủy viên thường vụ - Trưởng ban Dân nguyện. Ta phải đối mặt với thực tiễn, không lẩn tránh được. Thứ hai về số lượng các thành viên của HĐDT và các Ủy ban. Vấn đề này đã thảo luận nhưng sau đó vẫn ấn định con số khung của Đảng đoàn Quốc hội Khóa XII đã đề ra. Theo tôi, nếu mở trần số lượng sẽ rất tốt. Thứ ba, xung quanh vấn đề về thẩm tra tư cách đại biểu, bài học cần rút ra cho bộ phận thẩm tra tư cách đại biểu là phải hết sức chú ý các thông tin ngay trong thời kỳ QH đang họp liên quan đến ĐBQH.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Công tác tổng hợp ý kiến nên đánh giá ở mức độ nào đó
 
Về Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp tôi xin có một số góp ý cụ thể. Ở trang đầu tiên nói là các vị ĐBQH đã tiếp nhận nhanh quy trình, thủ tục hoạt động tại kỳ họp. Tôi nghĩ nên bỏ câu này, tiếp cận nhanh hay không tiếp cận nhanh cũng phải chấp hành đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật. Dùng câu này làm cho cử tri nghi ngờ may là “anh” tiếp cận nhanh, nếu “anh” tiếp cận không nhanh thì sao? Đã là ĐBQH ngồi trong hội trường là “anh” phải chấp hành đúng pháp luật, không cần phải nói tiếp cận nhanh hay không nhanh.

 

Tại trang 2 nói là công tác nhân sự được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tôi đề nghị cân nhắc từ "công phu", có lẽ nên là kỹ lưỡng, chặt chẽ là được, dùng từ "công phu" có lẽ chưa hay lắm, tôi đề nghị cân nhắc từ đó. Ở mục 1.2, hoạt động lập hiến, lập pháp, tôi xin đề nghị đưa chủ đề việc xem xét, nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lên đầu tiên.

 

Tại trang 3 tôi đồng ý là công tác tổng hợp ý kiến nên đánh giá ở mức độ, đánh giá như thế này cao quá. Tôi đọc lại trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH cũng góp ý nhiều về công tác tổng hợp. Trên cơ sở đó tôi đề nghị tại trang 4 nên đánh giá công tác tập hợp của cần tiếp tục cải tiến tốt hơn, tập hợp tốt hơn...

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Công tác điều hành trong kỳ họp vừa qua là dân chủ, tập trung, thống nhất... 

 

Cơ bản tôi nhất trí với dự thảo báo cáo, tuy nhiên cũng có thêm một vài ý kiến.

 

Thứ nhất, ở trang 2 viết: nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ. Chúng tôi rất băn khoăn về từ "cơ bản" ở đây. Vì trong tiêu chuẩn cán bộ phải có tiêu chuẩn, phải thỏa mãn các tiêu chuẩn, ở đây nhân sự đã được bầu rồi mà vẫn cơ bản đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thì chắc là không được. Tôi nghĩ vấn đề này phải cân nhắc. Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề cơ bản thì thông thường đặt ra trong những trường hợp thiếu rất nhiều thứ, nhưng bây giờ không còn ai nữa, thôi cơ bản như thế cũng được rồi cho “ông” thông qua. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta dùng chữ "cơ bản" ở đây nó không thỏa mãn với yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ. Cho nên, tôi nghĩ cần viết cho thận trọng hơn là nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn, bỏ chữ cơ bản đi mà dùng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức... thì chắc sẽ cẩn trọng hơn.

 

Thứ hai, ở trang 3, Mục 1.3 khi viết về việc xem xét việc thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và quyết định các vấn đề khác, khi xuống dòng viết luôn là với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả thành tích đã đạt được, đã có ai báo cáo đâu mà Quốc hội phân tích, đánh giá. Trong khi đó đoạn nói một mạch dài cũng ở khổ sau đó mới viết là các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, ngắn gọn, sát thực tế. Tôi nghĩ phải đảo ngược lên, ngay mục 1.3 đầu tiên phải viết các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị tương đối công phu, ngắn gọn, sát thực tế, mang tính tổng quát kèm số liệu... Sau đó mới là với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã phân tích, đánh giá... Báo cáo lúc đó mới có nhận định, tôi thấy logic như vậy phù hợp hơn.

 

Một vấn đề nữa cũng ở trang 3 về cách thức tiến hành kỳ họp và công tác bảo đảm khác, ở Mục 2.2, chúng tôi cơ bản nhất trí công tác điều hành trong kỳ họp vừa qua là dân chủ, tập trung, thống nhất nhưng nói ngay là khoa học, sáng tạo, linh hoạt, theo tôi là không nên. Chưa nên khẳng định ngay là đã điều hành khoa học, sáng tạo, linh hoạt...
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII rất thành công

 

Có thể đánh giá về tổng thể, Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII rất thành công. Đây là kỳ họp rất có ý nghĩa, quyết định nhân sự cấp cao của nhà nước cũng như các chức danh của các cơ quan của QH. Tôi cũng đồng ý với đánh giá tóm lược của VPQH, kết quả này đã để lại niềm tin lớn, một ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào, cử tri cả nước. Kỳ họp đã tiếp tục phát huy và chuyển tiếp tính dân chủ của QH các khóa trước, đặc biệt là Khóa XII, có thể nói đây là mong mỏi của các ĐBQH và của đông đảo cử tri. Đặc biệt kỳ họp lần này có một đặc thù riêng so với các Khóa trước, đó là việc chuyển tiếp Chủ tịch Quốc hội ngay trong những ngày đầu của QH Khóa XIII.

 

Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề nên rút kinh nghiệm như âm thanh; trang phục; việc thông tin, tuyên truyền...


    Ý kiến bạn đọc